02/10/2021 08:27
Việt Nam cần đưa ra một lộ trình chắc chắn và an toàn để mở cửa trở lại
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đưa ra một lộ trình chắc chắn và an toàn để mở cửa trở lại.
Tại Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 diễn ra hôm nay (1/10), ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đưa ra một lộ trình chắc chắn và an toàn để mở cửa trở lại.
Về trung hạn, ông Andrew Jeffries khuyến nghị các ngân hàng tại Việt Nam cần cần tăng cường trích lập dự phòng và cẩn trọng khi nợ xấu có thể phát sinh trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đối với những nhân tố khách quan, chi phí logistics toàn cầu cũng như tại Việt Nam đang tăng mạnh, đại diện ADB lưu ý, Việt Nam cần chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển lĩnh vực vận tải đa phương tiện…
Đồng quan điểm, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho rằng gói hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ, lại chủ yếu tập trung vào các chính sách giảm hoãn thuế, không hỗ trợ trực tiếp vào chi tiêu.
"Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế", ông Francois Painchaud nêu quan điểm.
Đại diện IMF khuyến nghị thay vì tập trung vào miễn giảm hoãn thuế, cần hướng đến giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, cụ thể là chuyển khoản lỗ thuế từ những năm trước sang các năm sau.
Về vấn đề liên quan ngân sách, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Việt Nam vẫn còn những dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới. Đó là tỷ lệ lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ ổn định, hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là tỷ lệ bội chi ngân sách còn thấp.
TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất giai đoạn này, muốn phục hồi kinh tế, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa. Đồng thời, cần nhanh chóng phục hồi, củng cố các động lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực hợp lý, đúng đối tượng.
Ông mong muốn Chính phủ sớm ban hành kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế. Ngoài ra, cần xem xét miễn nhiều sắc thuế, thay chỉ vì hoãn và giãn thuế.
Còn theo TS. Cần Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Ông cho biết tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7 điểm phần trăm (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua.
"Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, sau đó sẽ có lộ trình vào củng cố tài khóa, củng cố lại kinh tế vĩ mô", TS. Cần Văn Lực nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ rõ, gói hỗ trợ chậm triển khai, khá manh mún, thủ công và thiếu minh bạch. "Gói hỗ trợ được ban hành cần phải thực thi nhanh, vướng mắc tháo gỡ ngay. Cùng với đó là thiết kế gói hỗ trợ mới, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp", ông Lực đề xuất.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp