14/07/2017 03:04
Viễn thông đạt doanh thu hơn 213 ngàn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Đó là thông tin được đưa ra trong dự thảo Báo cáo Sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào sáng nay 14/7.
Theo số liệu này, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành viễn thông đã có doanh thu ước đạt 213.355 tỷ đồng, đạt 47,41% kế hoạchnăm 2017.
Riêng doanh thu trong ngành Công nghệ Thông tin 6 tháng đầu năm ước đạt 31,34 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp phần cứng chiếm trên 91%. Các ngành bao gồm điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 7,59 tỷ USD, tăng 12,36% so cùng kỳ 2016.
Cũng theo thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, thị trường viễn thông Việt Nam đang có sự dịch chuyển rõ rệt từ 2G sang 3G và 4G sau khi các nhà mạng thử nghiệm và cung cấp chính thức trong quý 2/2017.
Cụ thể, đến hết tháng 6/2017, thuê bao 2G có khoảng 68,8 triệu, thuê bao 3G khoảng 54,2 triệu. Riêng dịch vụ băng thông có chiều hướng gia tặng đạt con số 10,11 triệu thuê bao, số thuê bao cố định ở con số 7,3 triệu.
Trong 6 tháng đầu năm, theo đánh giá của Bộ TT&TT, tình hình viễn thông tiếp tục có nhiều thay đổi trong công tác quản lý SIM rác, phát triển 4G, triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020; hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo cận nghèo; khai thác tuyến cáp quang biển APG...
Về công tác quản lý siết chặt SIM rác, được xem là nhiệm vụ trọng tâm được người dân quan tâm, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình trạng SIM rác, SIM ảo tiếp tục còn tồn tại khi chế tài chỉ mang tính hình thức thiếu sự răn đe khi nhiều người dùng phản ánh vẫn nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo không mong muốn. Trong đó, tình trạng lừa đảo viễn thông quốc tế tiếp tục tăng mạnh, song song với lừa đảo qua điện thoại cố định trong nước đang tái diễn.
Đối với lưu lượng internet quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án trao đổi dung lượng trong trường hợp có sự cố đứt cáp quang biển để đảm bảo chất lượng kết nối đi quốc tế của Việt Nam. Đồng hành với việc chia sẻ hạ tầng viễn thông, phương án trao đổi băng thông cáp quang biển cũn góp phần đẩy mạnh cạnh tranh, gia tăng dịch vụ vì quyền lợi người tiêu dùng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp