20/02/2017 07:03
Vỉa hè nhiều nơi vẫn bị lấn chiếm
Vỉa hè tại một số nơi ở TP.HCM vẫn đang bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán hàng rong, giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo...
Cơ quan chức năng ra quân dẹp quyết liệt nhưng sau một thời gian đâu vẫn hoàn đấy.
Tại nhiều con đường thuộc các quận Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận..., vỉa hè vẫn là “của riêng” để các chủ quán trưng bày sản phẩm. Rất nhiều xe hơi, xe máy đậu la liệt khiến vỉa hè gần như không còn chỗ trống.
Bị chửi vì...đi bộ trên vỉa hè
Những con đường như Âu Cơ, Tân Kỳ Tân Quý, Vườn Lài... vốn đã nhỏ hẹp, nay nhiều người còn tranh thủ bày bán các mặt hàng tràn trên vỉa hè, kéo xuống cả dưới lòng đường.
Tại những tuyến đường này, nhiều quán cóc bán nước, khẩu trang y tế, vé số... vô tư dựng những tấm dù lớn để kinh doanh, rác thải chất thành từng đống nhỏ ngay bên đường.
Còn khu vực đường Tây Thạnh, từ khoảng 17h trở về đêm, xe cộ, hàng hóa tràn ngập khắp vỉa hè. Hai bên đường bày bán đủ các mặt hàng giày dép, áo quần, hàng quán “di động”... Các quán nhậu cũng vô tư bày bàn ghế buôn bán, khách ngồi chiếm trọn vỉa hè.
Con đường này có vỉa hè thoáng, rộng, sau giờ làm người dân nghỉ ngơi muốn đi tập thể dục nhưng đành thở dài... “bó tay”.
Trên các tuyến đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Cộng Hòa... (Q.Tân Bình) các tấm banner, bảng quảng cáo, hàng hóa của các cửa hàng kinh doanh đặt dày đặc trên vỉa hè. Nhiều người bán hàng rong ngồi hẳn giữa đường, bày ghế tràn xuống lòng đường để bán.
Thậm chí, có tuyến đường như Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), vỉa hè đã hẹp, gạch bong tróc, gãy khúc, lại bị chiếm dụng nên nhiều đoạn không còn nhận ra “hình dạng”.
Nhiều chủ cửa hàng khi được hỏi cho rằng việc lấn chiếm vỉa hè là chuyện bình thường. Bà H., chủ một cửa hàng bán hoa trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cho biết trước giờ bà vẫn bày hoa ra vỉa hè và dành một phần để xe cho khách.
Thỉnh thoảng có lực lượng trật tự đô thị của phường tới kiểm tra nhắc nhở, xử phạt, nhưng sau đó tiếp tục tái diễn.
“Buôn bán ở đây lâu nay, giờ không tận dụng vỉa hè làm nơi cho khách đậu xe cũng không biết để ở đâu” - bà H. vô tư nói.
Ông N.V.T., sống trên đường Âu Cơ, cho biết hằng ngày đi bộ trên vỉa hè ông phải luồn lách qua các “chướng ngại vật” là biển quảng cáo, bàn ghế, xe máy... để dày đặc trên vỉa hè. Có những đoạn đường vỉa hè bị chiếm hết, người đi bộ phải xuống lòng đường, đi chung với xe máy.
Đã vậy, không ít lần ông T. bị chửi vì “tự ý” dịch chuyển biển quảng cáo, bàn ghế giữa vỉa hè để đi.
“Họ đã chiếm vỉa hè còn ngang nhiên xem như sở hữu riêng của mình. Đi bộ qua mà họ thấy ngứa mắt là bị chửi. Bức xúc nhưng cũng chỉ biết cúi gằm mặt quay đi” - ông T. bức xúc nói.
Phê bình địa phương nào làm không tốt
Ông Trần Thanh Bình - phó chủ tịch UBND Q.3 - cho biết hiện Q.3 vẫn tập trung đẩy đuổi các trường hợp chiếm dụng, lập lại trật tự trên vỉa hè. Đối với những tuyến đường trọng điểm, quận thường xuyên ra quân quyết liệt dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm.
Những tuyến đường khác kẻ vạch vỉa hè, cho kinh doanh mua bán có mức độ chứ không phải chiếm toàn bộ vỉa hè. Tuy nhiên, theo ông Bình, để xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè, trả lại mặt bằng cho người đi bộ rất khó, phải thực hiện lâu dài.
Khó nhất là việc kiếm chỗ để sắp xếp hết toàn bộ người dân kiếm sống riêng lẻ trên vỉa hè. Hiện quận giao cho 14 phường rà soát tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè.
Mặt khác, tìm kiếm địa điểm bố trí khu vực hẻm rộng, khu đất trống sẽ tận dụng sắp xếp đưa người buôn bán hàng rong vào.
“Quận cũng đề ra rất nhiều giải pháp quản lý sắp xếp lại vỉa hè, tìm kiếm những vị trí phù hợp... để giải quyết sớm tình trạng này, nhưng không thể một sớm một chiều mà dẹp bỏ được” - ông Bình nói.
Ông Võ Đức Thanh - phó chủ tịch UBND Q.11 - cho hay đa số người dân cố tình chiếm dụng phần vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà để kinh doanh. Mỗi khi lực lượng của quận ra quân rầm rộ đều chấn chỉnh được trật tự vỉa hè, nhưng việc giữ nguyên hiện trạng sau đó rất khó.
Sau thời gian ra quân, người dân vẫn tái diễn tình trạng lấn chiếm. Do đó cần có giải pháp lâu dài, kết hợp vừa ra quân dẹp bỏ mạnh tay vừa tìm kiếm vị trí phù hợp bố trí tập trung cho người buôn bán vỉa hè vào một chỗ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP, hiện Ban an toàn giao thông phối hợp một số đơn vị chức năng đã tổng rà soát tình hình thực hiện lập lại trật tự lòng lề đường tại 159 tuyến đường kiểu mẫu mà 24 quận huyện đã đăng ký từ năm 2012.
Quá trình kiểm tra rà soát tình hình trật tự lòng lề đường ở nhiều tuyến đường có chuyển biến nhưng bên cạnh đó tại rất nhiều tuyến đường, tình trạng lấn chiếm vẫn không có thay đổi. Các tổ khảo sát cũng đã tiến hành ghi hình để làm bằng chứng.
Kết quả tổng rà soát này được gửi lại cho các quận huyện có ý kiến trước khi trình UBND TP xem xét, có những chỉ đạo cụ thể.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa chỉ đạo những quận huyện nào làm tốt sẽ biểu dương, khen thưởng, nhưng những quận huyện làm chưa tốt ngoài việc phải có giải pháp chấn chỉnh còn bị phê bình.
Trong năm 2016, nhiều lãnh đạo xã phường trên địa bàn TP đã bị cách chức, hạ bậc thi đua vì không giải quyết nổi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường.
Tiếp tục lắp đặt barie trên vỉa hè
Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVTTP.HCM - cho biết vừa giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm thêm 2-3 mẫu barie mới để đưa ra lắp đặt thí điểm trên vỉa hè địa bàn Q.1, sau khi UBND Q.1 góp ý nên xem xét lại việc lắp đặt barie.
Theo đó, trước khi lắp các mẫu barie mới, sở sẽ tham khảo ý kiến của Ban an toàn giao thông TP, UBND Q.1, hội người khuyết tật, khiếm thị... để hoàn chỉnh mẫu barie mới sẽ đưa ra lắp đặt.
Việc tiếp tục lắp đặt barie trên lề đường nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, bởi lực lượng chức năng không thể có mặt 24/24 giờ để xử phạt người chạy xe máy trên lề đường.
Tại 8 tuyến đường lắp đặt barie ở những vị trí có đủ ánh sáng và dễ thấy nên khó có thể xảy ra việc người đi bộ bị vấp barie té ngã. Ông Lâm khẳng định việc tiếp tục lắp đặt barie trên vỉa hè sẽ ngăn chặn tình trạng xe máy chạy tràn lên lề đường gây nguy hiểm cho người đi bộ.
N.ẨN
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp