13/09/2017 06:48
Vì sao VPBank đột ngột dừng bán FE Credit?
Những quyết định khôn ngoan của các ông chủ VPBank đã giúp cổ phiếu của ngân hàng này trở thành món hàng cực hot trên thị trường trong thời gian qua.
Lên kế hoạch bán 49% cổ phần của công ty tài chính FE Credit cho nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí đã tiến hành đàm phán với các đối tác Nhật Bản, nhưng vì sao Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại thay đổi kế hoạch vào phút chót?
Quyết định quan trọng
Tại sự kiện giới thiệu về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank tổ chức tại TP.HCM hai ngày trước khi cổ phiếu ngân hàng này niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank - đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, VPBank hiện không có kế hoạch bán bớt cổ phần tại FE Credit hay bán bất cứ tài sản nào.
Thông tin được ông Vinh chính thức đưa ra đã chấm dứt mọi thắc mắc, lo ngại của các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng này. Bởi lẽ, FE Credit được coi là “gà đẻ trứng vàng” cho VPBank suốt hai năm qua. Nếu như VPBank bán đi một nửa cổ phần tại FE Credit, cũng có nghĩa lợi nhuận của ngân hàng này trong những năm sau sẽ bị giảm đáng kể.
Năm 2016, lợi nhuận mà FE Credit mang lại chiếm tới một nửa tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank, góp phần quan trọng đưa ngân hàng này vượt lên trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ tư toàn hệ thống, chỉ sau Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Cần phải nhắc lại rằng, từ cuối năm ngoái, thông tin về việc VPBank đàm phán với các đối tác Nhật Bản để bán cổ phần FE Credit đã bị rò rỉ và lan rộng. Trong một cuộc trao đổi với báo chí trước đây, ông Vinh đã thừa nhận ban lãnh đạo của VPBank đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư đến từ châu Âu và Nhật Bản để đàm phán về việc bán cổ phần tại FE Credit.
“FE Credit hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng rất rủi ro và cũng rất mới ở Việt Nam. Ban lãnh đạo ngân hàng xác định, cần phải có một đối tác có kinh nghiệm sâu. Thậm chí là một đối tác đã trải qua cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính tiêu dùng”,ông Vinh chia sẻ về lý do VPBank tìm nhà đầu tư chiến lược để nhượng bớt cổ phần tại FE Credit.
Đồng thời, ông cũng cho biết, bán bớt cổ phần tại FE Credit sẽ giúp ngân hàng mẹ có đủ vốn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh trong những năm tới.
Lý do VPBank định thoái bớt vốn tại FE Credit thì đã rõ, nhưng vì sao ngân hàng này lại đột ngột thay đổi ý định và tuyên bố sẽ tiếp tục giữ nguyên vốn tại FE Credit thêm vài năm nữa?
“Đó là một quyết định rất quan trọng”, ông Vinh kể lại và nói thêm:“VPBank quyết định sẽ chậm lại quá trình này là để thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ và niêm yết trên sàn chứng khoán trước”.
Theo ông Vinh, niêm yết và phát hành cổ phiếu riêng lẻ là bước đi rất quan trọng của ngân hàng để tăng năng lực về vốn. “Trước đây, VPBank định tìm đối tác và bán một phần vốn của FE Credit trước, nhưng thời điểm này VPBank quyết định sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ của công ty mẹ và dùng số vốn có được phát triển các kế hoạch kinh doanh khác”.
Nhà đầu tư nước ngoài
Trong bản cáo bạch VPBank gửi tới HoSE trước khi niêm yết, có một điểm đáng chú ý là tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang nắm là 22,34% vốn điều lệ tại ngân hàng này tính đến cuối tháng 6 năm 2017.
So với bản báo cáo thường niên 2016 được công bố vào tháng Ba năm nay, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 0%, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài này chỉ mới mua vào 22,34% cổ phần tại VPBank trong vài tháng đầu năm, sau khi ngân hàng thực hiện các cuộc roadshow tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài tại một số thị trường ở châu Âu và châu Á.
Trả lời câu hỏi của một số nhà đầu tư trong cuộc hội thảo tại TP.HCM của VPBank trước khi niêm yết, ông Tô Hải - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (đơn vị tư vấn niêm yết và phát hành riêng lẻ của VPBank) kể lại rằng, trong tổng số gần 90 nhà đầu tư được tiếp xúc, có tới 78 nhà đầu tư đã bỏ tiền mua cổ phiếu VPBank. Không những thế, giá trị đặt mua lên tới 1,2 tỷ USD, gấp bốn lần dự kiến ban đầu của VPBank.
“Một trong số những điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới nhất chính là FE Credit”, ông Vinh lý giải. Như vậy, nếu VPBank bán bớt cổ phần của FE Credit, sức hấp dẫn của ngân hàng với các nhà đầu tư ngoại sẽ giảm. Rất có thể, giữ lại cổ phần của FE Credit chính là điều kiện để các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào VPBank. Vì họ đều hiểu rằng, mất sức ảnh hưởng tại FE Credit, VPBank sẽ mất đi con gà đẻ trứng vàng.
Bản cáo bạch của ngân hàng này thể hiện rõ tầm ảnh hưởng của FE Credit như thế nào. Sau ba năm thành lập, số lượng khách hàng của FE Credit tính tới cuối năm 2016 đã đạt 3,9 triệu khách, với hơn 8.000 điểm bán hàng. Lợi nhuận công ty này mang lại chiếm tới một nửa trong tổng số 4.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của VPBank năm 2016.
Hiện FE Credit là công ty chiếm một nửa thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, dù tham gia thị trường khá muộn so với các đối thủ khác như Prudential hay Home Credit và HD Saison.
Một nguồn tin từ VPBank cho biết, sau khi ngân hàng này quyết định dừng bán cổ phần tại FE Credit, các đối tác đang đàm phán khi đó thậm chí còn đề nghị trả giá cao hơn để có được 49% vốn điều lệ tại công ty này. Thế mới hiểu vì sao ông Vinh lại nói quyết định dừng bán cổ phần của FE Credit là quyết định phải “nhấc lên đặt xuống nhiều lần”.
Nhưng không bán cổ phần tại FE Credit thì nguồn vốn VPBank thu lại được từ các nhà đầu tư nước ngoài là bao nhiêu? Tại buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư, ông Vinh cho biết, con số này là 6.000 tỷ đồng. Với số tiền đó, VPBank đủ vốn để thực hiện các kế hoạch mở rộng trong hai năm tới mà không phải lo nghĩ gì.
Thực chất, ngay cả việc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua cũng thể hiện một bước đi khôn khéo của VPBank. Thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi đến lúc phát hành riêng lẻ mới được mua cổ phiếu và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm, ban lãnh đạo VPBank đã thuyết phục các cổ đông lớn bán trước cho các nhà đầu tư nước ngoài 11%.
Nhưng ông Hải cho biết, do nhu cầu của các nhà đầu tư ngoại rất lớn, nên một số cổ đông lớn đã bán thêm hơn 11,34%, nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trước khi niêm yết lên 22,34%.
Đến khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ngân hàng sẽ phát hành thêm 11% cho đúng các cổ đông lớn đã bán cho nhà đầu tư nước ngoài trước đó để bù đắp lại lượng cổ phiếu đã bán ra với cùng mức giá đã bán trước đó. Về bản chất, số tiền các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra để mua cổ phần trước đó sẽ quay trở lại mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ hay nói cách khác là quay lại ngân hàng.
Với cách đi khôn ngoan đó, VPBank vừa thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, lại vừa giữ được toàn bộ tỷ lệ sở hữu tại FE Credit. Một mũi tên trúng hai đích!
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp