Ngày 21/5, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cuộc họp của Ủy ban Bình ổn và Phát triển Tài chính thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thông báo sẽ cấm đào và giao dịch Bitcoin.
Bitcoin cũng như các loại tiền số khác ngay lập tức giảm giá sau tuyên bố từ giới chức Trung Quốc.
'Vòng kim cô' ngày một siết chặt
Thông báo sẽ cấm đào Bitcoin đến chỉ vài ngày sau lệnh cấm giao dịch và cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền ảo. Theo thông cáo chung ngày 18/5 của ba cơ quan liên kết của Trung Quốc bao gồm Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia, Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội Thanh toán & Bù trừ, các tổ chức tài chính như ngân hàng và kênh thanh toán trực tuyến không được phép cung cấp bất kỳ dịch vụ đăng ký, giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, ủy thác, cầm cố, hay phát hành các sản phẩm tài chính liên quan tới tiền ảo.
Lệnh cấm của Trung Quốc ngay lập tức khiến tổng giá trị đồng tiền ảo lớn nhất là Bitcoin sụt giảm đến 50 tỉ USD, tức 2,5%.
“Gần đây, giá tiền điện tử tăng mạnh rồi lại lao dốc, và hoạt động giao dịch đầu cơ tiền ảo có xu hướng tăng trở lại, có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới tài sản của các nhà đầu tư, đồng thời phá vỡ trật tự kinh tế, tài chính thông thường", thông cáo cũng cảnh báo các nhà đầu tư.
Tuần qua chứng kiến các nỗ lực quyết liệt của Trung Quốc nhằm kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của thị trường giao dịch kỹ thuật số trong thời gian vừa qua.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra các lệnh cấm liên quan tới tiền ảo. Năm 2017, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm các sàn giao dịch tiền ảo trong nước và hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO). Khi đó, Trung Quốc chiếm tới 90% tổng giao dịch Bitcoin toàn cầu. Tuy nhiên, lệnh cấm này không ngăn được các nhà đầu tư cá nhân mua tiền ảo thông qua các sàn giao dịch nước ngoài.
Tháng 6/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chặn quyền truy cập vào tất cả các sàn giao dịch tiền ảo trong và ngoài nước cũng như các trang web huy động vốn bằng tiền ảo để ngăn chặn nhà đầu tư giao dịch với các sàn nước ngoài.
Tác động của việc Trung Quốc cấm đào Bitcoin
Trung Quốc vẫn là quốc gia đóng góp lớn nhất vào mạng lưới đào Bitcoin toàn cầu, chiếm đến 70% sản lượng thế giới, dù tỉ lệ này đã sụt giảm trong những năm gần đây.
Tân Cương, Tứ Xuyên và Nội Mông là những khu vực có nhiều mỏ đào Bitcoin nhất. Tuy nhiên, vì việc đào Bitcoin tiêu thụ quá nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, tháng Ba, lãnh đạo khu tự trị Nội Mông đã chính thức cấm các doanh nghiệp khai thác Bitcoin. Lãnh đạo khu Nội Mông còn thiết lập đường dây nóng để người dân báo cáo khi thấy các mỏ đào Bitcoin hoạt động.
Theo Winston Ma, giáo sư trợ giảng của Trường Luật NYU và là tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến kỹ thuật số”, việc Trung Quốc cấm đào Bitcoin "sẽ có những tác động sâu sắc đến thị trường tiền điện tử toàn cầu".
Philip Gradwell, Kinh tế Trưởng tại Chainalysis, công ty phân tích công nghệ blockchain phân tích cụ thể hơn về tác động này. Theo ông, về ngắn hạn, giá Bitcoin có thể sẽ còn biến động mạnh hơn khi thị trường tiếp nhận lệnh cấm đào Bitcoin tại Trung Quốc. Thực tế giá giảm mạnh của đồng tiền này đã chứng minh dự đoán từ năm 2018 của Gradwell hoàn toàn đúng.
Tiếp theo, về trung hạn, việc mất đi nguồn năng lượng sẽ khiến việc thực hiện các giao dịch chậm hơn và tốn kém hơn - có thể mất nhiều tuần mới hoàn thành; và về lâu dài, sự thiếu hụt các mỏ đào Trung Quốc có thể thay đổi cán cân quyền lực đối với các quyết định liên quan đến giao thức Bitcoin và thậm chí có thể đe dọa đến sự an toàn của thị trường Bitcoin, theo Gradwell.
Đằng sau sự quyết liệt ngăn cấm tiền ảo
Trung Quốc hiện là thị trường sôi động nhất trong lĩnh vực thanh toán di động phi ngân hàng. Trong giai đoạn 2018–2019, tỷ lệ tăng trưởng giao dịch điện tử là 55%, so với mức dưới 10% ở Mỹ, đồng thời Trung Quốc cũng đạt được tỉ lệ thâm nhập thanh toán di động là 86%.
Các công ty fintech như Alipay và Tencent luôn dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, cho đến khi nhà nước khẳng định vai trò ngày càng tăng trên thị trường thị trường tài chính, kiểm soát gắt gao các doanh nghiệp tài chính tư nhân.
Mối quan hệ của Trung Quốc với tiền điện tử cũng có nhiều thay đổi trong vài năm qua. Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 sản lượng khai thác tiền số toàn cầu, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đã ngày càng siết chặt các lệnh cấm đối với thị trường tiền ảo.
Hai xu hướng trên chứng tỏ xu hướng chính sách tài chính hỗ trợ nền kinh tế thực (serving the real economy), khi thị trường tài chính số phát triển bùng nổ khó kiểm soát, theo giáo sư Isabella Weber, tác giả cuốn sách “How China Escaped Shock Therapy” (tạm dịch: Làm thế nào Trung Quốc thoát được liệu pháp sốc”.
Tuy nhiên, một mặt ngăn cấm tiền điện tử tư nhân, chính phủ Trung Quốc lại nỗ lực tạo ra đồng nhân dân tệ điện tử cho Ngân hàng Trung ương phát hành. Bản chất của nghịch lý này nằm ở câu hỏi cơ bản sâu hơn: Ai có quyền phát hành tiền?
Đây là một câu hỏi lâu đời trong kinh tế học. Các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do như Friedrich Hayek sẽ đưa ra câu trả lời có lợi cho các chủ thể tư nhân, trong khi hầu hết những người khác luôn lập luận về đặc quyền của nhà nước trong việc phát hành tiền, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chính sách kinh tế và tiền tệ.
Ở Trung Quốc, nền kinh tế đã được thị trường hóa dưới sự chỉ đạo (chứ không phải thống trị) của nhà nước và nhà nước luôn duy trì vai trò tích cực trong tất cả thị trường quan trọng. Việc giành lại hoặc đảm bảo độc quyền đối với quyền phát hành tiền là sự phản ánh của mô hình chính sách tổng thể này.
Điều đáng chú ý là tuyên bố độc quyền phát hành tiền tệ không phải là duy nhất đối với Trung Quốc. Ý kiến cho rằng Bitcoin là một loại hàng hóa ảo không do cơ quản quản lý tiền tệ phát hành, không phải là tiền tệ thực, không nên và không được sử dụng như tiền tệ trên thị trường cũng là quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư.
Việc Trung Quốc là nước đi đầu trong việc kiềm soát bong bóng tiền số là một lời nhắc nhở rằng quốc gia này đang đi đầu trong việc phát triển tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành.