14/09/2017 04:40
Vì sao tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ 'vượt mặt' nội tệ?
Một phần của nguyên nhân trên là việc lãi suất cho vay đồng USD hiện đang ở mức thấp hơn tương đối so với lãi suất VNĐ.
Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong khi cùng kỳ năm 2016, tín dụng ngoại tệ chỉ tăng trưởng ở mức 1,7% thì trong 8 tháng đầu năm nay, tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng lên đến 11,5% (gấp 6,7 lần cùng kỳ) và nhỉnh hơn so với tăng trưởng tín dụng đồng nội tệ (11%).
Một phần của nguyên nhân trên là việc lãi suất cho vay đồng USD hiện đang ở mức thấp hơn tương đối so với lãi suất VNĐ.
Theo báo cáo của NHNN, tới cuối tháng 8, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn của đồng USD phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm; trong khi lãi suất cho vay VNĐ ở mức 6-6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên và 6,8-9%/năm với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Đối với kỳ hạn dài, chênh lệch lãi suất USD và VNĐ cũng vào khoảng 4-5%/năm.
Bên cạnh đó, sự ổn định của tỷ giá USD/VND kể từ đầu năm đến nay cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Cụ thể, nhờ chính sách tiền tệ ôn hòa của FED, chỉ số USD Index (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD với rổ 6 loại tiền tệ khác) đã giảm 10,8% từ đầu năm đến nay; trong khi tỷ giá trung tâm do ngân hàng nhà nước công bố chỉ tăng nhẹ từ 22.158 VNĐ đổi 1 USD lên mức 22.438 VNĐ, tương đương mức tăng 1,3%.
Hơn thế nữa, theo CTCK Bảo Việt (BVSC) biến động tỷ giá trung tâm được điều hành tương đối mềm, giúp việc dự đoán biến động tỷ giá của các đơn vị kinh doanh trở nên thuận lợi, dẫn đến nhu cầu mua USD gia tăng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh lãi suất đầu ra đã rẻ hơn trước.
Ở một khí cạnh khác, nguồn cung ngoại tệ cũng gia tăng trong giai đoạn gần đây, khi mà một số định chế tài chính đang tích cực cung USD qua các gói vay ngoại tệ đến các ngân hàng thương mại.
Mới gần đây, IFC cho biết đang xem xét tài trợ 200 triệu USD vào Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) dưới hình thức các khoản cho vay kỳ hạn 5 năm. Trước đó, giữa VPBank và IFC cũng đã có những thỏa thuận ban đầu về khoản vay chuyển đổi 57 triệu USD với kỳ hạn 5 năm.
Theo quy định hiện hành và cũng nhằm để hạn chế tình trạng đô la hóa, lãi suất huy động bằng USD hiện là 0%. Không có số liệu cụ thể về nguồn vốn USD huy động từ dân cư. Tuy nhiên, nguồn USD dồi dào đặc biệt nhờ hoạt động đầu tư gián tiếp, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã giúp NHNN có thể liên tục gia tăng dự trữ ngoại hối trong những tháng đầu năm 2017 này.
Về thị trường ngoại hối những tháng cuối năm, xét một cách tổng thể, có thể nhận thấy sức ép là có nhưng sẽ không quá lớn. Bởi từ đầu năm đến nay, những diễn biến giảm giá của USD trên thị trường thế giới đã khiến tỷ giá VND/USD giảm đi rất nhiều áp lực.
Nhận định rằng, USD có thể sẽ tăng giá trong các tháng cuối năm 2017, nhưng TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng, chính sách tỷ giá của NHNN thời gian qua vẫn đang đi đúng hướng trong việc dẫn dắt và giữ ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao giá trị tiền đồng. Theo TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá năm 2017 có thể tăng ở mức 1-2% và đây là ngưỡng có thể chấp nhận được.
Việc NHNN liên tục mua ròng ngoại tệ và nâng cao mức dự trữ ngoại tệ trong thời gian qua, đến hết tháng 6/2017, dự trữ ngoại hối đã đạt con số 42 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, là một trong những điều kiện để giữ ổn định thị trường ngoại tệ nếu có biến động.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp