27/09/2019 07:36
Vì sao thị trường sim số đẹp “lặng sóng”?
Một thời gian dài thị trường sim số điện thoại đẹp được giới đầu cơ săn đón, thổi giá, mua đi bán lại như một kênh đầu tư kiếm lời. Nhưng hiện tại lượng người cần tìm sim số đẹp lại rất ít. Phải chăng xu thế đã thay đổi?
Qua rồi thời sim số bạc tỉ
Khái niệm sim số đẹp xuất hiện từ năm 2006 trở lại đây. Khi đó, kho số đẹp từ các nhà mạng còn dồi dào kèm giá bán xuất kho thấp. Khoảng cuối năm 2009, khi số lượng thuê bao di động phát triển mạnh, mọi người bắt đầu chú ý hơn về sim số điện thoại đẹp và đã góp phần tạo nên một thị trường sim số đẹp tấp nập kẻ bán người mua cho đến ngày nay.
Anh Trần Thế Linh, chủ một doanh nghiệp tại quận 7 (TPHCM) kể lại: “Khởi nghiệp của tôi chính là nghề kinh doanh sim số điện thoại từ những năm đầu thập niên 2000. Thời đó là giai đoạn hoàng kim của sim số đẹp, ôm một lô sim số độc, dễ nhớ, tứ quý hay số cặp thì có thể kiếm trăm triệu như chơi.
Ở thời điểm đó, người ta quan niệm một số sim đẹp không chỉ là những bộ số dễ nhớ mà còn giúp chủ nhân thể hiện cái tôi, đẳng cấp của riêng của mình. Ví dụ như bạn sở hữu chiếc sim đuôi lục quý 9 tức 999999, khi bạn gọi điện đối tác hay khách hàng của mình nó không chỉ giúp họ dễ nhớ tới bạn hơn mà còn để lại một ấn tượng cực kỳ mạnh và có cái nhìn khác về bạn khiến đẳng cấp của chủ sim được nâng lên một tầm cao hơn khi sử dụng một chiếc sim bình thường. Nhưng đến nay thì bão hòa rồi”.
Hiện tại, anh Linh vẫn đang sở hữu nhiều sim số độc, nhưng thường xuyên thay đổi chứ không sử dụng cố định số nào.
Người người săn lùng sim số đẹp để sử dụng vì tin rằng số đẹp có thể mang lại tài vận, may mắn, hơn hết là khẳng định đẳng cấp cho chủ nhân dãy số. |
Anh H. A. T., trưởng phòng của một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết mình đã sử dụng sim số đẹp từ năm 2015, lúc đó anh sở hữu sim số đẹp “tiến đôi” được mua lại với giá 90 triệu từ nhóm chuyên săn sim độc lạ, tuy nhiên đến nay để mua bán hay trao đổi con sim này với giá như trước là rất khó.
“Hiện nay sim vừa đẹp vừa rẻ với mức chấp nhận được thường dưới 20 triệu thì sẽ có nhiều người mua, sim có giá cao trăm triệu đến bạc tỷ dạo gần đây ít nghe nói tới. Trên cộng đồng mua bán sim mà anh thường theo dõi cũng có nhiều người rao bán, các hoạt động như trả giá; hỏi thăm; giới thiệu bạn bè về số sim đó bằng vô số bình luận, tuy nhiên có thể đó chỉ là chiêu trò "chim mồi", anh T. chia sẻ.
Trong giai đoạn từ năm 2015 – 2018, cộng đồng mạng xôn xao về một thương vụ "khủng" liên quan tới sim "bát thất" của nhà mạng Viettel 097 777 777. Thực tế, trước năm 2018, những vụ giao dịch sim với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng vẫn xảy ra rải rác tại Việt Nam. Tuy vậy, do số tiền của các giao dịch này quá lớn, nhiều người đặt nghi vấn về tính xác thực, liệu đây có phải là những giao dịch có thật hay chỉ là chiêu trò quảng cáo và nâng giá của giới buôn sim.
Các nhà mạng hầu hết phân phối sim số đẹp cho các đại lý nhỏ lẻ. |
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu như các đơn vị phân phối sản phẩm điện tử như Thế Giới Di Động; FPT; Viễn Thông A;... hay chi nhánh đăng ký các nhà mạng tại số 80 đường Nguyễn Du quận 1 chỉ bán sim các loại thông thường. Các trang web chuyên bán sim cũng chỉ để giá trị sim cao nhất là từ 10 triệu đồng.
Chủ một website kinh doanh sim online cho biết: “Em rao giá sim vậy thôi chứ thực tế rất ít người chịu trả giá cao để sở hữu sim. Họ chịu bỏ vài trăm ngàn cho một sim số là may lắm rồi”. Một số đại lý chia sẻ việc ôm sim giá trị lớn rất cần sự nhạy bén về giá bởi rủi ro rất cao, hàng không bán được, không có vốn quay vòng, thanh lý giá rẻ thì lỗ, mà giữ lại cũng không xong.
Anh Minh, một người kinh doanh sim số kỳ cựu tại quận 11 (TP.HCM) cho biết: “Thời gian trước tôi thường bán sim sang tay, thu mua sim đã qua sử dụng thậm chí có thời điểm tôi và bạn bè hùn hạp để kinh doanh sim số đẹp. Giai đoạn bán chạy nhất là vào khoảng giữa năm 2017. Sau năm 2018, mặc dù sim đẹp nhưng giá từ vài trăm triệu thậm chí là cả tỷ đồng nhưng lại rất ít người mua bởi giá trên trời. Chỉ những người thật sự giàu có mới chịu chi một khoản tiền lớn nhau vậy để sở hữu ‘dãy số vô thức’ có giá trị bằng cả ngôi nhà”.
“Ngán” sim số đẹp vì quá phiền
Một trong những nguyên nhân khiến người dùng ngày càng chán sim số đẹp chính là vì quá phiền phức. Chị N. T. H (Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng là nạn nhân của vấn đề này lâu lắm rồi, bị nhắn tin hỏi mua sim chán chê, suốt ngày. Nhiều lần ức chế quá gọi điện lại nói cho các đối tượng nhắn tin mua bán sim đấy một trận, thế là thấy sim của mình bị đăng tràn lan các thông tin vớ vẩn. Gọi nhà mạng Viettel thì bảo không có cách nào hỗ trợ được. Đành số lạ thì không bao giờ nghe, 10h tối tắt máy đi cho nó lành, chứ mình cũng làm doanh nhân bao năm rồi, không thể bỏ sim được”.
Anh Trần Vũ Hậu, một doanh nhân tại Cần Thơ cho biết: “Đúng là dùng sim số đẹp đã nâng tầm giá trị của bản thân lên rất nhiều. Nhưng cũng rất phiền phức khi hàng ngày được đón nhận những số lạ nhá máy, báo nhầm số. Cách đây 20 ngày tôi cũng đăng ky 1 đầu số sim Mobifone, mới kích hoạt được hơn 2h thì bị phá rối, và liên tiếp nhiều ngày sau đó đều bị nhá máy, gọi điện nói những lời tục tĩu vô văn hóa, và còn hăm dọa... tôi rất thất vọng khi đăng ký sử dụng số máy trên, và yêu cầu nhà mạng hỗ trợ thì bị chỉ tới hết chỗ này tới chỗ khác làm tôi mất nhiều thời gian”.
Sau khi mua sim số đẹp, người dùng mạng di động cảm thấy mệt mỏi khi có nhiều số điện thoại lạ gọi tới. Ngoài hỏi han tìm người sở hữu trước, những đối tượng này còn vô văn hóa xúc phạm bằng lời lẽ thô tục. |
Anh T. Q. T., ngụ tại quận Bình Thạnh (TPHCM) thì lý giải: “Trước đây người ta muốn tạo dựng, mở rộng quan hệ đối tác, giao dịch nên cần sim số dễ nhớ. Đến nay thì ai cũng sở hữu điện thoại có dung lượng khủng, lưu trữ hàng ngàn số điện thoại của người thân, bạn bè, đối tác... Chính vì vậy không còn nhu cầu phải có số điện thoại dễ nhớ số vì tất cả người quen đều lưu số nhau vào điện thoại rồi. Đó là lý do người ta không cần săn sim số đẹp nữa”.
Đồng tình, anh T. A. T., chủ một doanh nghiệp tại quận10 cho biết: “Tôi thấy số điện thoại lạ gọi đến thì sẽ không bắt máy, vì người thân bạn bè đều có số của tôi rồi, nếu không nghe máy họ sẽ nhắn tin. Còn những số điện thoại lạ, dù là dễ nhớ thì chắc chắn là đối tượng làm phiền”.
Tuy nhiên, đứng về góc độ pháp lý thì những thay đổi gần đây về chính sách quản lý sim số đã khiến thị trường mua bán sim không còn sôi động như trước. Từ năm 2018 đến nay, những người sở hữu sim đều phải đăng ký chính chủ và chụp hình chân dung để nhà mạng quản lý. Thậm chí những sim “bèo” cũng phải bổ sung đầy đủ hình ảnh của chủ nhân, nếu không sẽ bị tổng đài nhắn tin “nhắc nhở”. Những phiền phức về mặt thủ tục cũng làm giảm nhiệt thị trường sim số.
Đáng ngạc nhiên, theo ghi nhận từ nhiều đại lý, đối tượng mua sim số đẹp có giá vài triệu đồng hiện nay chính là nhân viên môi giới bất động sản. Anh T., chủ một cửa hàng điện thoại ở quận 10 cho biết: “Bù lại cho việc mua bán sim số đẹp siêu VIP đang dần ế ẩm hiện nay, nhiều nhóm nhân viên kinh doanh bất động sản đua nhau dặn tôi khi nào có sim số đẹp ngon ngon thì nhớ báo tụi em. Hiện tại, khách hàng chủ yếu là nhân viên bán căn hộ, bán đất, bán bảo hiểm, nhóm khách này săn sim với giá từ thấp đến trung bình, thường giao động khoảng 10 – 70 triệu”.
Anh T. lý giải: “Nhiều người cảnh giác với những số điện thoại lạ nên thường từ chối nghe máy để tránh bị làm phiền. Do đó, giới nhân viên môi giới bất động sản phải tìm số đẹp, gây chú ý cho đối tượng được chào mời để dễ dàng “câu” được khách.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp