14/12/2020 15:21
Vì sao Tesla cùng hàng loạt công ty công nghệ khác 'tháo chạy' khỏi Thung lũng Silicon?
Thung lũng Silicon ở New York là "trái tim" của ngành công nghệ trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng, điều này đang dần bị thay đổi.
Bắt đầu từ năm 1938, Thung lũng Silicon (nằm phía Bắc bang California) được xem "cái nôi" của ngành công nghệ.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều công ty đã dần rời bỏ nơi này. Nổi bật nhất trong số này là Hewlett Packard Enterprise (HPE), công ty hậu duệ của những người đặt nền móng đầu tiên để tạo ra một Thung lũng Silicon như ngày hôm nay. Họ sẽ chuyển đến Texas.
Vào hôm 11/12, một công ty lâu năm khác là Oracle (ORCL) cũng đã công bố kế hoạch chuyển trụ sở chính đến Austin.
Một loạt các nhà đầu tư và CEO công nghệ cao cũng đang rời San Francisco. Tuần trước, Elon Musk cho biết, ông đã chuyển đến Texas sau khi bán căn nhà Bel Air của mình vào đầu năm nay.
Những động thái như vậy bắt đầu vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, khi mọi người buộc phải làm việc tại nhà. Một số công ty công nghệ cho biết, họ sẽ cho nhân viên làm việc tại nhà ngay cả sau khi đại dịch kết thúc.
Nhưng việc di dời trụ sở công ty được nhiều người gọi là "cuộc di cư công nghệ" khỏi vùng vịnh.
Tỷ phú Elon Musk cho biết, ông đã chuyển đến Texas. Ảnh: AP |
Một số người rời San Francisco đã phàn nàn về sự quản lý yếu kém của thành phố và tiểu bang, tuy nhiên không rõ chính xác họ đang đề cập đến điều gì. Mặc dù vậy, đã xuất hiện nhiều chỉ trí đến từ những người làm trong ngành công nghệ, đặc biệt là Musk và tất cả đều liên quan đến COVID-19.
So sánh với Florida và Texas, hai bang này đã áp dụng các hạn chế ít nghiêm ngặt hơn.
Trong khi đó, Thung lũng Silicon cũng nổi tiếng có giá bất động sản cao. Và California có mức thuế thu nhập cá nhân cao, trong khi Florida và Texas không có.
Tính đến tháng 11, 39 công ty trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp khác đã chuyển đến Austin trong năm nay, theo dữ liệu từ Phòng Thương mại Austin. Tesla (TSLA) cũng đang xây dựng một cơ sở rộng 4 triệu foot vuông ngay bên ngoài Austin, dự kiến sẽ tạo ra 5.000 việc làm.
Và mặc dù không phải là một công ty công nghệ, nhà sản xuất thuốc lá điện tử Juul Labs cũng đã chuyển văn phòng công ty của mình từ Bay Area đến Austin vào năm ngoái.
Laura Huffman, chủ tịch và CEO của Austin Chamber, cho biết: “Dân số đa dạng và có trình độ học vấn cao trong khu vực là một trong những lý do khiến các công ty tìm cách chuyển đến đó". Bà lưu ý rằng, 47% dân số lao động của thành phố có bằng cử nhân, nhờ vào 25 trường cao đẳng và đại học.
“Tôi cũng sẽ không đánh giá thấp tầm quan trọng của chất lượng cuộc sống”. Huffman nói: "Có rất nhiều điều ở đây, nơi có những món ăn tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng, năm 2020 đã dạy cho tất cả chúng ta rằng chúng ta có nhiều lựa chọn nơi chúng ta muốn sống".
Thị trưởng Miami, Francis Suarez, cũng đã chớp lấy cơ hội để thu hút thêm các công ty hàng đầu đến khu vực này. Suarez đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn ảo về cách thúc đẩy phát triển thành phố trong bối cảnh ngành công nghệ đang phát triển.
Oracle đã chuyển trụ sở chính đến Austin. Ảnh: Bloomberg |
"Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển danh tiếng của Miami như một trung tâm công nghệ, khởi nghiệp quốc tế và biến Miami trở thành thành phố của tương lai, chúng tôi muốn nghe ý kiến của bạn". Suarez nói trên Twitter: "Hãy làm việc cùng nhau để nâng cao sự đổi mới và thúc đẩy tinh thần kinh doanh".
Một nhà lãnh đạo công nghệ đã đi đầu trong việc chuyển từ Thung lũng Silicon sang bờ biển đối diện là Alexis Ohanian, người đồng sáng lập Reddit. Đầu tháng này, ông đã tweet kể về việc chuyển từ San Francisco đến Florida vài năm trước.
"Mọi người đã bị sốc về quyết định của tôi nhưng ba năm sau, cuộc sống kinh doanh của tôi đang hoạt động khá tốt và bây giờ các CEO dần chuyển từ Thung lũng Silicon đến Miami", Ohanian nói.
Goldman Sachs, có trụ sở tại New York, cũng được cho là đang xem xét việc chuyển một số hoạt động sang Miami.
Advertisement