11/12/2020 11:49
Vì sao Tập đoàn Hoà Phát thoái vốn khỏi mảng nội thất gắn bó suốt 25 năm, thu lãi hàng trăm tỷ?
Hoà Phát chỉ còn 4 lĩnh vực trụ cột gồm gang thép, ống thép và tôn mạ màu, nông nghiệp và bất động sản vào năm 2021.
9 tháng đầu năm 2020, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế luỹ kế của Tập đoàn Hoà Phát đều vượt mức thực hiện năm 2019, là hai con số cao nhất từ trước tới nay. Sau khi có một quý tăng trưởng ấn tượng, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức với các tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.
Thoái vốn khỏi nội thất sau 25 năm theo đuổi
HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa có quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức. Trong đó, doanh nghiệp đa ngành của tỷ phú Trần Đình Long sẽ thành lập 4 tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động, bao gồm: gang thép, ống thép và tôn mạ màu, nông nghiệp và bất động sản.
Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát đã được thành lập từ năm 2016, trong khi đó Tổng công ty Phát triển Bất động sản Hòa Phát mới được quyết định thành lập vào ngày 8/12. Các Tổng công ty Gang thép, Tổng Công ty Ống thép và Tôn mạ màu dự kiến hoàn tất thủ tục trong tháng 12.
Mô hình hoạt động mới của Hoà Phát Group từ năm 2021. Nguồn: HPG |
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết việc tổ chức quản lý theo mô hình tổng công ty sẽ giúp điều hành hoạt động thống nhất, xuyên xuốt trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hòa Phát sẽ không còn xác định công nghiệp khác là trụ cột kinh doanh của mình kể từ năm tới. Mảng điện lạnh được gộp vào nhóm bất động sản. Đáng chú ý, tập đoàn này sẽ chính thức thoái vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021. Lãnh đạo Hòa Phát nêu lý do “ngành này mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn của tập đoàn”.
Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát được thành lập năm 1995, hiện có hệ thống đại lý phân phối tại 63 tỉnh, thành. Như vậy, Hòa Phát sẽ dừng chân tại mảng kinh doanh mà mình đã gầy dựng suốt 25 năm qua.
Nội thất Hoà Phát đã hoạt động 25 năm, có hệ thống đại lý phân phối tại 63 tỉnh, thành. Ảnh: HPG |
Trước Hòa Phát, một số doanh nghiệp lớn khác cũng thực hiện tái cơ cấu theo mô hình holdings. Đầu quý IV/2020, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) thành lập 4 mảng kinh doanh chính gồm M&E, bất động sản, ngành nước và năng lượng. Hay từ cuối năm ngoái đến giữa năm nay, Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) bắt đầu dồn lực cho mảng sản xuất công nghiệp và hạ tầng.
Dẫn đầu thị phần, lãi hàng trăm tỷ mỗi năm
Việc Hoà Phát công bố rút lui ở mảng nội thất khiến thị trường bất ngờ. Năm 2015, tròn 20 năm có mặt trên thị trường, Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát đầu tư hàng loạt nhà máy sản xuất trên khắp cả nước. Thời điểm hiện tại, Nội thất Hòa Phát có khoảng hơn 2.000 nhân sự, 4 chi nhánh và hệ thống phân phối trên cả nước. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được công ty xuất khẩu đi các thị trường Châu Á, Trung Đông và Đông Âu,…
Các sản phẩm chính của Nội thất Hòa Phát tập trung vào nội thất văn phòng, két bạc, bàn ghế ăn gia đình làm từ ống thép - inox, nội thất giáo dục và công trình công cộng,… Đây là các sản phẩm có sử dụng một phần nguyên liệu sắt, thép vốn từ thế mạnh của tập đoàn mẹ.
Tại báo cáo thường niên 2019, Tập đoàn Hoà Phát còn tự tin giới thiệu mảng nội thất của mình là “nhà sản xuất nội thất hàng đầu Việt Nam, liên tục dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng với hàng loạt dự án lớn khắp mọi miền đất nước”. HĐQT doanh nghiệp khẳng định, Nội thất Hòa Phát có lợi thế và đà tăng trưởng mạnh mẽ, từ nội thất văn phòng tới nội thất gia đình. Trong đó dòng hàng gia đình tăng trưởng 46% so với năm 2018.
Doanh thu Nội thất Hòa Phát giữ ổn định quanh mức 1.800 tỷ đồng trong nhiều năm trở lại đây. Lợi nhuận ròng cũng vững thế quanh mốc 250 - 300 tỷ đồng mỗi năm. Nội thất Hòa Phát nằm trong nhóm các công ty hiệu quả nhất ngành tại Việt Nam, với biên lãi gộp khoảng 24%.
Theo tài liệu doanh nghiệp, tập đoàn mẹ đầu tư vào mảng nội thất chỉ khoảng 400 tỷ đồng, nhưng trong 4 năm gần nhất, Hòa Phát thu lãi về tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, đây cũng là một mảng kinh doanh "gà đẻ trứng vàng" cho Chủ tịch Trần Đình Long.
Không phù hợp mô hình sản xuất của Hoà Phát?
Tuy “đẻ trứng vàng” liên tục nhưng dễ nhận thấy tiềm năng của mảng này dường như đã chạm đỉnh, khi tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận những năm gần đây hầu như không nhích thêm cao. Có lẽ, nguyên nhân Tập đoàn Hoà Phát thoái vốn đúng như những gì HĐQT chia sẻ: “ngành này mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn của tập đoàn”.
Xét về cơ cấu doanh thu, ngành nội thất phải kết hợp cùng điện lạnh mới chỉ chiếm được khoảng 3% tỷ trọng doanh thu của tập đoàn. Trong khi đó, ngành điện lạnh được công bố lần đầu vượt mốc doanh thu 1.100 tỷ đồng. Như thế, càng thấy tiềm năng của ngành nội thất đang thực sự chững lại.
Dù đang ở giai đoạn “giậm chân tại chỗ” nhưng mảng nội thất dùng tới hơn 2.000 nhân sự. Con số này ngang ngửa với mảng ống thép, và hơn nhiều so với mảng kinh doanh nông nghiệp của tập đoàn mẹ.
Công nghiệp nặng cần nhiều nhân lực là điều khó tránh, nhưng nếu so với mảng ống thép, việc nội thất tốn nhiều nhân công nhưng hiệu quả chưa thật hấp dẫn, đủ khiến HĐQT Hoà Phát phải đắn đo.
Cụ thể, thị phần ống thép của Hòa Phát tăng trưởng mạnh trong 5 năm gần đây, cuối năm 2019 đạt khoảng 32%, chắc chắn vị trí số 1 nội địa. Trong khi đó, mảng nông nghiệp cũng tăng tới 172% trong năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, nông nghiệp Hòa Phát tiếp tục tăng trưởng đột phá, doanh thu gần 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng khoảng 1.350 tỷ đồng.
Nội thất Hoà Phát không còn phù hợp với quy mô sản xuất của tập đoàn mẹ. Ảnh: HPG |
Như vậy, việc tiêu tốn nguồn nhân lực lớn và đóng góp tỷ trọng không đáng kể có thể là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định thoái vốn mảng nội thất của ông Trần Đình Long. Đây cũng là động thái phù hợp với định hướng và năng lực của tập đoàn. Chưa rõ kế hoạch thoái vốn sẽ diễn ra thế nào, thị trường đang chờ thương vụ chuyển giao sắp tới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp