14/09/2020 14:45
Vì sao Sài Gòn được dự báo sẽ mưa to cả tuần?
Ảnh hưởng rãnh áp thấp có trục vắt qua Nam Trung Bộ, kết hợp áp thấp nhiệt đới phía Đông Philippines khiến TP.HCM, các tỉnh Nam Bộ mưa to trên diện rộng.
Ngày 14/9, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, hiện tượng thời tiết này tạo thành dải hội tụ nhiệt đới, khiến gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh từ ngày 16 đến 19/9, gây mưa lớn cho TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ vào chiều tối.
Mưa gây ngập trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, chiều 11/9. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Lượng mưa phổ biến 30-60 mm, có nơi trên 60 mm trong 24 giờ, có thể khiến cây xanh gãy đổ, ngập ở một số nơi. Trong cơn giông có thể xảy ra hiện tượng lốc xoáy và gió giật mạnh... Người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ nhỏ không nên ra đường khi mưa lớn, dễ té ngã khi đi qua những xoáy nước mạnh, đặc biệt là trẻ em dễ bị nước cuốn vào cống.
Nói về hiện tượng mù ở TP.HCM những ngày qua, ông Quyết cho biết, sáng sớm nay tại trạm Nhà Bè kết quả quan trắc độ ẩm không khí trên 93%, kết hợp với trời nhiều mây, nhiệt độ thấp, gió nhẹ là điều kiện hình thành trời mù.
Sương mù nhìn từ cầu Thủ Thiêm về trung tâm TP.HCM, sáng 14/9. Ảnh: Hữu Khoa. |
Tuy nhiên, trời mù trong mấy ngày qua do hơi nước kết hợp các hạt nhân bụi, tinh thể muối... giống cơ chế hình thành mây. Đây là hiện tượng thời tiết bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe giống như mù khô hình thành từ tro bụi của các vụ cháy rừng, ô nhiễm không khí.
Hiện tượng mù làm giảm tầm nhìn trong khoảng một km, nên người đi đường, tài xế cần quan sát kỹ, nhất là khi chạy xe trên đường cao tốc. Mù ngắn hay dài phụ thuộc vào điều kiện mây và nắng. Trời ít mây, nắng sớm sau 10h sáng mù sẽ tan.
(Nguồn: VnExpress)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp