06/04/2019 00:47
Vì sao phải ăn đồ ăn lạnh trong ngày tết Hàn thực 3 tháng 3 âm lịch?
Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 và tết Thanh Minh là hai dịp lễ có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa trong đó hồn dân tộc cùng sự tiếp nối các thế hệ trước sau.
Đặc biệt, nếu mùng 3 tháng 3 âm lịch trùng vào ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh thì người ta gọi đó là “Thanh Minh đích thực”.
Tết Hàn thực là ngày gì?
Tết Hàn thực là ngày ngày 3/3 âm lịch, nếu dịch theo nghĩa đen thì tức là “ngày ăn đồ ăn lạnh”. Theo truyền thống, trong ngày này người ta không nổi lửa nấu cơm mà chỉ căn thức ăn đã nấu từ hôm trước, thức ăn nguội.
Tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo tích Giới Tử Thôi cứu tấn Văn Công nhưng không được đền đáp nên quy về ở ẩn trong núi cùng mẹ. Sau khi vua Tấn lấy lại được uy quyền, nhớ tới ân nghĩa của bề tôi họ Giới, muốn tìm ông để phong chức vị thì ông lại nhất quyết không chịu xuất núi.
Trong lúc nóng giận, vua cho đốt núi để buộc hai mẹ con Giới Tử Thôi phải ra ngoài nhưng nào ngờ cả hai ôm nhau chết cháy. Vua hối hận, từ đó lấy ngày Giới Tử Thôi chết, tức 3/3 âm lịch là Tết Hàn Thực, tất cả các nhà kiêng nổi lửa nấu cơm, chỉ ăn đồ lạnh.
Tục này theo chân người Hoa truyền bá rộng rãi khắp châu Á và lan sang tới Việt Nam. Nhưng hầu như tích về Giới Tử Thôi chỉ có ý nghĩa điển cố nhớ lại chứ không thực sự có ý nghĩa với người Việt và Tết Hàn Thực của người Việt. Người Việt không kiêng đốt lửa, vẫn nấu nướng như bình thường và làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng tổ tiên hay thành hoàng làng.
Người Việt coi ngày 3/3 âm lịch cũng giống như những lễ tết khác trong năm, là dịp thờ cúng tổ tiên và tổ chức lễ hội, quây quần con cháu trong nhà. Có năm Tết Hàn Thực rơi đúng vào Tết Thanh Minh. Người ta cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay, thứ bánh mang hương vị thanh thuần, mềm mượt, đạm đà bản sắc dân tộc. Nếp cái hoa vàng ngon hảo hạng xay nhuyễn thành bột, trộn đều với nước, khéo tay nặn mịn, bao bọc lấy đỗ xanh, đường mật, tạo thành viên bánh giản dị và thơm ngon.
Tết Hàn thực có phải Tết Thanh Minh?
Nhiều người lầm tưởng tết Thanh Minh là một ngày nhưng thực chất đó là một tiết khí trong năm, kéo dài 15 ngày từ ngày 4 hoặc 5 tháng 4 đến 19 hoặc 20 tháng 4 dương lịch. Tiết Thanh Minh trời trong khí nhẹ, không còn những cơn mưa phùn mùa xuân, không còn cái âm u ẩm ướt nồm ẩm của tiết Xuân Phân, cả không gian phấn chấn và tươi mới.
Ngay chính trong thời điểm cuối xuân đẹp đẽ như vậy, người Việt tổ chức lễ Thanh Minh tảo mộ. Ngày lễ để tưởng nhớ những người đã khuất, hướng về ông bà tổ tiên, tỏ lòng thành kính, trân trọng. Trong dịp này, người ta đi dọn dẹp mộ phần, tu bổ sửa sang những ngôi mộ cũ và làm cơm cúng mời người thân khuất núi về.
Cúng Thanh Minh có thể tổ chức tại mộ hoặc tại gia. Bữa cơm thanh tịnh, cùng lời văn khấn tết Thanh Minh rầm rì như kết nối người sống và người đã xa, gắn bó người dương thế với người âm thế, tạo thành sợi dây tình cảm mạnh mẽ, có ý nghĩa lan tỏa để con cháu đời sau dẫu chưa từng một lần gặp mặt cũng có thể có những ấn tượng về cha ông, tổ tiên.
Với dân tộc Việt, Thanh Minh không phải là ngày lễ tổ chức rầm rộ nhưng nó âm thầm, bền bỉ với những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Vì vậy, không năm nào quên, cứ đến dịp này là người đi xa cũng như ở gần, nhất định về tham dự tết Thanh Minh.
Ngày đầu tiên của tết Thanh Minh có năm trùng với Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3, thì gọi là “tết Thanh Minh đích thực”. Tết Hàn Thực cũng như tết Thanh Minh, có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc, sau quá trình du nhập sang nước ta đã có sự cải biến phù hợp để trở thành ngày lễ mang tinh thần văn hóa Việt.
Nếu người Trung Quốc coi đây là dịp tưởng nhớ Giới Tử Thôi – một trung thần thời nhà Tấn thì với người Việt, Hàn Thực cũng như bao dịp lễ khác, đều là ngày để hiếu kính tổ tiên, dâng lòng thành thơm thảo lên những bậc tiền nhân và là ngày con cháu quây quần, sum họp, nối tiếp truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc.
Nét nổi bật nhất của văn hóa Việt là giá trị của gia đình, dù ngày lễ nào, tết nào cũng đều lấy gia đình là trung tâm, lấy việc người phương xa trở về nhà gặp mặt là điều không thể thiếu. Có thể ý nghĩa, cách thể hiện của mỗi dịp lễ tết là khác nhau nhưng điều này thì hoàn toàn giống nhau.
Tết Thanh Minh như vậy, tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 cũng là thế. Trong dịp này, bánh trôi bánh chay là món bánh truyền thống được làm để dâng cúng ông bà tổ tiên, có nơi cúng thành hoàng làng và sau đó là để mọi người cùng thưởng thức, tạo không khí đầm ấm, thân tình.
Bánh trôi bánh chay làm từ bột gạo nếp, nhân đỗ xanh, đường đen rồi rắc thêm chút vừng thơm bùi. Chiếc bánh trắng tròn, mềm mịm, đơn giản mà thanh tao, nhẹ nhàng mà tinh tế, là món ăn mang đậm đà hương vị quê hương, chứa đựng tình cảm, tâm hồn dân tộc. Ngay cả trong những dịp lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Phủ Giầy cũng dâng cúng bánh trôi, đủ thấy giá trị của loại bánh này.
Các dịp lễ của người Việt quanh năm đều thể hiện tròn một chữ “hiếu”. Hiếu với đất nước, hiếu với tổ tiên, hiếu với cha mẹ. Cái nghĩa của tết Thanh Minh và tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 cũng nằm trọn trong chữ hiếu ấy, chữ hiếu của những con người luôn dành tình dành nghĩa cho tiền nhân, dành công dành sức để bồi đắp, vun vén cho tinh hoa văn hóa truyền thống gia đình và dân tộc. Hãy nhớ, những dịp lễ bên gia đình, bên người thân là đẹp đẽ nhất, đáng trọng nhất trong đời.
Lễ cúng Tết Hàn Thực gồm những gì?
Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn thực gồm: Hương, hoa, trầu cau và 5 (hoặc 3 bát) bánh trôi, 5 (3 bát) bánh chay dâng lên bàn thờ.
Văn khấn Tết Hàn thực
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:............... Ngụ tại:…………
Hôm nay là ngày……………gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao Tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ..................... cúi xin thương xót con cháu giáng về linh chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
Advertisement
Advertisement