22/05/2020 10:09
Vì sao ông Nguyễn Hữu Tín vắng mặt tại phiên phúc thẩm vụ 'đất vàng' 15 Thi Sách?
Do chấp nhận bản án mà tòa sơ thẩm đã tuyên nên cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM được tòa cho phép vắng mặt tại phiên phúc thẩm.
Sáng 22/5, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ sai phạm “đất vàng” số 15 Thi Sách, đây là phiên xử theo đơn kháng cáo của 4 bị cáo trong vụ án.
Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm cuối năm 2019, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín 7 năm tù, Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) 6 năm 6 tháng tù, Trương Văn Út (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM) 5 năm tù, Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM) 4 năm tù và Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng Phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TPHCM) 3 năm tù - cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Trong phiên sơ thẩm, ông Tín đã trình bày đầy đủ nguyên nhân, lý do, động cơ, mục đích và đặc biệt ông Tín không tư lợi cá nhân trong việc ký quyết định giao nhà, đất. Cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín chấp nhận án tù và không có đơn kháng cáo.
Riêng bị cáo Đào Anh Kiệt và ông Trương Văn Út xin giảm nhẹ án. 2 bị cáo Nguyễn Thanh Chương, Lê Văn Thanh kháng cáo xin miễn hình phạt tù.
Các bị cáo trong vụ 'đất vàng' 15 Thi Sách trong phiên sơ thẩm. Ảnh: Tiền Phong |
Đến hôm nay (22/5), TAND đã mở phiên phúc thẩm cho vụ án này. Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Hoàng Thanh Dũng làm chủ tọa. Tuy nhiên, ông Tín vắng mặt trong phiên xét xử hôm nay.
Theo đó, báo Tiền Phong đưa tin, ngày 5/5, TAND cấp cao tại TPHCM đã có công văn yêu cầu trích xuất ông Nguyễn Hữu Tín từ Trại giam Thủ Đức X230D- Bộ Công an về Trại giam CA TPHCM để phục vụ xét xử. Tuy nhiên vào ngày 15/5, TAND cấp cao tại TPHCM có văn bản đề nghị dừng trích xuất ông Nguyễn Hữu Tín. Tòa án thông tin về việc ông Tín có đơn và xác nhận của trại giam Thủ Đức Z30D về tình trạng sức khỏe của ông Tín là “hiện huyết áp cao không ổn định, nhịp tim không đều, đang điều trị rối loạn lipid máu, tăng arid urie. Sức khỏe không đảm bảo cho việc đi chuyển”.
Ngoài việc lý do sức khỏe, Tòa án cho biết, ông Tín không có đơn kháng cáo nên sự vắng mặt của ông Tín không làm ảnh hưởng đến phiên phúc thẩm hôm nay.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2014, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") với tư cách là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 đã lợi dụng danh nghĩa tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an), ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, quận 1, TP.HCM.
Ông Nguyễn Hữu Tín và các bị cáo đã thực hiện không đúng quy định pháp luật dẫn đến việc Nhà nước thất thoát 6,7 tỉ đồng do Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền 802 tỉ đồng giá trị tiền sử dụng đất nhà nước chưa thu được.
Hành vi các bị cáo phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí như truy tố là chính xác.
Khu nhà đất số 15 Thi Sách, có diện tích 2.345,3 m2, được Cục Điện ảnh tiếp quản sau giải phóng và giao cho Xí nghiệp phim tổng hợp, sau đổi tên thành Hãng Phim Giải Phóng, Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng (Phim Giải Phóng) quản lý, sử dụng. Sau khi UBND TP.HCM xác lập sở hữu đối với lô đất, Phim Giải Phóng đã ký hợp đồng thuê lại với Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà Tp. HCM để làm trụ sở chính, trả tiền hàng tháng. Tới năm 2006, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), công ty đã kêu gọi đầu tư xây dựng dự án “Tòa nhà đa năng, Trung tâm giải trí và Điện ảnh” trên khu đất số 15 Thi Sách. Do không chọn được đối tác đầu tư, dự án đã không được triển khai. Sau đó 8 năm, lô đất 15 Thi Sách rơi vào “tầm ngắm” của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Theo kết luận điều tra, trong năm 2014, Vũ “nhôm” đã 2 lần ký công văn (ngày 26/7 và 6/9) gửi tới công ty Phim Giải Phóng giới thiệu CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Vũ “nhôm” làm Chủ tịch HĐQT, viết tắt: Bắc Nam 79) là công ty “bình phong” của Bộ Công An và đề nghị được sử dụng khu đất 15 Thi Sách cho công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, Phim Giải Phóng không đồng ý với đề nghị này và có báo cáo số 213/PGP ngày 12/9/2014 để xin ý kiến Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL. Sự chối từ của Phim Giải Phóng chỉ làm chậm lại chứ không thể cản bước thâu tóm “đất vàng” 15 Thi Sách của Vũ “nhôm”. Dưới danh nghĩa công ty “bình phong” của Bộ Công an, Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” đã đề xuất lãnh đạo của bộ này ký nhiều văn bản gửi UBND Tp. HCM đề nghị tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định tại nhiều khu “đất vàng” trên địa bàn thành phố, trong đó có số 15 Thi Sách. Cụ thể, ngày 23/6/2014, Thứ trưởng Bộ công an Trần Việt Tân đã gửi công văn đề nghị Bộ VHTTDL - cơ quan chủ quản của Phim Giải Phóng - cho công ty Bắc Nam 79 được nhận quyền thuê đất tại số 15 Thi Sách. Tới ngày 9/10/2014, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã có công văn đồng ý cho Phim Giải Phóng bàn giao quyền thuê đất tại số 15 Thi Sách cho công ty Bắc Nam 79 để triển khai dự án theo hướng phục vụ an ninh như kiến nghị của Bộ Công an. Chỉ 4 ngày sau, ngày 13/10/2014, Phim Giải Phóng đã nhượng quyền thuê nhà số 15 Thi Sách cho công ty Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” và nhận về khoản tiền hỗ trợ 29,19 tỷ đồng. Đáng chú ý, khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê này, Phạm Văn Anh Vũ - trên tư cách người đại diện của Bắc Nam 79 - đã dùng cái tên Lê Văn Sáu, một trong ba tên mà Vũ tùy dùng (Phan Văn Anh Vũ, Trần Đại Vũ và Lê Văn Sáu). Đến ngày 15/10/2014, Bắc Nam 79 đã chuyển khoản toàn bộ số tiền trên cho công ty Phim Giải Phóng. Sau đó, Bắc Nam 79 tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thủ tục pháp lý để được chấp nhận là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, officetel tại 15 Thi Sách. Theo Vietnamnet |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp