Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao ông Nguyễn Đức Tài khai tử ‘đứa con rơi’ Điện Thoại Siêu Rẻ?

Doanh nghiệp

07/07/2020 16:22

Chưa tròn tuổi, chuỗi bán lẻ Điện Thoại Siêu Rẻ của Thế Giới Di Động nhanh chóng bị khai tử do doanh thu thấp, khó cạnh tranh, mô hình nhiều khuyết điểm.

Điện Thoại Siêu Rẻ là chuỗi bán lẻ điện thoại thứ hai của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Đây là chuỗi có tuổi đời non trẻ nhất trong toàn hệ thống của đơn vị bán lẻ này.

Tham vọng chiếm 20% thị phần bán lẻ điện thoại

Tháng 8/2019, chuỗi Điện thoại Siêu rẻ được “đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài ra mắt tại Quận Gò Vấp, TP.HCM. Chuỗi này hoạt động theo quy mô cửa hàng có diện tích nhỏ, chỉ có hai nhân viên tư vấn, không phục vụ wifi và không có bảo vệ giữ xe.

Lúc bấy giờ, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tự tin phát biểu, mục tiêu chính của chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ là hướng đến 20% thị phần còn lại trên thị trường bán lẻ điện thoại do các cửa hàng nhỏ, hộ gia đình đang nắm giữ.

Việc ra mắt chuỗi mới nhằm giúp cho MWG chinh phục các khách hàng vốn thích giá rẻ tại các cửa hàng nhỏ. Chuỗi này chỉ tập trung bán các mẫu smartphone chính hãng và điện thoại phổ thông với giá dưới 8 triệu đồng, phục vụ khách hàng ở phân khúc giá rẻ như người lao động phổ thông, học sinh - sinh viên,…

Phía MWG khẳng định với báo chí, giá cả tại cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ luôn được đưa về ở mức thấp nhất nhì thị trường. So với chuỗi bán lẻ điện thoại nguyên thuỷ của MWG, chuỗi mới có giá bán điện thoại rẻ hơn khoảng 10%.

Giá một số sản phẩm tại Điện Thoại Siêu Rẻ so với các đơn vị bán hàng khác. Đồ hoạ: Tất Đạt
Giá một số sản phẩm tại Điện Thoại Siêu Rẻ so với các đơn vị bán hàng khác. Đồ hoạ: Tất Đạt

Trong hai tháng đầu ra mắt, phía MWG tiết lộ với báo chí rằng, dù trong giai đoạn thử nghiệm nhưng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ đã ghi nhận 12-15 triệu đồng/ngày. Phía nhà bán lẻ này còn tuyên bố, doanh thu chuỗi mới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi việc vận hành hoàn thiện hơn nữa.

Thế nhưng, kể từ tháng 11/2019, chuỗi Điện thoại Siêu rẻ gần như mất dạng trong báo cáo tình hình kinh doanh hàng tháng của MWG. Đến cuối năm 2019, chuỗi này có được 17 cửa hàng tại TP.HCM dù theo kế hoạch ban đầu, Điện Thoại Siêu Rẻ phải mở đến 30 cửa hàng.

Đến chuỗi tháng 6 vừa qua, trang web của chuỗi này đột nhiên chuyển về Thế Giới Di Động, các cửa hàng cũng lần lượt chốt cửa cài then. Xác nhận với báo chí, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, MWG đã đóng hệ thống cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ từ cuối tháng 6, kết thúc vòng đời của chuỗi này chỉ sau chưa tròn một năm.

Doanh thu chỉ 300 triệu đồng/tháng

Về việc đóng cửa chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, ông Hiểu Em thừa nhận, nguyên nhân chính là do kết quả kinh doanh của chuỗi này chưa đạt được kỳ vọng. “Giá bán rẻ thật và chi phí cũng tiết giảm nhưng mới chỉ ở mức hòa vốn, lợi nhuận rất thấp trên mỗi cửa hàng”, ông nói.

Phía MWG kết luận, nếu vẫn tiếp tục đầu tư thêm cũng khó tăng tốc doanh số cho Điện Thoại Siêu Rẻ vì “một cửa hàng nhỏ gọn, doanh thu chỉ đến mức đó dù đầu tư thêm”.

Thực tế, doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng đạt 250-300 triệu đồng/tháng. Dù trước đó, MWG công bố doanh thu hai tháng đầu tiên lên đến 450 triệu đồng/tháng. Con số thực tế là quá nhỏ cộng với lợi nhuận rất thấp vì giá bán sản phẩm rẻ.

“Có được một mô hình cửa hàng nhỏ gọn chỉ tầm 20-25m2 thu về 300 triệu mỗi tháng không phải là chuyện đơn giản. Nó có hiệu quả nhưng thật sự chưa được đúng như kỳ vọng”, ông Hiểu Em nói thêm.

Tuy nhiên, MWG cho rằng,  Điện Thoại Siêu Rẻ hay việc kinh doanh đồng hồ, mắt kính, mô hình Điện Máy Xanh 4.0, trung tâm laptop… đều là “những thử nghiệm của Thế Giới Di Động”. Sau một thời gian, mô hình nào hoạt động tốt sẽ được nhân rộng, ngược lại, sẽ phải ra đi.

Trước đó, khi mới ra mắt, chính ông Đoàn Hiểu Em cũng thừa nhận, MWG sẽ đo lường hiệu quả của chuỗi này trước khi quyết định có mở rộng với quy mô lớn hơn hay không.

Ngoài ra, “đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài cũng phải thừa nhận chuỗi  Điện Thoại Siêu Rẻ vẫn khó lòng cạnh tranh với các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài. Chuỗi này có thể cạnh tranh về giá nhưng vẫn thua thiệt với các cửa hàng mà “vợ bán, chồng sửa điện thoại, bán đủ loại sản phẩm như hàng cũ, hàng đã qua sửa chữa”. MWG cũng tuyên bố, họ không “mặn mà” với sân chơi này.

“Đứa con rơi” chỉ bán điện thoại

Lời chào của chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ không chỉ đến từ tình hình tài chính kém hiệu quả, bản thân mô hình chuỗi này còn mang nhiều điểm bất lợi khác.

Điện Thoại Siêu Rẻ đi ngược hoàn toàn cung cách bán hàng của chuỗi điện thoại nguyên thuỷ Thế Giới Di Động. Tại đây, cửa hàng chỉ bán sản phẩm, cùng lắm là hỗ trợ thêm cho khách hàng cài đặt một số ứng dụng điện thoại. Khách hàng ghé tiệm sẽ không nhận được sự tư vấn tỉ mẫn từ nhân viên hay được “xem tận mắt, sờ tận tay” điện thoại mình muốn mua.

Sau khi gật đầu để nhân viên khui hộp, khách hàng sẽ phải tự kiểm tra lỗi của máy. Về sau, trong quá trình sử dụng, có bất kỳ lỗi nào, khách hàng cũng phải tự đến trung tâm bảo hành của hãng để được hỗ trợ. Chuỗi này không tiếp nhận việc sửa chữa hay bảo hành sản phẩm.

Tóm lại, ở Điện Thoại Siêu Rẻ, MWG chỉ bán điện thoại. Thế là hết!

Khách hàng đổi sự tiện lợi để có được mức giá
Khách hàng đổi sự tiện lợi để có được mức giá "siêu rẻ". Ảnh: Nguyên Phương

Đáng nói, giá cả tại chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ chưa chắc có thể cạnh tranh hoàn toàn với các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ bên ngoài. Chưa kể, các cửa hàng này vẫn nhận bảo hành trung gian với các hàng điện thoại hoặc nhận sửa chữa cho khách hàng. Hiện nay, nhiều cửa hàng nhỏ cũng có cách bán hàng hiện đại hơn, nhân viên chăm sóc tốt hơn, hệ thống wifi, điều hoà, bảo vệ trông xe… đầy đủ.

Ngoài ra, nếu Điện Thoại Siêu Rẻ là một thành viên trong gia đình MWG, chắc hẳn chuỗi này sẽ là “đứa con rơi” đầy tủi thân. Không tính giai đoạn ra mắt, chuỗi bán lẻ với tham vọng không nhỏ của ông Nguyễn Đức Tài hầu như không được chăm chút.

Để tiết kiệm chi phí, ngoài cơ sở hạ tầng tại cửa hàng bị cắt bóp, các sản phẩm đa phương tiện để truyền thông của chuỗi này hầu như đều “xài ké” chuỗi Thế Giới Di Động. Nếu trung bình mỗi tuần, ba chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hoá Xanh đều có ít nhất 1-2 clip truyền thông, tiếp thị, thì  tìm mỏi mắt vẫn chưa thấy clip về chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ.

Chưa kể, toàn bộ hệ thống cửa hàng của chuỗi đều quẩn quanh tại Quận Gò Vấp, TP.HCM. Không ít mặt bằng nhìn lọt thỏm giữa các cửa hàng to của chính Thế Giới Di Động hay chuỗi FPTShop, nằm liền kề hay đối diện với các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ,…

Điện Thoại Siêu Rẻ có mặt bằng khiêm tốn, rất ít được đầu tư từ công ty mẹ. Ảnh: Nguyên Phương
Điện Thoại Siêu Rẻ có mặt bằng khiêm tốn, rất ít được đầu tư từ công ty mẹ. Ảnh: Nguyên Phương

Đường nào khác cho MWG bán lẻ điện thoại?

Đây không phải là lần đầu MWG cho khai tử một đơn vị bán lẻ. Trước đây, trang thương mại điện tử Vuivui.com cũng từng là “người tiên phong bất đắc dĩ”. Với tiềm lực của “đế chế” mà ông Nguyễn Đức Tài đang cầm quân, khó thể nói sự ra đi của Điện Thoại Siêu Rẻ sẽ là một tổn thương lớn đối với toàn hệ thống.

Vào thời kỳ đỉnh cao của tình hình kinh doanh, chuỗi này ghi nhận doanh thu tối đa khoảng 4,95 tỷ đồng. Con số này chỉ chiếm vỏn vẹn 0,006% tổng doanh thu của MWG. Hơn nữa, dù không nói huệch toẹt nhưng rõ ràng tinh thần của MWG khi mở chuỗi này chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.

Sau Điện Thoại Siêu Rẻ, MWG vẫn còn rộng đường trong ngành bán lẻ điện thoại.

Ông Đoàn Hiểu Em tiết lộ, hai chuỗi bán lẻ mà ông phụ trách đang thử nghiệm thành công mô hình nhân viên “all in one”, một nhân viên đa năng, phục vụ tất tần tật tại cửa hàng từ tiếp đón khách hàng, hỗ trợ cài đặt máy, cho đến trả góp. Thông qua việc này, chi phí nhân sự được tiết giảm rất nhiều.

Đây là mô hình đã được triển khai ở Điện Thoại Siêu Rẻ và giờ áp dụng ngược lại tại cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Đặc biệt, mô hình nhân sự này đem lại hiệu quả lớn trong giai đoạn cao điểm đại dịch COVID-19.

Thêm nữa, ông Hiểu Em cho biết: “Chúng tôi tự hỏi tại sao phải bán rẻ như vậy và đưa ra mô hình Thế Giới Di Động mini”. Theo đó, các cửa hàng này nhỏ gọn như Điện Thoại Siêu Rẻ nhưng giá bán, chính sách hậu mãi giống Thế Giới Di Động và đi sâu vào thị trường tỉnh.

Tương tự, MWG cũng tiến tới nâng cấp Thế Giới Di Động mini thành Điện Máy Xanh super mini. “Khi lợi nhuận đủ lớn, chúng tôi có thể bắt tay vào việc mở rộng”, vị này cho biết.

Chuỗi Thế Giới Di Động vẫn là
Chuỗi Thế Giới Di Động vẫn là "anh cả" trong ngành bán lẻ điện thoại. Ảnh: MWG

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2020, MWG còn hướng tới ra mắt một siêu ứng dụng. Trước hết, trong quý III/2020, siêu ứng dụng này sẽ chào sân với tính năng tập trung chủ yếu vào chương trình khách hàng thân thiết.

Rất có thể với sự ra mắt của siêu ứng dụng, MWG sẽ “mobile hoá” Điện Thoại Siêu Rẻ lên siêu ứng dụng của mình. Rõ ràng, việc bán hàng qua ứng dụng còn tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với mở cửa hàng nhỏ. Cùng với việc hoàn thành quy trình bán hàng tinh gọn cho Điện Thoại Siêu Rẻ, việc bán hàng trực tuyến trên ứng dụng di động là điều rất khả quan với MWG.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement