22/03/2021 16:54
Vì sao người dân đổ xô đi làm Căn cước công dân gắn chip?
Nếu đến bất cứ một Phòng cảnh sát quản lý hành chính công an cấp huyện nào ở thời điểm này, cũng dễ dàng thấy rất nhiều người dân đang chen chân đi làm Căn cước công dân gắn chip. Vì sao?
1. Vì hiểu nhầm “ai cũng phải đi đổi”
Thời gian vừa qua có nhiều người hiểu nhầm rằng: Ai cũng phải đi đổi sang Căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7/2021, nếu không đi đổi thì sẽ bị phạt, và sau ngày 1/7/2021 sẽ không còn được cấp nữa.
Đây là những thông tin hoàn toàn sai lệch. Không có một văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền quy định như trên. Thực tế hiện nay, chỉ những người sau mới cần phải đi làm căn cước công dân gắn chip:
- Người đủ 14 tuổi (cấp cước công dân lần đầu);
- Người có Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân mã vạch bị hư hỏng, bị mất hoặc bị hết hạn sử dụng;
- Những người có nhu cầu.
Do tin rằng ai cũng phải đi đổi sang Căn cước công dân gắn chip nên dẫn tới tình trạng quá tải ở nhiều cơ quan công an cấp huyện như thời gian vừa qua. Một lần nữa có thể khẳng định rằng: “không bắt buộc tất cả người dân đều phải đi đổi sang Căn cước công dân gắn chip”.
Một trong rất nhiều thắc mắc được gửi đến LuatVietnam.vn
2. Vì làm trước 1/7/2021 sẽ “rẻ hơn”
Cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ứng phó dịch COVID-19, trong đó có lệ phí cấp Căn cước công dân.
Theo đó, nếu như đi làm thủ tục đổi sang Căn cước công dân gắn chip trước ngày 01/7/2021 người dân sẽ được giảm một nửa lệ phí. Cụ thể:
- Nếu chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: Lệ phí chỉ còn 15.000 đồng;
- Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không dùng được; Thay đổi họ, tên, chữ đệm; Đặc điểm nhận dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ; Khi công dân yêu cầu: Lệ phí chỉ còn 25.000 đồng;
- Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất; khi trở lại quốc tịch Việt Nam: Lệ phí chỉ còn 35.000 đồng.
Từ ngày 1/7/2021 trở đi, mức lệ phí trên sẽ tăng gấp đôi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người gấp rút đi làm Căn cước công dân gắn chip ở thời điểm này.
3. Vì mục tiêu cấp 50 triệu thẻ căn cước trước 1/7/2021
Bộ Công an đề ra mục tiêu sẽ cấp 50 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7/2021, trên tổng số hơn 97 triệu dân. Để hoàn thành mục tiêu này, cơ quan công an ở các địa phương đang triển khai mạnh mẽ hoạt động cấp loại thẻ căn cước mới này.
Điển hình như ở Hà Nội, UBND Thành phố đã ban hành Công văn 5764/UBND-NC triển khai cấp Căn cước công dân gắn chip lưu động. Thay vì được cấp ở công an cấp huyện, người dân có thể đến các công an xã/phường để làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chip; thậm chí công an còn “tăng ca” đến 10 giờ tối để phục vụ nhu cầu cấp thẻ của người dân.
4. Vì Căn cước công dân gắn chip có những ưu điểm nổi trội
So với Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân loại có mã vạch, Căn cước công dân gắn chip có những ưu điểm nổi trội, như: Tích hợp nhiều thông tin của công dân (bảo hiểm, giấy phép lái xe…). Do đó, khi đi làm thủ tục, giao dịch, người dân không cần mang theo quá nhiều loại giấy tờ…
Những ưu điểm của thẻ Căn cước công dân gắn chip cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người đi làm sớm loại thẻ này.
Nếu còn băn khoăn liên quan đến Căn cước công dân gắn chip, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192.
>> Giải đáp 5 thắc mắc thường gặp về Căn cước công dân gắn chip
>> Cần mang giấy tờ gì khi làm Căn cước công dân gắn chip?
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp