31/07/2020 07:52
Vì sao HOSE bắt buộc Thủy sản Hùng Vương 'rời sàn' từ 5/8?
Ngày 29/7, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Hùng Vương (HVG), quyết định có hiệu lực vào 5/8.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM, quyết định hủy niêm yết 227 triệu cổ phiếu HVG vì Hùng Vương đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo Forbes Vietnam, trước đó Sở đã gửi nhắc nhở ba lần tới HVG trong việc tuân thủ thời hạn công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Đến đầu tháng 6/2020, HVG mới công bố báo cáo tài chính và có văn bản giải trình.
Theo HVG, lý do chậm nộp là việc phải tập hợp báo cáo từ hơn 20 công ty con và công ty liên kết cùng với đó nhân sự kế toán của công ty thiếu hụt làm do nghỉ việc trong thời điểm cách ly làm gián đoạn công tác lập báo cáo. Ngoài ra tình hình xác nhận công nợ ở nước ngoài cũng chậm trễ khiến công ty không đủ cơ sở để phát hành báo cáo tài chính kiểm toán.
Thủy sản Hùng Vương vẫn chưa công khai số liệu tài chính quý I sau 2 lần bị HoSE nhắc nhở. Ảnh: Nguoiduatin. |
Báo cáo quản trị công ty cho thấy nửa đầu năm 2020, hội đồng quản trị HVG chỉ họp tổng cộng ba lần và ban kiểm soát không thực hiện cuộc họp nào. Có hai nghị quyết được ban hành liên quan đến giao dịch chuyển nhượng vốn tại công ty TNHH Châu Á cho Việt Thắng và thành lập công ty sản xuất heo giống và thức ăn chăn nuôi Việt Đan, trong đó nắm giữ là 25%, còn lại 75% là do Thadi, công ty nông nghiệp của Thaco nắm giữ.
Như vậy cổ phiếu HVG đã buộc phải rời sàn sau 11 năm niêm yết. Thời điểm chào sàn tháng 11.2009 với giá tham chiếu 50.000 đồng, cổ phiếu HVG trở thành tâm điểm trong lĩnh vực thủy sản nhờ vị thế đầu ngành.
Ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVG từng lọt top người giàu trên thị trường chứng khoán nhờ khối tài sản nắm giữ thông qua giá trị cổ phiếu gia tăng. Cổ phiếu đã có giai đoạn tăng mạnh trước khi lao dốc cùng kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống. Cho đến phiên giao dịch cuối cùng, giá cổ phiếu HVG còn quanh mức 5.000 đồng.
Trong cơ cấu cổ đông HVG hiện nay, ngoài ông Dương Ngọc Minh, người gắn liền tên tuổi với công ty, hiện đang nắm giữ hơn 38,27% vốn điều lệ của HVG, tập đoàn Thaco sở hữu 26,26% và ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco nắm giữ 4,96% với tư cách cá nhân.
Báo cáo tài chính quý I.2020 (giai đoạn 01.10.2019-31.12.2019) công bố của HVG cho thấy mặc dù doanh thu đạt gần 730 tỉ đồng nhưng lợi nhuận gộp âm. Sau các chi phí, công ty lỗ ròng 250 tỉ đồng, là quý thứ ba liên tiếp báo lỗ trên trăm tỉ.
Năm ngoái, công ty báo lỗ kỷ lục hơn 1.123 tỉ đồng, lũy kế đến thời điểm 31.12.2019 lỗ hơn 1.723 tỉ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2019, nợ phải trả của HVG là 5.186 tỉ đồng, trong đó 5.185 tỉ đồng là nợ ngắn hạn, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ 562 tỉ đồng.
Bi kịch tại HVG xảy ra khi năm 2015 ông Minh quyết định mở rộng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo. Tính đến hiện tại HVG đã bỏ hơn 1.500 tỉ đồng đầu tư cho lĩnh vực này, trong đó tiền vay nội bộ 800 tỉ đồng và vay ngoài khoảng 700 tỉ đồng nên gây áp lực lên mảng kinh doanh cốt lõi là cá tra.
Tại kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2020 hồi tháng 2, ông Trần Bá Dương, chủ tịch Thaco nói rằng dù rủi ro nhưng không có con đường nào khác để thay đổi tình hình của HVG.
Theo đó kế hoạch đề ra cho năm nay của HVG là nhận diện khó khăn và tổ chức lại sản xuất để có thể tạo ra lợi nhuận bù đắp cho khoản lỗ lũy kế. Thadi sẽ đầu tư sâu vào mảng heo trong khi đó ông Minh sẽ tập trung vào mảng thủy sản cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp