07/10/2020 22:04
Vì sao gọi xe cần ví?
Chạy đua tích hợp dịch vụ, các ứng dụng gọi xe ở Việt Nam đang tìm cách tiến sâu vào dịch vụ tài chính.
Tin từ DealStreetAsia cho hay, Gojek đã mua lại phần lớn cổ phần tại WePay. Thông tin này cũng được phía WePay, đơn vị trung gian thanh toán thuộc VCCorp, xác thực bằng thông báo thay đổi chủ sở hữu và người lãnh đạo ở WePay.
Âm thầm thâu tóm
Trước đó, trong buổi họp báo công bố ứng dụng Gojek thay thế tên GoViet, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, từng tiết lộ, Gojek sẽ tập trung vào 3 mảng dịch vụ gồm di chuyển, giao vận và thanh toán. Trong đó, thanh toán trực tuyến (ví điện tử) sẽ là trọng tâm phát triển của Gojek.
Với việc mua lại WePay, Gojek đã hoàn thiện hệ sinh thái của mình, bên cạnh GoRide (dịch vụ gọi xe), GoFood (giao đồ ăn) và GoSend (dịch vụ giao hàng).
Vì sao gọi xe cần ví? Ảnh minh họa: Báo đầu tư |
So với các ví điện tử khác như MoMo, Payoo, AirPay, Moca, ZaloPay, ViettelPay..., lượng người dùng ở WePay còn quá khiêm tốn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 34 ví điện tử thì các ví điện tử vừa liệt kê trên đã nắm hơn 90% thị phần.
Cuộc chơi trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến càng thêm phần cam go khi đến giờ phút này, vẫn chưa có ví điện tử nào, ngay cả MoMo, AirPay (có hệ sinh thái Shopee) nắm được thị phần áp đảo.
Dù vậy, không riêng Gojek mà các ứng dụng gọi xe lẫn nhà đầu tư vẫn hăm hở tiến sâu vào mảng dịch vụ tài chính. Bởi đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa và tiềm năng. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong gần 100 triệu dân, chỉ mới khoảng 14% dân số sử dụng ví điện tử. Theo báo cáo của Standard Chartered, ở thời điểm trước dịch COVID-19, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong khu vực Đông Nam Á đã vào khoảng 47-65%.
Báo cáo của Adsota cũng cho biết Đông Nam Á có tới 2 quốc gia (Việt Nam, Indonesia) đứng trong top 15 thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Chính vì thế, Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam đang đạt những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành fintech nói chung và thanh toán số nói riêng.
Các ứng dụng gọi xe, gọi món như Grab, Be, Baemin, Now... đều đã đi trước Gojek trong liên kết, hợp tác triển khai ví điện tử.
Chẳng hạn, từ cuối năm 2018, Grab đã tích hợp ví điện tử Moca vào trong ứng dụng và đã đạt độ phủ khá rộng. Hay Be cũng đã kết hợp với SmartPay, MoMo để triển khai phương thức thanh toán qua ví điện tử.
Riêng FastGo nhận hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử Vimo. Còn Baemin, Now cũng đưa ra những giải pháp cho thanh toán không tiền mặt.
Dù chậm chân hơn nhưng Gojek vẫn tự tin đua nước rút, bởi Gojek có sự đầu tư, hậu thuẫn từ các ông trùm công nghệ thế giới như Facebook, Tencent, Google, và mới đây là PayPal, một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về thanh toán trực tuyến.
Theo thỏa thuận, các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek và khách hàng của GoPay (ví điện tử của Gojek) được quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới.
Trọng tâm ví điện tử
Hiện tại, sau khi đã tổ chức xong đội ngũ tài xế, đạt tới lượng người dùng đủ lớn, mở rộng hệ sinh thái, các ứng dụng gọi xe, gọi món sẽ tiến vào cuộc đua trở thành siêu ứng dụng và đẩy mạnh ví điện tử. Lúc này, thanh toán trực tuyến không phải chỉ là để tạo giá trị, đem lại tiện ích cho người dùng mà đây thực sự là miếng bánh quan trọng cho các công ty.
Đơn cử, theo thông tin công bố, năm 2018, trong 9 tỷ USD giá trị giao dịch của Gojek, mảng GoPay mang về tới 6,3 tỷ USD. GoPay trở thành ứng dụng thanh toán phổ biến nhất ở Indonesia, bất chấp những cạnh tranh lớn từ các đối thủ như Ovo, Dana.
Thực tế, mô hình ví điện tử GoPay của Gojek không chỉ giới hạn ở mảng thanh toán giao dịch. Năm 2019, GoPay đã hợp tác với quỹ tương hỗ Bibit, cho phép người dùng thực hiện đầu tư thông qua GoPay.
Gần đây hơn, Gojek còn hợp tác với Pluang để triển khai dịch vụ đầu tư vàng GoInvestasi.
Bên cạnh đó, Gojek cũng đầu tư vào công ty công nghệ bảo hiểm PasarPolis, giúp người dùng GoPay dễ dàng mua bảo hiểm du lịch, sức khỏe, xe cộ và tài sản. Hồi tháng 4/2020, Gojek thâu tóm nhà cung cấp dịch vụ điểm bán Moka để mở rộng mảng lưới cung cấp dịch vụ B2B.
Grabmart. Ảnh: Quý Hòa. |
Moka đang được hơn 35.000 nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và tiệm cà phê ở hơn 100 thành phố tại Indonesia sử dụng. Chiến lược đa dạng hóa dịch vụ của Gojek bắt đầu sinh quả ngọt, giúp kỳ lân này thu hút nhiều dòng vốn đầu tư và có thể tránh được con đường thua lỗ nặng như các ông lớn Uber, Lyft từng đi.
Năm 2019, Gojek đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trên 2 mảng kinh doanh ví điện tử và giao đồ ăn. Trong khi đó, dịch vụ gọi xe, chỉ chiếm 25% tổng giá trị giao dịch của Gojek và cũng chỉ được kỳ vọng ở mức hòa vốn.
Không riêng Gojek, Grab cũng đã bổ sung nhiều dịch vụ. Hiện tại, Grab chuyển dần đối tác trong ngành kinh doanh ăn uống (F&B) từ GrabFood sang GrabMerchant, tích hợp cả ngành thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu (GrabMart) và thương nhân dùng GrabPay vào ứng dụng.
Cùng đó, Grab đã đưa thanh toán trực tuyến lên một mức độ mới: mở sàn thương mại điện tử và xin phép lập ngân hàng số.
Trong thông cáo báo chí gần đây, Grab cho biết Grab Financial Group (GFG) đã mở rộng danh mục sản phẩm với nhóm dịch vụ mua trước, trả sau; vay tiêu dùng từ bên thứ 3 và đầu tư tài chính vi mô.
Đáng chú ý là giải pháp AutoInvest, cho phép người dùng đầu tư một khoản tiền (0,73 USD, tương đương 17.000 đồng) vào hệ sinh thái của Grab. Trước mắt, AutoInvest chỉ mới chính thức hoạt động ở Singapore từ tháng 9/2020 với khoản phí dưới 0,45% mỗi năm. Trong tương lai, công ty hoàn toàn có thể triển khai AutoInvest ra các nước khác.
Theo nhận định chung, để thu hút khách hàng và tạo những thay đổi về thói quen mới, Grab, Gojeck và các ứng dụng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch marketing, khuyến mãi quảng bá rầm rộ và tốn kém. Theo tiết lộ của một lãnh đạo trong ngành, trung bình mỗi cuốc xe, tùy theo hãng mà mất 1-2,5 USD cho khuyến mãi, tặng thưởng.
Với hàng trăm triệu cuốc xe mỗi năm, theo nghiên cứu của ABI, Grab hiện dẫn đầu cuộc đua “đốt tiền” hàng ngàn tỷ tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến những yêu cầu về vị thế, uy tín công ty. Có lẽ vì thế, những người chơi có thể dấn thân quyết liệt vào ví điện tử hiện chỉ có 2 ông lớn Gojek và Grab
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp