08/02/2022 14:19
Vì sao Gazprom là 'con át chủ bài' để Nga đối phó với EU?
Vào tháng Giêng, Giám đốc điều hành Gazprom, Alexey Miller, cho biết năm 2021 là một năm kỷ lục đối với gã khổng lồ năng lượng Nga, cả về sản lượng và lợi nhuận. Nguyên nhân do nhu cầu tăng cao và chi phí khí đốt, dầu bùng nổ và công ty đang tăng giá trị.
Nhà nước Nga kiểm soát phần lớn cổ phần và quyết định hướng đi của công ty. Nhưng nhiều công ty khác của Đức, chẳng hạn như công ty tiện ích điện E.ON, cũng sở hữu cổ phần trong Gazprom, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Gazprom có gần 500.000 nhân viên và tuyên bố nắm giữ trữ lượng khí đốt lớn nhất nước Nga.
Miller là bạn cũ của Tổng thống Nga Putin, người hầu như luôn giữ vị trí trong ban giám sát và ban giám đốc của Gazprom.
Vì sao Gazprom là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU?
Gazprom thống lĩnh thị trường năng lượng châu Âu là kết quả của sự độc quyền. Luật pháp của Nga quy định rằng, chỉ Gazprom mới được phép vận hành các đường ống để xuất khẩu. Vị vậy nó đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho Liên minh Châu Âu (EU) trong nhiều thập kỷ qua.
Theo văn phòng thống kê Eurostat của EU, khoảng 43% lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ ở EU đến từ Nga, trong khi phần còn lại đến từ Na Uy, Trung Đông, Mỹ và Bắc Phi.
Nhưng trong EU, thị phần khí đốt của Nga rất khác nhau ở các quốc gia thành viên khác nhau. Quy tắc chung là một quốc gia càng nằm về phía đông thì càng có nhiều khả năng phụ thuộc vào Nga, và Đức, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất của EU, cần khoảng 55% khí đốt từ các công ty năng lượng khổng lồ của Nga.
"Gazprom sử dụng sức mạnh thị trường của mình bằng cách tác động đến giá cả thông qua lượng khí đốt mà nó cung cấp cho châu Âu", chuyên gia năng lượng Georg Zachmann thuộc Tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels cho biết.
Cạnh tranh giữa các cơ quan quản lý của EU và Gazprom
Trong 10 năm qua, EU đã cố gắng thiết lập một thị trường khí đốt tương đối thống nhất trong khối bằng cách đưa ra các quy định mà theo đó Gazprom sẽ cung cấp khí đốt đến cho các nước nằm ở biên giới EU và sau đó các quốc gia trong khối sẽ giao dịch lại với nhau.
Đức có thể mua khí đốt ở Nga và sau đó bán cho Ba Lan hoặc Ukraine.
Nhưng lợi ích của Gazprom là ký hợp đồng trực tiếp với những người nhận khí đốt và điều này nhằm để giữ mức độ phụ thuộc cao.
Zachmann giải thích: “Có một loại cạnh tranh giữa các cơ quan quản lý châu Âu đang cố gắng tạo ra một thị trường với giá cả thống nhất và Gazprom đang cố gắng áp đặt các mức giá khác nhau ở các quốc gia khác nhau”.
Trong khi Gazprom khẳng định rằng họ đã tôn trọng tất cả các cam kết cung cấp dài hạn, Zachmann nói rằng công ty thực sự đang cung cấp ít khí đốt hơn cho thị trường với các hợp đồng ngắn hạn.
Zachmann nói rằng thị trường ngắn hạn ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây vì đã có nỗ lực để trở nên ít phụ thuộc hơn vào Gazprom về lâu dài.
"Gazprom đang thực hiện các hợp đồng của mình, điều đó đúng, nhưng chỉ ở mức thấp nhất trong các cam kết của mình", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết. Bên cạnh đó bà cũng nói thêm rằng, các nhà cung cấp khác đã tăng giao hàng do nhu cầu tăng nhanh và giá cả lên cao kỷ lục.
Bà Von der Leyen nói: “Gazprom đang hành xử theo một cách kỳ lạ, khi cho rằng lượng khí đốt không được cung cấp nhiều hơn mặc dù nhu cầu cao”. Bà cũng nói với tờ nhật báo Handelsblatt của Đức rằng, việc công ty trực thuộc nhà nước Nga đã làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của nó.
Gazprom có cổ phần trong các nhà cung cấp năng lượng địa phương và khu vực ở hầu hết các quốc gia EU. Ví dụ ở Đức, công ty con Astora sở hữu cơ sở dự trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất ở Tây Âu. Tọa lạc tại Rehden ở Lower Saxony, nó hoạt động như một vùng đệm khi có những biến động về cung và cầu.
Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất nếu Nga dừng cung cấp?
Nếu Gazprom nhận được chỉ thị từ Điện Kremlin để ngừng cung cấp khí đốt cho EU thì có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt đáng kể.
Bà Von der Leyen nói rằng bà không tin rằng mọi chuyện sẽ tồi tệ đến như vậy. Vì nền kinh tế Nga quá phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, nên sẽ không hợp lý nếu gây nguy hiểm cho mối quan hệ với khách hàng và cũng là nhà đầu tư lớn nhất của mình.
Bà lưu ý rằng, EU và Mỹ đang nỗ lực để tăng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Qatar hoặc Mỹ. Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào thứ Hai tuần này tại Washington DC.
Chuyên gia năng lượng Claudia Kemfert từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) dự đoán rằng đường ống Nord Stream 2 sẽ khiến Đức càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp trực tiếp từ Nga.
"Châu Âu có một chiến lược đa dạng hóa việc mua khí đốt, trong khi Đức lại chọn con đường ngược lại và gia tăng sự phụ thuộc hơn nữa vào Nga”, bà Claudia Kemfert cho biết thêm.
Theo ý kiến của bà Claudia Kemfert, việc bán các cơ sở lưu trữ gas không nên được chấp thuận, hoặc ít nhất nên được quy định rõ ràng. Bà nói rằng dự trữ chiến lược là cần thiết cho khí đốt, cũng như dầu mỏ.
EU hiện đang xem xét việc xây dựng các nguồn dự trữ như vậy và đóng vai trò là một bên mua chung khí đốt, hơn trước đây, một chiến lược mà Gazprom đang cố gắng vô hiệu hóa bằng cách thu hút các nước thành viên riêng lẻ. Ví dụ, Hungary vừa ký hợp đồng độc quyền với Gazprom và sẽ nhận được những đãi ngộ có lợi về giá cả.
Zachmann không lạc quan rằng EU có thể làm nhiều điều để chống lại quyền lực của Gazprom: "Bạn có thể đàm phán bao nhiêu tùy thích với một người có tất cả đòn bẩy trong tay của họ. Nếu đường ống có thể bị Moscow khóa lại và chúng ta sẽ phải rơi vào một vị thế đàm phán tồi tệ hơn".
Đối với Miller, thương mại với châu Âu chỉ là một phần trong thành công của Gazprom. Công ty cho biết họ muốn trở thành công ty năng lượng hàng đầu thế giới. Rốt cuộc, nó không chỉ kinh doanh khí đốt, mà còn cả dầu mỏ và sản xuất điện.
Trong khi đó, Tổng thống Putin vừa công bố một thỏa thuận khí đốt lớn với Trung Quốc khi bắt đầu Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Mỹ cũng là khách hàng của Gazprom và vào năm 2020, 8% lượng dầu nhập khẩu của nước này đến từ Nga, nhiều hơn là từ đồng minh Saudi Arabia.