Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao Facebook quyết ép người dùng chuyển qua giao diện mới?

Doanh nghiệp

13/10/2020 13:36

Rất nhiều người sử dụng Facebook than phiền vì tần suất xuất hiện quảng cáo trên trang nhà ngày càng dày đặc, khiến họ có cảm giác như bị "bỏ bom".

Trong hai tháng gần đây, Facebook lại đổi qua giao diện mới khá rối rắm làm người dùng càng khó chịu hơn. Câu trả lời cho việc ép người dùng phải thay đổi giao diện vẫn gói gọn trong hai từ: quảng cáo.  

Hiện tại, Facebook còn cho người dùng chuyển lại giao diện cũ trong 48 giờ đồng hồ, nhưng sau thời gian chuyển tiếp thì họ sẽ không còn được chọn lựa, mà bị buộc phải dùng giao diện Facebook đã "chọn giùm". Vì đây là giao diện mà Facebook tối ưu cho việc kinh doanh quảng cáo của họ nên đương nhiên, trải nghiệm người dùng sẽ bị xếp xuống hạng... ưu tiên thứ hai. 

Với 2,7 tỷ người sử dụng hàng tháng, Facebook đã thu được lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ để sử dụng vào mục đích quảng cáo. Ảnh: OBERLO
Với 2,7 tỷ người sử dụng hàng tháng, Facebook đã thu được lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ để sử dụng vào mục đích quảng cáo. Ảnh: OBERLO

Người dùng tuy bực bội, phản ứng nhưng rồi vẫn phải xài, vì hiện chưa có mạng xã hội nào tốt hơn Facebook. Cũng không thể trách Facebook vì quảng cáo chính là cái “cần câu cơm” chủ lực của họ. Và việc đổi giao diện chủ yếu là để phục vụ cho việc đăng quảng cáo thuận tiện hơn. Bởi, không có quảng cáo thì Facebook đã sập tiệm từ lâu. 

Facebook ra đời vào năm 2004, đến nay mạng xã hội này đã chiếm ngôi vương của các nền tảng trực tuyến (online platform) trên toàn thế giới. Theo số liệu của Zephoria Digital Marketing, tính đến tháng 6/2020, Facebook đã có 2,7 tỷ người dùng thường xuyên. Facebook thu hút được người dùng toàn thế giới nhờ giao diện hỗ trợ cho hơn 100 thứ tiếng, nên vượt qua được rào cản về ngôn ngữ, người dùng không thông thạo tiếng Anh vẫn có thể thoải mái dùng tiếng mẹ đẻ của mình.

Trong lần điều trần của Zuckerberg trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 4/2018, Thượng nghị sĩ Orrin Hatch đã chất vấn: Làm thế nào ông có thể duy trì mô hình hoạt động của Facebook trong khi không thu phí người dùng? Zuckerberg trả lời:  Thưa Thượng nghị sĩ, chúng tôi bán quảng cáo.

Về thực chất, Facebook chính là một doanh nghiệp quảng cáo khổng lồ đứng đầu thế giới. Theo trang công nghệ Fossbytes, quảng cáo chiếm 98% tổng doanh thu của Facebook với doanh thu năm 2019 là 69,65 tỷ USD, tăng 14,6 tỷ USD so với năm 2018, và sẽ tăng lên 84,5 tỷ vào năm 2020 này.

Vận hành một nền tảng trực tuyến có quy mô đến vài tỷ người dùng và càng tăng khi Facebook thâu tóm Instagram, WhatsApp (khoảng 3,14 tỷ người dùng/tháng), đòi hỏi Facebook phải tốn những khoản chi phí khổng lồ để mở rộng và xây dựng thêm các trung tâm xử lý dữ liệu, hệ thống hạ tầng mạng, mua sắm máy móc thiết bị, tiền điện chạy máy chủ và hệ thống giải nhiệt, trả lương nhân viên... tổng cộng lên đến hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Nhiều người vẫn thắc mắc là xài Facebook là hoàn toàn miễn phí, vậy thì mạng xã hội này đào đâu ra tiền để chi phí cho hoạt động và phát triển? Ngay cả các Thượng nghị sĩ lão làng của Mỹ cũng khá mù mờ về cách CEO Mark Zuckerberg kiếm tiền ra sao để “nuôi” Facebook.

Chiến lược phát triển của Facebook là rất khôn ngoan. Với sức phổ biến rộng khắp, Facebook cho người dùng xài miễn phí với mục đích thu thập lượng dữ liệu khổng lồ của người dùng toàn thế giới. Thời đại ngày nay, trong giới kinh doanh công nghệ ai nắm được càng nhiều dữ liệu lớn (big data) thì người đó sẽ làm giàu.

Từ dữ liệu thu thập được, Facebook sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích về người dùng: họ thích mua sắm loại hàng hóa nào, thường đọc báo gì và xem tivi các kênh nào, xem phim gì…Và, Facebook hái ra tiền từ các kết quả phân tích này. 

Mỗi lần người dùng click chuột vào quảng cáo thì Facebook thu được bình quân 1,72 đô la. Ảnh: WORLDSTREAM
Mỗi lần người dùng click chuột vào quảng cáo thì Facebook thu được bình quân 1,72 đô la. Ảnh: WORLDSTREAM

Sự phổ biến và mô hình tương tác trực tiếp của Facebook đã làm cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức tài chính ngân hàng, báo chí, đài truyền hình khắp thế giới rất muốn đăng quảng cáo trên mạng xã hội này để tăng sức lan tỏa đến đại chúng và phát triển kinh doanh.

Facebook đáp ứng nhu cầu đó bằng cách cung cấp những thông tin về “phân khúc người dùng” (chứ không phải cung cấp thông tin cá nhân người dùng) cho khách hàng để họ dựa vào đó định hướng quảng cáo trên Facebook, Instagram, WhatsApp và giờ là Messenger (đều thuộc sở hữu của Zuckerberg).

Các quảng cáo này đã được tinh chỉnh, tập trung vào đúng đối tượng người dùng với ưu điểm là chi phí thấp nhưng hiệu quả rất cao, tốt hơn nhiều so với quảng cáo trên báo giấy hoặc truyền hình thường bị dàn trải, không đến được đối tượng mong muốn và chi phí thì đắt đỏ.

Doanh nghiệp, tổ chức nào muốn kinh doanh hay quảng cáo về mình thì Facebook cung cấp luôn công cụ Ad Manager để doanh nghiệp tự lập trang riêng rất tiện lợi và dễ dàng. Các đại gia trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin, tiêu dùng…đều có đặt quảng cáo trên Facebook. Điều này cho thấy họ đánh giá cao hiệu quả quảng cáo bằng Facebook như thế nào.

Năm 2019 đã có đến 90 triệu doanh nghiệp trên khắp thế giới sử dụng Facebook và Messenge, để phục vụ việc kinh doanh.

Theo phân tích của trang công nghệ WordStream, bình quân mỗi doanh nghiệp đăng quảng cáo sẽ phải trả cho Facebook số tiền là 1,72 đô la cho mỗi cú click chuột mở xem quảng cáo. Giá đắt nhất là quảng cáo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, mỗi click có giá 3,77 đô la, thấp nhất là lĩnh vực gia dụng với 0,45 đô la/lần click chuột.

Khi người dùng click chuột mở xem mẫu quảng cáo nào đó là Facebook sẽ có tiền. Theo số liệu cuả Zephoria Digital Marketing, riêng trong quý II/2020, bình quân mỗi đầu người dùng Facebook trên toàn thế giới đã mang về cho mạng xã hội này 7,05 đô la/người.

Năm 2019, Facebook đã kiếm được 84 đô la trên mỗi đầu người dùng ở Bắc Mỹ (247 triệu người dùng hàng tháng năm 2019) và 27 đô la mỗi đầu người dùng ở các nước châu Âu (307 triệu người).

Trước đây, khi mở trang Facebook, người ta thường thấy câu “It’s free and always will be” (luôn luôn miễn phí), nhưng thực ra, khi xài Facebook người dùng đã góp phần tạo nên doanh thu cho mạng xã hội này.

Có lẽ ít người đọc kỹ “Điều khoản sử dụng” (Terms of Service), trong đó có phần cam kết của người dùng, là chấp nhận để Facebook sử dụng thông tin cá nhân của họ (nếu không chấp nhận thì không đăng ký tài khoản được).

Đó cũng là cách mà Facebook “thu phí” người dùng thông qua sử dụng lượng dữ liệu thu thập vào mục đích phục vụ quảng cáo. Hoàn toàn đúng như câu ngạn ngữ “There’s no free lunch” (không có bữa ăn trưa nào là miễn phí), đối với người phương Tây thì trên đời này chẳng có thứ gì là "của chùa" cả.

THIỆN KHANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement