17/12/2020 11:12
Vì sao Dragon Capital tiếp tục thoái hàng triệu cổ phiếu FPT Retail?
Nhóm quỹ đầu tư Dragon Capital tiếp tục thoái vốn tại FPT Retail, chỉ còn sở hữu 5,19%.
Nhóm quỹ liên quan tới Dragon Capital liên tục giảm sở hữu tại Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Cụ thể, ngày 14/12, nhóm cổ đông bán ra 269.970 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 8,18% về còn 7,83% vốn điều lệ FPT Retail. Sang ngày 16/12, nhóm này tiếp tục bán ra 1,5 triệu cổ phiếu FRT để giảm sở hữu về 5,19%.
Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra giảm sở hữu tại FPT Retail. Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 12, nhóm quỹ đầu tư có 3 đợt thông báo giảm sở hữu tại FPT Retail về còn 8,62%.
Dragon Capital đã thoái tổng cộng hơn 6,6 triệu cổ phiếu FRT trong vòng một tháng qua. Ảnh: FRT |
Trước đợt này, nhóm Dragon Capital cũng từng thoái một lượng không nhỏ cổ phiếu của FPT Retail vào giữa tháng 11. Lúc đó, nhóm cổ đông này bán ra 350.000 cổ phiếu FRT để giảm sở hữu từ 13,27% về 12,82% vốn điều lệ tại FPT Retail.
Sau khoảng một tuần, 4 quỹ thành viên trong nhóm này tiếp tục bán 518.280 cổ phiếu FRT trong phiên 24/11, giảm số lượng cổ phiếu cả nhóm nắm giữ xuống gần 9,4 đơn vị, tương đương 11,87% vốn điều lệ.
Chưa dừng lại ở đó, trong 2 phiên liên tiếp vào ngày 30/11 và 1/12, 3 quỹ thành viên trong nhóm cổ đông tiếp tục bán ra tổng cộng 1,3 triệu cổ phần FRT, đưa tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại FPT Retail xuống 11,03%.
Như vậy, tổng số cổ phần FRT mà nhóm quỹ đầu tư liên quan tới Dragon Capital đã thoái từ giữa tháng 11 tới nay là hơn 6,6 triệu đơn vị.
Về tình hình kinh doanh, FPT Retail ở quý III/2020 ghi nhận doanh thu giảm 22% so với cùng kỳ nhưng tăng 7,1% so với quý trước, đạt 3.432 tỷ đồng. Lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng, cải thiện hẳn so với khoản lỗ gần 20 tỷ ở quý II/2020. Nhưng so với quý III/2019, lợi nhuận FPT Retail giảm cực mạnh, cùng kỳ doanh nghiệp này báo lãi 72 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh sụt giảm sâu trong quý được Ban Lãnh đạo FPT Retail cho biết do dịch COVID-19 khiến sức mua của thị trường giảm đáng kể đối với các mặt hàng điện tử và mặt hàng giá trị cao. Ngoài ra, đơn vị này phải gánh thêm chi phí mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra báo cáo mới về tình hình tăng trưởng trong kinh doanh của FPT Retail. Ở kỳ báo cáo này, mã cổ phiếu FRT tiếp tục duy trì khuyến nghị kém khả quan.
VCSC cho rằng, việc mở rộng cửa hàng của chuỗi nhà thuốc Long Châu đi đúng tiến độ, nhưng khả năng sinh lời và doanh thu từ các cửa hàng mới thấp hơn kỳ vọng. Theo ước tính, biên lợi nhuận của nhà thuốc Long Châu tăng từ 17,5% trong 9 tháng năm 2019 lên 19,8% trong 9 tháng năm 2020. Nhưng theo VCSC, điều này một phần nhờ nhu cầu tăng đối với các sản phẩm vốn có biên lợi nhuận cao như khẩu trang và dung dịch rửa tay trong bối cảnh dịch COVID-19.
Mở mới cửa hàng có điểm xán lạn nhưng FPT Retail cho biết rằng, các cửa hàng mới tại các tỉnh, thành khác ghi nhận doanh thu thấp hơn các cửa hàng tại TP HCM. Dựa theo diễn biến này, VCSC tăng dự báo cho khoản lỗ ròng ở nhà thuốc Long Châu từ 72 tỷ đồng lên 102 tỷ đồng trong năm 2020/2021.
Tính đến tháng 12/2020, hệ thống nhà thuốc Long Châu đã vượt mốc 200 cửa hàng, có mặt tại 50 tỉnh, thành. Ảnh: FRT |
Tuy mảng kinh doanh thuốc khá hẩm hiu nhưng mảng bán lẻ điện thoại có điểm sáng. VCSC cho rằng, mảng điện thoại di động của FPT Retail sẽ hưởng lợi từ các chính sách thuận lợi hơn của Apple đối với thị trường Việt Nam. Theo ban lãnh đạo FPT Retail, các sản phẩm iPhone thường đóng góp khoảng 30% doanh thu của công ty.
Tuy rộng cửa hơn trong thời gian tới nhưng VCSC vẫn dự báo lãi sau thuế mảng điện thoại di động sẽ giảm mạnh 44% trong năm 2020 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến chi tiêu tiêu dùng, lượng khách đến cửa hàng và vận hành cửa hàng. Đến năm 2021, mảng này được dự báo sẽ phục hồi lên mức 87%.
Advertisement
Advertisement