Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao cổ phiếu ngành bất động sản liên tục tăng trần?

Chứng khoán

22/05/2017 06:24

Hàng loạt cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản liên tục tăng trần, khối lượng khớp lệnh lớn trong thời gian qua đơn thuần đến từ báo cáo tài chính quý I, thông tin đảo nợ…

Tăng trần liên tục

Hồi tháng 1, cổ phiếu DXG của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh có giá 12.500 đồng/cổ phiếu thì hiện tại, thị giá của DXG đã tăng gần gấp đôi và đang giao dịch quanh mức 21.900 đồng/cổ phiếu.

Đánh giá từ phòng phân tích của Công ty ACBS cho thấy, doanh thu năm 2017 của DXG sẽ giảm nhẹ và đạt 2.300 tỉ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu chuyển nhượng bất động sản thấp hơn. Tuy nhiên, nhờ mảng dịch vụ môi giới có tỉ trọng doanh thu cao hơn trong năm nay nên lợi nhuận ròng dự kiến sẽ tăng 19% so với năm trước, lên 639 tỉ đồng và ESP năm 2017 là 2.400 đồng.

So với thời điểm cuối năm 2016 thì hiện tại, cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã tăng gấp đôi. Trên HOSE, HBC đang có giá 55.000 đồng/cổ phiếu. HBC cũng chính là công ty mạnh tay nhất trong việc chi trả cổ tức cho cổ đông với mức 45%. Trong đó, 10% là tiền mặt và 35% là bằng cổ phiếu.

Cổ phiếu QCG tăng trần 15 phiên liên tiếp là do thông tin bán dự án Phước Kiển

Trước thông tin Tập đoàn FLC sát nhập với ROS, cổ phiếu FLC đã dư mua trần với tổng khối lượng khớp đạt 25,3 triệu cổ phiếu, tăng 500 đồng/cổ phiếu và lên mức 7.780 đồng/cổ phiếu trong ngày 15/5.

Ngay cả cổ phiếu penny như HQC của Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cũng có 5 phiên tăng trần liên tục trong những ngày qua. Hiện tại, HQC đang giao dịch quanh mức 2.850 đồng/cổ phiếu, lượng đặt dư mua lớn. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt hơn 10 triệu cổ phiếu.

Bất ngờ lớn nhất trên HOSE là cổ phiếu PDR của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Hồi giữa tháng 3, PDR vẫn giao dịch quanh mức 14.000 đồng/cổ phiếu nhưng hiện tại PDR có giá 27.500 đồng/cổ phiếu. Thị giá trên cao hơn gấp đôi giá trị của PDR và giúp ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị PDR lọt vào tốp 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng tạo ra bất ngờ lớn cho thị trường. Giữa tháng 3 đến nay, thị giá QCG chạy từ 4.000 đồng lên 11.650 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp ba lần.

Chỉ là thoát đáy

Quan sát diễn biến trên HOSE, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, dòng tiền đổ vào chứng khoán ngành bất động sản vẫn chủ yếu đến từ những nhà đầu tư lớn, có sự chuẩn bị kỹ càng về tiềm lực tài chính. Ngoài ra, phải tính đến sự tham gia đáng kể của các nhà đầu tư ngoại.

Lý giải về sự tăng phi mã của PDR, chuyên gia này cho rằng kể từ khi thông tin PDR bán dự án The Everrich 3 để trả nợ cho ngân hàng Đông Á. Do đó, khoảng hai tháng qua, thị giá cổ phiếu PDR đã tăng gần 100%.

Phát Đạt đã bán dự án The Everrich 3 cho một đối tác nước ngoài

Tương tự, thị giá QCG tăng từ 4.000 đồng lên 11.650 đồng/cổ phiếu là do thông tin chuyển nhượng dự án Phước Kiển và đã trả bớt nợ ngân hàng. Phước Kiển từng là dự án đình đám của QCG nhưng sau nhiều năm không ra được sản phẩm nên đành phải bán.

Trong khi đó, chuyên gia Lê Trí Long, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, cơn sốt đất trên thị trường bất động sản giúp nhà đầu tư nhìn nhận lại giá trị thị trường của các công ty địa ốc sở hữu quỹ đất lớn. Điều này là một trong những nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản lên cao.

Tuy nhiên, ông Long cũng cảnh báo không thể nói rằng việc chuyển nhượng dự án để trả bớt nợ là lý do khiến cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản lên giá. Bởi những thương vụ phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ, bán dự án trùm mền đã trở thành câu chuyện tất yếu của ngành bất động trong những năm qua.

“Thực tế, sự tăng trần của cổ phiếu ngành bất động sản chủ yếu là do các mã chứng khoán này đã ở vùng đáy quá lâu. Đến nay VN-Index tăng nên những mã cổ phiếu này cũng tăng theo. Chỉ có điều, tốc độ tăng giá đã vượt quá giới hạn của sự hợp lý”, ông Long nói.

Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản chính là nợ vay. Trong ba năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã được nhiều ngân hàng cho cơ cấu nợ, chuyển từ nợ ngắn hạn sang dài hạn. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp có khó khăn về trả nợ ngắn hạn. Do đó, thị giá cổ phiếu của các công ty địa ốc sẽ nhanh chóng quay về quỹ đạo vốn có khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, tồn kho tăng lên.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement