11/01/2021 15:45
Vì sao chậm công bố tình hình lương, thưởng Tết Tân Sửu 2021 của cả nước?
Tới nay mới có khoảng 30 địa phương báo cáo về tình hình tiền lương, thưởng Tết Tân Sửu 2021.
Sáng 11/1, bên lề hội nghị tổng kết ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trao đổi với PV Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng cho biết tới nay vẫn chưa thể công bố cáo cáo tình hình tiền lương 2020 và mức thưởng Tết Tân Sửu 2021.
“Tới nay mới có hơn 30 sở LĐ-TB&XH gửi báo cáo tình hình lương, thưởng Tết về Bộ. Đáng chú ý phần lớn lại là các tỉnh có ít khu công nghiệp, không thể đại diện cho bức tranh toàn cảnh của cả nước. Chính vì thế chúng tôi vẫn đang tổng hợp số liệu, cố gắng tới cuối tháng 1 này sẽ công bố”, ông Hưng thông tin.
Dự kiến cuối tháng 1/2021 Bộ LĐ-TB&XH mới công bố báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết Tân Sửu 2021. |
Được biết, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tiền lương, thu nhập của người lao động trong năm 2020. Theo Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,3% do với năm 2019.
Cụ thể, ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất (giảm 215 nghìn đồng), tiếp đến là nông lâm nghiệp và thủy sản (giảm 156 nghìn đồng). Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng thấp nhất (100 nghìn đồng).
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh thành, trong năm 2020, cả nước có 1.096.987 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32,3% so với 2019.
Đến cuối năm 2020, có khoảng 1,06 triệu người đã được hưởng với tổng tiền trợ cấp 18.200 tỷ đồng (mức hưởng bình quân quân trên 3 triệu đồng/người/tháng).
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Trong năm 2020, kết quả triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19, đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách nhà nước chi trực tiếp 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng.
Qua đó góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân, tạo công ăn, việc làm cho người lao động, giúp ổn định tình hình lao động. Đến nay, tình hình lao động, việc làm cơ bản trở lại trong trạng thái bình thường.
Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 2,75%, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc
"Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Lần đầu tiêp áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, thành tựu về giảm nghèo Việt Nam được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao", ông Dung cho biết.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp