28/01/2020 10:25
Vì sao cán cân dịch vụ thâm hụt 2,5 tỷ USD?
Tình trạng cán cân dịch vụ phản ánh khá rõ nét đặc điểm của một nền kinh tế đang phát triển, có xu hướng nhập khẩu ròng dịch vụ từ nước ngoài.
Nhập khẩu ròng dịch vụ
Trong năm 2019, cán cân dịch vụ thâm hụt khoảng 2,5 tỷ USD, vẫn là một trong những nguồn tiêu hao tài sản có nước ngoài, tuy nhiên quy mô thâm hụt giảm khá mạnh từ năm 2016. Tình trạng cán cân dịch vụ phản ánh khá rõ nét đặc điểm của một nền kinh tế đang phát triển, có xu hướng nhập khẩu ròng dịch vụ từ nước ngoài.
Mức độ thâm hụt của cán cân dịch vụ tăng khá nhanh từ năm 2001 đến năm 2015, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Mức độ thâm hụt của cán cân dịch vụ tăng từ 0,57 tỷ USD năm 2001 đến 7,81 tỷ USD năm 2015 với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 19%/năm. Mức độ thâm hụt tăng mạnh nhất giai đoạn sau khi Việt Nam gia nhập WTO với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 31%/năm giai đoạn 2007-2015.
Tuy nhiên, quy mô thâm hụt sau đó giảm khá mạnh, từ quy mô thâm hụt 7,81 tỷ USD năm 2015 xuống còn 5,08 tỷ USD năm 2016; 3,86 tỷ USD năm 2017; 3,70 tỷ USD năm 2018 và 2,5 tỷ USD năm 2019. Tốc độ giảm thâm hụt trung bình năm sau so với năm trước khoảng 24%/năm.
Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ, là động lực chính thu hẹp mức độ thâm hụt cán cân dịch vụ. Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 16,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Hai ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng chính trong xuất khẩu dịch vụ là du lịch và vận tải. |
Hai ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng chính trong xuất khẩu dịch vụ là du lịch và vận tải, đạt kim ngạch lần lượt 11,8 tỷ USD và 2,9 tỷ USD, chiếm 88,8% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Du lịch và vận tải cũng là hai ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch nhập khẩu dịch vụ (79,8%), với giá trị nhập khẩu lần lượt khoảng 6,2 tỷ USD và 9,1 tỷ USD. Kết quả là Việt Nam nhập siêu dịch vụ khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 14,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
Sự vận động của cán cân vãng lai phản ánh khá rõ nét sự vận động của cán cân thương mại. Tương tự như cán cân thương mại, cán cân vãng lai cũng liên tục thặng dư từ quý III/2011. Trong bốn cán cân bộ phận của cán cân vãng lai, cán cân dịch vụ và cán cân thu nhập thường trong tình trạng thâm hụt, phản ánh khá rõ nét đặc điểm của một nền kinh tế đang phát triển, có xu hướng nhập khẩu ròng dịch vụ từ nước ngoài và tiếp nhận vốn đầu tư ròng từ nước ngoài.
Nhờ thu ròng chuyển giao vãng lai
Những năm gần đây, quy mô thâm hụt của cán cân dịch vụ khá ổn định trong khi thu nhập ròng trả cho nước ngoài có xu hướng gia tăng mạnh, là kết quả của dòng vốn đầu tư ròng chảy vào Việt Nam trong nhiều năm. Giai đoạn 2014-2017, thu nhập ròng trả cho nước ngoài bình quân khoảng 2,143 tỷ USD/quý.
Trong khi đó, thu ròng chuyển giao vãng lai một chiều khá ổn định trong nhiều năm, là một bộ phận tích cực hỗ trợ làm giảm thâm hụt của cán cân vãng lai giai đoạn quý III/2011 trở về trước và làm vững mạnh cán cân vãng lai nhiều năm gần đây. Nguồn tiền kiều hối chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn thu chuyển giao vãng lai một chiều. Giai đoạn 2014-2017, thu ròng chuyển giao vãng lai một chiều bình quân khoảng 2,119 tỷ USD/quý.
Như vậy, giai đoạn 2014-2017, thu ròng chuyển giao vãng lai một chiều là nguồn khá ổn định, cân đối vừa đủ cho tình trạng thâm hụt của cán cân thương mại. Tuy nhiên, vài năm gần đây, thâm hụt của cán cân thu nhập tăng khá nhanh, là kết quả của việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài ròng trong nhiều năm.
Trong hai năm 2018-2019, mức độ thặng dư của chuyển giao vãng lai một chiều chỉ còn bù đắp khoảng 60% mức độ thâm hụt của cán cân thu nhập. Như vậy, cán cân thu nhập là bộ phận cấu thành chính có thể làm suy yếu cán cân vãng lai trong tương lai. Nói cách khác, để cán cân vãng lai cân bằng hoặc thặng dư, cán cân thương mại cần phải thặng dư đủ để bù đắp cho thâm hụt của cán cân dịch vụ và một phần thâm hụt của cán cân thương mại.
Trong năm 2019, cán cân thương mại ước tính thặng dư 21,32 tỷ USD, cán cân dịch vụ thâm hụt 2,5 tỷ USD, cán cân thương mại thâm hụt 15,38 tỷ USD và chuyển giao vãng lai một chiều thặng dư 9,14 tỷ USD. Kết quả là cán cân lãng lai thặng dư khoảng 12,58 tỷ USD, là mức thặng dư lớn nhất kể từ khi cán cân vãng lai chuyển sang giai đoạn thặng dư.
Advertisement
Advertisement