24/03/2017 02:55
Vì sao các ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi?
Việc huy động nguồn vốn dài hạn luôn là bài toán vô cùng khó khăn với các ngân hàng.
Bởi lẽ, sẽ có rất ít cá nhân hay tổ chức nào có các khoản tiền nhàn rỗi lên tới 3 năm, 5 năm hay 7 năm trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động như hiện nay thì đa số sẽ lựa chọn các kỳ hạn ngắn để dễ dàng chuyển đổi phương thức đầu tư.
Gần đây có hiện tượng các ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi với các mức lãi suất rất cao. Tại sao các ngân hàng lại phát hành chứng chỉ tiền gửi (CDs)? Tại sao lãi suất của CDs lại cao hơn so với các khoản tiền gửi tiết kiệm có cùng kỳ hạn vì về bản chất CDs cũng giống như là một khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn?
Hay liệu thanh khoản của toàn hệ thống đang đối mặt với áp lực? Hay tại sao các ngân hàng không chọn hình thức phát hành trái phiếu thay vì CDs đối với những khoản có kỳ hạn trên 5 năm khi vừa tăng được nguồn vốn dài hạn lại tăng được cả vốn cấp 2?
Áp lực thanh khoản là có nhưng không phải nguyên nhân chính
Cán cân thương mại thâm hụt ở mức cao, khoảng 1,8 tỷ USD trong 2,5 tháng đầu năm 2017; tín dụng tăng trưởng nhanh ngay từ tháng 1 và cao hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động…là những yếu tố khiến cho hệ thống ngân hàng không còn dồi dào thanh khoản như diễn biến của năm 2016.
Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (O/N) luôn bám sát mức 5%/năm từ đầu năm 2017 đến nay. Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với xu hướng chung của những năm gần đây vì sau Tết âm lịch, các ngân hàng luôn trong trạng thái thừa tiền.
Tuy nhiên, nếu thanh khoản của các ngân hàng gặp khó khăn thực sự thì buộc họ phải tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, dưới 12 tháng thay vì phát hành CDs với các kỳ hạn từ 15-60 tháng như diễn biến thực tế gần đây. bởi lẽ, đây là giải pháp hiệu quả nhất thay vì huy động các kỳ hạn dài hay phát hành CDs. Do đó, không thể khẳng định do thiếu thanh khoản nên các ngân hàng đua nhau phát hành CDs như hiện nay.
Trên thực tế, lãi suất huy động các khoản tiền gửi dưới 12 tháng mới chỉ tăng khoảng 1-5 điểm phần trăm từ đầu năm đến nay.
Thậm chí có ngân hàng còn giảm lãi suất huy động so với thời điểm cuối năm 2016. Với tỷ lệ 70% các khoản huy động của toàn hệ thống có kỳ hạn dưới 12 tháng như hiện nay thì có thể khẳng định mặt bằng lãi suất vẫn đang duy trì trạng thái ổn định chứ không phải tăng mạnh như một số nhận định gần đây.
Đẩy mạnh phát hành CDs hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu nguồn vốn dài hạn
Việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành CDs các kỳ hạn dài có nguyên nhân trực tiếp từ quy định tại thông tư 06/2016.
Theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018. Việc các ngân hàng chỉ phát hành CDs dài hạn, trên 15 tháng đã cho thấy rõ nhận định trên.
Tỷ lệ về nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống đã tăng từ mức 31% lên gần 35% trong năm 2016, trong đó trung bình của nhóm NHTMCP là 40% phần nào cho thấy câu trả lời ở trên là có cơ sở.
Tại sao các ngân hàng không tăng lãi suất huy động các kỳ hạn dài bằng việc phát hành CDs?
Việc huy động nguồn vốn dài hạn luôn là bài toán vô cùng khó khăn với các ngân hàng. Bởi lẽ, sẽ có rất ít cá nhân hay tổ chức nào có các khoản tiền nhàn rỗi lên tới 3 năm, 5 năm hay 7 năm. Ngay cả khi có nguồn tiền như vậy nhưng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động như hiện nay thì đa số sẽ lựa chọn các kỳ hạn ngắn để dễ dàng chuyển đổi phương thức đầu tư.
Việc các ngân hàng phát hành CDs thay vì tăng lãi suất các khoản tiền gửi kỳ hạn dài là do quy định pháp lý. Theo đó, nếu khách hàng rút tiền gửi trước hạn thì sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Trong khi đó, khi phát hành CDs và để thu hút khách hàng, các ngân hàng sẽ có thỏa thuận về mức lãi suất được hưởng cao hơn so với lãi suất không kỳ hạn.
Chính sách thuế thu nhập và thủ tục
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng sẽ tự chủ động trong các đợt phát hành CDs. Trong khi đó, để phát hành trái phiếu, các ngân hàng buộc phải lập hồ sơ phát hành và có sự chấp thuận của cả NHNN và UBCKNN.
Bên cạnh đó, chưa kể việc phát hành trái phiếu phải có sự thông qua của Hội đồng quản trị. Ngoài ra, thuế thu nhập cũng là một rào cản đối với trái phiếu. Theo đó, nhà đầu tư khi mua trái phiếu sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi đó, đầu tư vào CDs thì sẽ không phải nộp thuế.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp