31/01/2021 12:06
Vì sao Biden 'đánh khẽ' các công ty Trung Quốc vào lúc này?
Chính quyền Biden hoãn áp dụng lệnh cấm đầu tư vào các công ty có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các cá nhân, quỹ hưu trí và công ty tài chính có thể đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc - được cho là có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng - cho đến ngày 27/5. Theo kế hoạch ban đầu, sắc lệnh của Trump cấm các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty này phải được áp dụng từ ngày 28/1.
Vào tháng 11/2020, Donald Trump đã ban hành lệnh cấm các cá nhân và pháp nhân Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào, trong đó gồm cả các khoản đầu tư, vào các công ty mà chính phủ xác định có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Danh sách này bao gồm hơn 30 công ty thuộc các ngành hàng không vũ trụ, viễn thông, công nghệ, bao gồm Huawei, Inspur Group... Vào tháng 1/2021, Sở giao dịch chứng khoán New York bắt đầu xóa ba công ty viễn thông khỏi danh sách này - China Telecom, China Mobile và China Unicom.
Xét theo mọi việc, sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, Washington đã quyết định theo đuổi một chính sách cân bằng hơn đối với Trung Quốc. Ví dụ, ứng viên được đề cử cho vị trí bộ trưởng thương mại Gina Raimondo và Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã tránh trả lời câu hỏi liệu Mỹ có duy trì các lệnh trừng phạt đối với Huawei của Trung Quốc hay không.
Cả Gina Ramondo và Jen Psaki chỉ cho biết họ sẽ tiến hành tham vấn chi tiết với các đồng minh để xây dựng chiến lược chung đối với các công ty Trung Quốc. Đến lượt mình, bà Ramondo, dù lưu ý rằng mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ thông qua các mạng viễn thông là không thể chấp nhận được, nhưng bà không nói rõ số phận nào đang chờ đợi Huawei và các công ty Trung Quốc khác tại thị trường Mỹ.
COVID-19 không phải là virus của Trung Quốc?
Trong những tuyên bố chính trị cũng có những thay đổi nhất định. Joe Biden ký bản ghi nhớ cấm các cơ quan chính phủ sử dụng cách gọi liên kết COVID-19 với Trung Quốc. Trước đây, chính quyền Trump nhiều lần gọi tên virus theo cách này để đổ lỗi cho Trung Quốc, điều này đã gây ra sự phẫn nộ nghiêm trọng ở Bắc Kinh. Với quyết định này, ông Biden lên án việc phân biệt sắc tộc nhắm vào người châu Á trong xã hội Mỹ.
Sau khi nhậm chức, Joe Biden bắt đầu sửa đổi toàn bộ các chính sách mà Trump theo đuổi đối với Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Chu Phong (Zhu Feng), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nhận xét rằng, những bước đi đầu tiên của tân tổng thống Mỹ cho thấy chính sách của Washington đối với Trung Quốc sẽ không bốc đồng và thiếu cân nhắc như dưới thời Trump.
Ông nhận định: “Chính quyền Biden chắc chắn sẽ xem xét lại các chính sách của người tiền nhiệm, đặc biệt là trong các vấn đề nội bộ nước Mỹ. Chúng ta thấy rằng, Biden đã ký hơn một chục lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, đảo ngược các chính sách có hại của chính quyền Trump. Nhưng, trong quan hệ ngoại giao, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Mỹ hiện đang tập trung vào hợp tác với các đồng minh của mình.
Nhưng, trong chính sách đối với Trung Quốc có cả sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Vì vậy, Biden sẽ không vội vàng trong vấn đề này. Tuy nhiên, quyết định hoãn các lệnh trừng phạt của Trump cho thấy rằng, Biden sẽ không bốc đồng và toàn ý tưởng lập dị như người tiền nhiệm, và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn các lợi ích của Mỹ khi phát triển chính sách đối với Trung Quốc và mối quan hệ song phương. Theo tôi, các tín hiệu tích cực này cho thấy rằng, dưới thời Biden sẽ ghi nhận những thay đổi tích cực trong quá trình phát triển mối quan hệ song phương”.
Mặt khác, nếu đọc kỹ văn bản mới của Bộ Thương mại Mỹ gia hạn giấy phép hợp tác và đầu tư vào các công ty Trung Quốc, thì sẽ thấy rằng, văn kiện này chứa đựng nhiều chi tiết đáng chú ý. Trước hết, tài liệu này cho phép đầu tư vào các công ty có tên rất giống tên gọi của các công ty đã được chính quyền Mỹ công nhận là có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Đồng thời, các tập đoàn như CNOOC Limited, China Mobile Limited, China Telecom Corporation Limited, China Unicom (Hong Kong) Limited không có trong giấy phép chung. Tức là, các tập đoàn này vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.
Có lẽ chính quyền Biden cho rằng, danh sách các công ty bị trừng phạt theo sắc lệnh của Trump là quá dài, giống như “ném bom rải thảm” động chạm rất nhiều công ty Trung Quốc mà việc chấm dứt hợp tác với các công ty này sẽ gây tổn hại lớn cho doanh nghiệp Mỹ.
Chuyên gia Chu Phong nêu rõ thực tiễn đã chỉ ra rằng cuộc đối đầu kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc làm tổn hại đến lợi ích của chính nước Mỹ. Ông nói: “Trên thực tế, những nỗ lực của Mỹ cô lập Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các thị trường kinh tế, công nghệ và các thị trường khác không hề phù hợp với lợi ích của Mỹ. Hơn nữa, chúng ta thấy rằng, cuộc chiến thương mại do Trump gây ra đã đem lại tổn thất cho cả hai bên.
Điều quan trọng ở đây không chỉ là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp mà là bản chất của chính quyền Biden, những người làm việc có tính chuyên nghiệp. Joe Biden cần nghiêm túc suy nghĩ về thiệt hại thực sự đối với lợi ích của Mỹ, điều không thể tránh khỏi nếu cuộc đối đầu giữa CHND Trung Hoa và Hoa Kỳ leo thang.
Do đó, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng, thời gian tạm lắng trong quan hệ với Huawei và các công ty Trung Quốc khác có liên quan chặt chẽ với lợi ích quốc gia của Mỹ mà không chỉ với lợi ích của một số nhóm doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp sức mạnh của các nhóm vận động hành lang của giới kinh doanh. Doanh nghiệp Mỹ đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với các lệnh trừng phạt của Trump hạn chế hợp tác với các công ty Trung Quốc.
Đối đầu của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nhóm vận động hành lang bảo vệ lợi ích của giới kinh doanh ở Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu chip của Trung Quốc trong những năm vừa qua là 300 tỷ USD, nhiều hơn cả dầu thô. Không khó để tính toán mức độ thiệt hại của các nhà sản xuất công nghệ cao ở Mỹ đã mất thị trường Trung Quốc. Chỉ riêng Huawei đã mua số linh kiện công nghệ cao trị giá hơn 11 tỷ USD tại Mỹ vào năm 2018.
Chính quyền Biden đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Một mặt, ông Biden không thể đảo ngược 180 độ chính sách đối với Trung Quốc - xét cho cùng, có sự đồng thuận mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Washington chủ trương tiếp tục kiềm chế sự phát triển công nghệ của CHND Trung Hoa. Do đó, chính quyền Biden sẽ duy trì hầu hết các lệnh trừng phạt mà Trump đã áp đặt.
Mặt khác, dưới áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp, tân Tổng thống sẽ cố gắng làm cho các lệnh trừng phạt này chỉ mang tính hình thức để chúng không tác động trực tiếp đến lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong bối cảnh sự cạnh tranh công nghệ và chính trị giữa hai nước. Vấn đề này đặc biệt quan trong hiện nay, khi nền kinh tế Mỹ cần có các động lực để đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19.
(Tổng hợp từ TTXVN)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement