04/09/2018 16:39
Vì sao bị "vu oan", doanh nghiệp vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt"?
Con Cưng, Kiều Giang và nhiều DN trước đó chấp nhận thiệt hại vì những đợt kiểm tra nhanh nhận định vội của lực lượng chức năng thay vì đòi quyền lợi.
Con Cưng cho biết, doanh số bán hàng đã bị giảm bình quân hàng tỷ đồng mỗi ngày sau khi xuất hiện thông tin chuỗi cửa hàng này thay nhãn gian lận về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Kiều Giang cũng giảm đến hơn một phần ba lượng khách sau khi bị lực lượng quản lý an toàn thực phẩm kiểm tra. Hình ảnh về các bao đường, muối, phụ gia… kèm với chú thích “chất lạ” hay “phụ gia lạ”… của quán ăn nổi tiếng này xuất hiện dầy đặc trên các phương tiện truyền thông.
Kết luận cuối cùng, Kiều Giang và Con Cưng cũng chỉ dừng lại ở những lỗi vi phạm hành chính mà gọi đúng là sai sót chứ không phải sai phạm. Trong khi những thiệt hại về doanh số, đặc biệt là uy tín thương hiệu của những DN này không hề nhỏ.
DN Việt thường chịu im lặng trước những nhận định vội từ phía cơ quan chức năng. |
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, với những vụ việc trước đó, và gần đây như Con Cưng hay Kiều Giang… DN hoàn toàn có thể khởi kiện lực lượng chức năng vì cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm bảo mật thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức.
Hầu hết các DN trong những vụ việc này đều muốn mọi việc dừng lại sau khi được “minh oan”. Trong vụ việc xảy ra tại chuối cửa hàng Con Cưng mới đây, ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Con Cưng cũng khẳng định ngay cả khi chưa có kết quả cuối cùng từ cơ quan chức năng là DN sẽ không kiện bất cứ ai.
Ông Minh lý giải, DN của ông có nguyên tắc ứng xử văn hóa riêng, đó là đồng hành và đặt niềm tin vào đối tác. DN coi đó là sự cố. “Văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi là khi mắc sai lầm sẽ cùng sửa lỗi, nhưng trước khách hàng của mình chúng tôi là người có lỗi, phải chịu trách nhiệm và coi thiệt hại đó là của Con Cưng”, ông Minh chia sẻ.
Trong vụ việc Cơ sở chế biến Thực phẩm Việt - Vietfoods (Bình Dương) bỗng nhiên bị tạm giữ hơn 2,2 tấn xúc xích với lý do nghi vấn chứa chất cấm. Sau khi chứng minh được phần sai thuộc về Đội quản lý thị trường số14, Chi cục QLTT Hà Nội, phía Vietfoods cũng chỉ yêu cầu phía QLTT xin lỗi. Trong khi đó, khi biết mình sai, lực lượng QLTT chỉ lặng lẽ trả lại 2,2 tấn hàng.
Thực tế nhiều DN đã biến mất khỏi thị trường bởi những đợt “kiểm tra nhanh, nhận định vội” như vậy. Năm 2006 – 2007, dư luận trong nước từng rúng động trước kết luận của Sở Y tế TP.HCM phát hiện rất nhiều mẫu nước tương từ các cơ sở sản xuất nước tương truyền thống có 3-MCPD gây ung thư.
Thông tin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên sau đó, lãnh đạo Sở cũng thừa nhận, về khía cạnh khoa học, dù có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhưng chưa có một công trình nào chứng minh được 3-MCPD gây ung thư cho người. Và thông tin cảnh báo nước tương có 3-MCPD là chất có thể gây ung thư là đúng (?).
Kết quả của “thông tin cảnh báo” đó là gần hai mươi thương hiệu nước tương truyền thống như Trường Thành, Song Mã, Đông Phương, Hương Nam Phương, Lam Thuận, Thái Chân Thành, Lợi Ký, Nam Dương, Nosafood, Thái Đại Lợi, Hậu Sanh, MêKong… vốn quen thuộc bao năm với người dân thành phố đến nay gần như vắng bóng trên thị trường, nhường thị phần lại cho các nhà sản xuất công nghiệp.
Kịch bản có thể lặp lại với ngành hàng nước mắm vào năm 2016, khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Trong đó cho rằng, nhiều mẫu nước mắm (hầu hết là các loại nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống) nhiễm asen (thạch tín).
Thời điểm xuất hiện thông tin bất lợi cho nước mắm truyền thống là khi mạng xã hội phát triển, không ít nhà khoa học dùng ảnh hưởng của kênh thông tin này để giải thích, asen trong nước mắm là asen hữu cơ, có trong cơ thể cá biển tự nhiên, hoàn toàn vô hại chứ không phải là chất độc thạch tín như nhiều người lầm tưởng.
Dù thừa nhận là thiệt hại khá lớn về doanh số bán hàng do các kênh phân phối trả về khi xuất hiện thông tin bất lợi, nhưng các DN nước mắm truyền thống khi được hỏi đều cho biết, không có ý định kiện ai.
Theo các luật sư, có những thiệt hại không thể thống kê được để yêu cầu đền bù đó chính là uy tín thương hiệu, nên rất nhiều DN là nạn nhân trong những vụ việc này chỉ yêu cầu cơ quan chức năng xin lỗi.
Theo LS Nguyễn Văn Đức, nguyên nhân chính khiến DN không khởi kiện trong những vụ việc này còn bởi tâm lý lo sợ sẽ gặp rắc rối về sau. Vì trong quá trình hoạt động, DN nào cũng không tránh khỏi những sai sót nhất định, mà những sai sót đó có thể khiến họ đối mặt với những cuộc thanh, kiểm tra. Nên lựa chọn của DN thường là "tránh voi không xấu mặt nào". Tuy nhiên luật sư cho rằng, cách lựa chọn này trở thành hạn chế của DN, khiến các DN không thể lớn được.
Advertisement