Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ tăng đột biến trong thời gian gần đây?

Sức khỏe

15/10/2020 09:56

Thời gian gần đây, nhiều trẻ em có dấu hiệu ho, khó thở- dấu hiệu của bệnh viêm tiểu phế quản- khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy nguyên nhân vì sao?

Vì sao bệnh viêm tiểu phế quản tăng đột biến?

Theo các bác sĩ, những ngày qua là thời điểm giao mùa nên thời tiết trên cả nước diễn biến phức tạp, độ ẩm không khí tăng cao, độ chênh lệch nhiệt độ trong ngày lớn....là nguyên nhân chính gây ra các bệnh mà trẻ em hay mắc phải như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết và đặc biệt là viêm tiểu phế quản.

Số lượng trẻ nhập viện do viêm ho hấp tăng mạnh. Ảnh: Cẩm Viên.
Số lượng trẻ nhập viện do viêm ho hấp tăng mạnh. Ảnh: Cẩm Viên.

Ngoài yếu tố thời tiết ra, theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh,Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng I), yếu tố hậu giãn cách xã hội sau dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm tiểu phế quản trong những ngày qua.

"Sau giãn cách xã hội, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ giảm. Khi trẻ đi học lại ở môi trường tập thể thì rất dễ bị nhiễm bệnh. Sau một thời gian thì mới ổn định lại", Bác sĩ Khanh cho biết thêm.

Thời điểm giao mùa trẻ rất dễ bị viêm tiểu phế quản.
Thời điểm giao mùa trẻ rất dễ bị viêm tiểu phế quản.

Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Văn Nhân (Giảng viên Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), bệnh viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng (2 tuổi) với các triệu chứng như sốt ho, khò khè, khó thở...

Trong 48 tiếng đồng hồ đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, trẻ có triệu chứng giống bệnh cảm thông thường như sốt nhẹ, ho, hắt hơi, chảy mũi, biếng ăn.

Từ ngày thứ 3 - 5 sau khi nhiễm bệnh, trẻ có dấu hiệu khò khè, khó thở và ho nặng.

Những trẻ sinh non dưới 35 tuần; trẻ từng mắc bệnh ở tuổi dưới 12 tuần (3 tháng tuổi); trẻ có bệnh nền bệnh như tim bẩm sinh, phổi mạn tính, bệnh thần kinh cơ; trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải, suy dinh dưỡng nặng...là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở hoặc thở không đều, thở nhanh >70 lần/phút; trẻ không thể bú được vì ho liên tục và khò khè nặng; xanh tái khi ho, bú gắng sức; da xanh tái, vã mồ hôi thì cần đưa đi cấp cứu ngay.

Viêm tiểu phế quản do siêu vi hô hấp hợp bào RSV (Respiratory Syncytial Virus). Đây là loại siêu vi khá phổ biến trong nhóm tác nhân siêu vi gây triệu chứng giống cảm ở trẻ em và người lớn vào mùa bệnh.

Cũng giống như các bệnh lý do tác nhân siêu vi khác gây ra, viêm tiểu phế quản điều trị chủ yếu là theo dõi, can thiệp thuốc tối thiểu, cơ thể khỏe mạnh thì trẻ sẽ tự vượt qua.

Thông thường, bệnh dần khỏi sau từ 7 - 14 ngày.

Phòng ngừa viêm tiểu phế quản như thế nào?

Theo Bác sĩ Lê Văn Nhân, bệnh viêm đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm tiểu phế quản, rất dễ lây nhiễm mầm bệnh từ những yếu tố bên ngoài.

Đó là hít phải dịch tiết có chứa mầm bệnh do vi khuẩn, virus bắn ra từ người lớn trong gia đình hoặc bạn bè tại trường học. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây lan bằng việc các bé cầm nắm những vật dụng, đồ chơi nhiễm mầm bệnh sau đó đưa vào trong miệng, hay mắt. Đây là yếu tố lây bệnh chính khi bé sống trong môi trường không giữ vệ sinh tốt.

Nhà trẻ là môi trường rất dễ lây bệnh nên cần được chú trong vệ sinh. Ảnh: TOMATO.
Nhà trẻ là môi trường rất dễ lây bệnh nên cần được chú trong vệ sinh. Ảnh: TOMATO.

Để phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ, người lớn cần có một chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ nhằm giúp hệ miễn dịch phát triển đầy đủ, tránh không được để trẻ thiếu dinh dưỡng, suy dinh dưỡng.

Thường xuyên vệ sinh, tắm rửa cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ trước khi ăn ngủ. Đặc biệt lưu ý là người chăm sóc trẻ phải giữ vệ sinh cá nhân thật tốt, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên...Trong nhà không được để trẻ tiếp xúc với những nơi gần khói thuốc lá.

Đối với bé đi nhà trẻ, khi có những dấu hiệu về viêm đường hô hấp phải cách ly bằng cách cho trẻ ở nhà để chăm sóc, không tạo điều kiện lây lan đến những trẻ khác và ngược lại.

Yếu tố quan trọng là phải tiêm ngừa vắc- xin đầy đủ. Khuyến cáo phụ huynh nên tiêm phòng đầy đủ tất cả các loại vắc xin liên quan đến hô hấp và các dịch bệnh khác, để tạo hệ miễn dịch tốt, giúp trẻ chống chọi lại với dịch bệnh.

Phụ huynh đảm bảo tránh cho trẻ đến những nơi, khu vực có thời tiết không tốt như mưa gió hay nắng gắt. Nếu bắt buộc phải ra những khu vực thời tiết xấu thì phải che chắn cẩn thận cho trẻ.

Các bệnh viện quá tải, nhiều trường hợp phải điều trị ngoại trú

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, hầu như tất cả các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM đang quá tải do không đủ giường. Thế nên, chỉ những ca bệnh nặng mới nhập viện điều trị, còn lại sẽ được về nhà điều trị và tái khám theo yêu cầu.


CẨM VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement