31/01/2020 07:36
Ví MoMo lấy gì cạnh tranh với các đối thủ?
Ví Điện tử MoMo chính thức trở thành kênh thanh toán điện tử của Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia liệu nó có tạo nên thói quen tiêu dùng không tiền mặt tại thị trường Việt Nam?
Ví Điện tử MoMo được Chính phủ lựa chọn là kênh thanh toán điện tử của Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia nhằm làm minh bạch hóa, giảm thời gian và chi phí để người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Báo Cung Cầu đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Bá Diệp Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về thị trường thanh toán điện tử trong tương lai tại Việt Nam?
Kết quả khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 do PwC công bố cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động tăng từ 37% năm 2018 lên 61% vào năm 2019 (tính đến thời điểm khảo sát). Và theo tôi ví điện tử sẽ là bước phát triển tất yếu của thị trường bởi chúng có thể tác động lớn đến chương trình phát triển thanh toán không tiền mặt của Chính phủ.
Ông Nguyễn Bá Diệp đồng sáng lập ví điện tử MoMo. |
Thị trường thanh toán điện tử 2020 chắc chắn sẽ bùng phát bởi đã hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển. Thứ nhất, Việt Nam có quy mô dân số lớn đặc biệt là dân số trẻ, có khả năng tiếp cận các xu hướng mới, phong cách sống mới một cách nhanh chóng. Thứ hai, Việt Nam đã có hệ sinh thái ban đầu được hình thành để thúc đẩy, ủng hộ “lối sống” không dùng tiền mặt. Và cuối cùng, Chính phủ đang thúc đẩy và ủng hộ sự phát triển thị trường này bằng các chính sách hướng đến một nền kinh tế có tỷ lệ sử dụng tiền mặt thấp.
MoMo sẽ cạnh tranh như thế nào trong thị trường thanh toán điện tử ngày càng có nhiều đối thủ nặng ký từ nước ngoài lẫn trong nước như Alipay, Samsung Pay?
Thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam còn rất sơ khai, chúng tôi nghĩ không nên nói đến việc cạnh tranh trong thời điểm này. Theo quan điểm truyền thống, mỗi Ví điện tử hay ngân hàng sẽ xây dựng một hệ sinh thái riêng, độc lập trong phát triển dịch vụ. Tuy nhiên trong một xã hội mà công nghệ phát triển như ngày nay thì tôi nghĩ không ai có thể phát triển độc lập. Tôi thấy sự tham gia của các đơn vị thanh toán trung gian lớn là một tín hiệu rất tốt vì họ chỉ đầu tư khi thị trường thanh toán thực sự có tiềm năng và nhu cầu sử dụng của khách hàng đang tăng cao.
Tuy nhiên cơ hội sẽ không dành cho các đơn vị chỉ ngồi chờ đợi khách hàng tìm đến với mình, bởi lẽ thanh toán không dùng tiền mặt là việc quá mới mẻ tại Việt Nam. Tôi nghĩ một xã hội minh bạch, tất cả các giao dịch đều được ghi nhận rõ ràng. Ở Việt Nam tôi đánh giá điều kiện về công nghệ đã sẵn sàng. Cái chúng ta cần bổ sung thêm là chính sách hỗ trợ của nhà nước. Đặc biệt, là các cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực này cần có thêm chính sách tạo ra cạnh tranh công bằng để không thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong nước tuân thủ luật chơi, với doanh nghiệp nước ngoài cố tình lách luật.
MoMo có thế mạnh gì trong cuộc cạnh tranh thị trường tài chính điện tử này?
Chúng tôi là một sản phẩm 100% do trí tuệ Việt, các kỹ sư Việt Nam tạo ra. Vì vậy, chúng tôi am hiểu thói quen tiêu dùng, thanh toán của người Việt. Chúng tôi không đưa ra những cách làm “đao to búa lớn” mà sẽ là “mưa dầm thấm lâu” dần dần len lỏi vào từng ngóc ngách nhỏ nhất. Chúng tôi đã tìm kiếm và mở rộng hệ sinh thái chấp nhận thanh toán của Ví MoMo: từ các dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, mua vé máy bay, vé tàu, mua sắm trực tuyến, mua vé phim, bảo hiểm, hay đơn giản chỉ là mua ly nước cam, ổ bánh mì ở vỉa hè…
Sự khác biệt của chúng tôi có thể tóm tắt ở hai điểm chính: Một là, dịch vụ trên ứng dụng: MoMo có hàng trăm loại hình dịch vụ trên ứng dụng, mỗi một “nút” trên ứng dụng MoMo phía bên dưới là cả 1 tập đoàn, công ty khởi nghiệp hay chuỗi dịch vụ lớn, ví dụ, đặt vé máy bay, ở dưới là Vietnam Airline, VietJet Air, thanh toán các chuyến đi, bên dưới là Vntrip, Agoda, thanh toán tài chính tiêu dùng là Home Credit, Fe Credit… bản chất là hàng trăm loại hình khác nhau, hàng trăm công ty khác nhau, hàng trăm startup được MoMo tích hợp vào trong ứng dụng của mình.
Thanh toán tiền xăng bằng điện thoại. |
Hai là, trải nghiệm của người dùng. Làm sao khi mở ứng dụng ra, khách hàng có thể hiểu rất nhanh, sử dụng ngay dịch vụ họ mong muốn trên màn hình ứng dụng mà không phải đi tìm kiếm. Thời gian khách hàng đăng nhập vào MoMo, thời gian thực hiện giao dịch nhanh chóng, báo cáo kết quả rõ ràng cũng phải được tối ưu để giúp khách hàng vui và thỏa mãn khi sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ có những chính sách cụ thể để người sử dụng thấy ngay lợi ích thiết thực nhất. Đơn cử, sự kiện “Ngày hội không tiền mặt MoMo - Hoàn tiền 50%” diễn ra vào tháng 11 vừa qua, đã tạo tiếng vang với hơn 1 triệu khách hàng thực hiện mua sắm bằng Ví MoMo chỉ trong một ngày tại: PVOIL, Coopmart, Circle K, 7-Eleven, Kichi Kichi, Sumo BBQ, Phúc Long, The Pizza Company... Mang lại lợi ích cho cả khách hàng và đối tác.
Câu chuyện ra đường không dùng ví hay không dùng tiền mặt liệu có đến được với tất cả người dân Việt Nam ở cả những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hay chỉ dừng lại ở thị thành?
Tôi tin thanh toán không tiền mặt sẽ là tương lai không xa của Việt Nam và là mục tiêu mà MoMo phấn đấu. Nếu nhìn vào các nước trong khu vực Châu Á có sự tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc hay Ấn Độ bạn sẽ thấy thanh toán di động ở những nước này không phát triển lũy tuyến, không đi từ từ… mà bùng nổ trong 5 năm trở lại đây.
Ví dụ, tại Trung Quốc, Ví Wechat Pay dù chỉ mới bắt đầu từ năm 2013, tuy nhiên, chỉ trong vòng 4 năm qua họ đã xây dựng và phát triển được một hệ sinh thái rất dữ dội. Hay như Alipay xuất phát điểm cùng thời với MoMo, nhưng đến năm 2017 họ đã có lượng người dùng là hơn nửa số dân của Trung Quốc.
Tại Ấn Độ, từ khi Chính phủ nước này ban hành chính sách không in tiền mệnh giá lớn và các giao dịch thanh toán lớn phải thực hiện bằng các giao dịch phi tiền mặt thì đã có thấy phát triển rất nhanh của thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại quốc gia này.
Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn Nhà nước bảo trợ và giúp giới thiệu trực tiếp đến người dân các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đơn cử là ví điện tử. Điều này sẽ giúp củng cố niềm tin cho người dùng. Đồng thời, Ví MoMo mong muốn tham gia trực tiếp vào các chương trình của nhà nước liên quan đến tài chính tổng quát, phát triển không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đặc biệt là đến những bà con ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn.
Một vấn đề mà người tiêu dùng quann tâm đó là tính an toàn của dịch vụ này. Liệu có một ngày nào đó tài khoản của họ bị hack và mất tiền hay không?
Với chúng tôi bảo mật luôn là ưu tiên hàng đầu bởi đóng vai trò là công ty tài chính, càng có nhiều khách hàng thì an toàn, bảo mật là yếu tố sống còn. Ví MoMo chú trọng xây dựng hệ thống bảo mật và các công nghệ mới như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Hệ thống Phòng chống gian lận... Điều này đóng vai trò lớn trong việc nâng cao dịch vụ của MoMo để người dùng có nhiều trải nghiệm tốt hơn và cung cấp hơn nhiều dịch vụ thông minh cho khách hàng.
Thanh toán bằng MoMo CircleK, Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. |
Đồng thời, Hệ thống bảo mật của MoMo hiện đang đáp ứng bộ tiêu chuẩn khắt khe nhất trong ngành tài chính ngân hàng quốc tế là Chứng chỉ bảo mật quốc tế và tại Việt Nam, MoMo là đơn vị ví điện tử duy nhất có chứng chỉ mức độ cao nhất là PCI DSS - Level 1. MoMo cũng đang áp dụng các công nghệ xác thực tiên tiến, vượt trội có tính bảo mật công nghệ cao như: Xác thực hai lớp; Xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt; Tự động khóa ứng dụng khi quá thời gian sử dụng; Bảo vệ đường truyền chuẩn SSL/TLS; Tính năng mã hóa số thẻ quốc tế (Tokenization),...
Thực tế là khá đông người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa có thẻ ngân hàng và việc ứng dụng thanh toán công ví dụ như thanh toán tiền học phí, điện nước... họ cảm thấy khá phiền; vậy giải pháp nào để dịch vụ thanh toán công được người dân đón nhận?
Chúng tôi bắt đầu MoMo với giấc mơ đem lại sự bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân Việt Nam. Sựbình đẳng này phải bắt đầu từ những nhu cơ bản nhất là: Giáo dục, y tế, trường học, điện nước,... chứ không chỉ là việc mua vé xem phim, ve máy bay, thanh toán cho các hoạt động giải trí, mua sắm (mặc dù những dịch vụ này MoMo đã tiên phong và đứng đầu thị trường - cười)
Năm 2019 là năm chúng tôi đặc biệt đẩy mạnh thanh toán trong mảng dịch vụ công. Trên thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, nhất là ở lĩnh vực hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục… vẫn còn gặp không ít khó khăn vì kinh phí thấp, hệ thống hạ tầng không đồng bộ. Nhưng chúng tôi không nhìn dịch vụ công như mảng kinh doanh thông thường mà đây là trách nhiệm của Ví MoMo với sự phát triển của đất nước.
Cụ thể, tháng 1/2019, Chính Phủ ban hành NQ 02 về Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì đến tháng 4/2019 chúng tôi đã ký kết triển khai thanh toán dịch vụ công cho TP. Đà Nẵng. Tiếp sau đó, là tỉnh Khánh Hòa vào tháng 12/2019. Đặc biệt chúng tôi là Ví điện tử đầu tiên kết nối thanh toán điện tử với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Để chuẩn bị cho năm 2020, MoMo đã xây dựng một bộ giải pháp thanh toán phức hợp, đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán và kết nối của đối tác. Bất kỳ một hình gì, từ đơn giản đến phức tạp đều có thể triển khai kết nối được hết. Thậm chí, ngay cả đối với những đơn vị chưa có hạ tầng thì MoMo cũng đã có sẵn các đối tác có thể cung cấp trọn gói giải pháp giúp triển khai nhanh thanh toán dịch vụ công.
Cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn, chúc ông thật nhiều sức khỏe trong năm mới!
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp