30/08/2020 14:13
Vi khuẩn có trong pate Minh Chay nguy hiểm như thế nào?
Ngộ độc Clostridium botulinum bắt nguồn từ các loại thực phẩm có chứa chất độc của vi khuẩn Clostridium botulinum, đặc biệt là thực phẩm đóng hộp không đảm bảo vệ sinh.
Theo thông báo của Cục An toàn thực phẩm, từ 13/7 đến 18/8, đã có 9 người được xác định bị ngộ độc do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum). Tổng cộng đã có 9 ca bệnh phải điều trị tại các bệnh viện, trong đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 2 ca, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) 5 ca và Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM 2 ca.
Pate Minh Chay bị cảnh báo chứa vi khuẩn có độc tố mạnh, người tiêu dùng không sử dụng. Ảnh: Cục ATTP |
Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum typ B. Đây là một loại ngộ độc thực phẩm hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nên mọi người cần cảnh giác.
Tất cả các bác sĩ, các chuyên gia thực phẩm, bất cứ ai cũng kinh hãi khi nói tới vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố của nó là botulinum.
Vậy botulinum là gì và gât nguy hiểm đến sức khỏe của con người như thế nào?
Ngộ độc Clostridium Botulinum
Theo chia sẻ của BS. Trần Văn Phúc trên mạng xã hội Facebook, trong Thế chiến II, độc tố botulinum được ưu tiên số 1 để nghiên cứu sản xuất vũ khí hóa sinh học, nếu không kịp thời ngăn chặn chỉ cần 7kg có thể giết chết 7 tỉ người trên toàn thế giới hiện nay. Do sự nguy hiểm kinh khủng mà Botulinum là ông vua của tất cả các chất độc.
Ngộ độc Clostridium botulinum là bệnh gây ra do độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Botulinum (có công thức phân tử là C6760) là một protein và là một độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra, nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, rồi ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.
Clostridium botulinum sản xuất ra bảy loại độc tố (có tên khoa học từ A đến G). Nhiễm độc ở người loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến loại E và F, 4 loại còn lại ít gặp hơn.
Clostridium Botulinum là vi khuẩn yếm khí bắt buộc (anaerobic), chúng chỉ sống & phát triển trong môi trường không có oxy. Loại vi khuẩn này có thể tạo bào tử (trạng thái tiềm sinh, dạng ngủ), ở trạng thái này chúng có khả năng chống chịu tốt để tồn tại trong những điều kiện không thuận lợi cho chúng như nhiệt độ cao, môi trường có nhiều oxy…
Nguyên nhân gây ngộ độc Clostridium botulinum
Ngộ độc Clostridium botulinum bắt nguồn từ các loại thực phẩm có chứa chất độc của vi khuẩn Clostridium botulinum. Bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum tồn tại rộng rãi trong môi trường của chúng ta như đất, nước sông, nước biển,… nhưng khi ở trong điều kiện thiếu oxy và phù hợp chúng sẽ nảy mầm, phát triển và sau đó tiết chất độc. Do vậy, loại ngộ độc này thường xảy ra khi người ta ăn những thực phẩm đóng hộp mà trong quá trình chế biến đã không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ngộ độc Clostridium Botulinum thường xảy ra khi người ta ăn những thực phẩm đóng hộp không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. |
Ngoài ra, bệnh có thể gây ra bởi vi khuẩn xâm nhập từ một vết thương nhỏ mà bạn không nhận thấy. Vi khuẩn sau đó sẽ phát triển và tạo ra độc tố. Đây là trường hợp chủ yếu xảy ra ở những người đã sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm độc do ăn bào tử vi khuẩn trong đất khi chơi ngoài trời. Bào tử có thể phát triển trong ruột và tạo ra độc tố.
Nhiễm độc có thể xảy ra một cách tự nhiên do hậu quả của vết thương hoặc nhiễm đường ruột hoặc do ăn chất độc được tạo thành trước trong thực phẩm.
Triệu chứng khi ngộ độc Clostridium botulinum
Khi ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn clostridium botulinum, điều kiện thông khí trong ruột của con người không tốt, độ axit tương đối nhỏ, đó là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và phát triển gây ngộ độc.
Hầu hết các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện từ 12-36 giờ sau khi ăn. Khoảng 5-10% ngộ độc thịt gây tử vong. Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày ruột khác, nhưng lượng độc tố ít thì triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.
Một bệnh nhân 14 tuổi bị ngộ độc thịt. Khi đó, các cơ mắt bị yếu và sụp mí mắt trong hình trái, đồng tử nở rộng và không chuyển động ở hình phải và bệnh nhân này vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Ảnh: Wikipedia |
Biểu hiện rõ nhất là tổn thương liên quan đến mắt (nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng). Biểu hiện các cơ hàm mặt (liệt mặt, rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ).
Nặng hơn nữa, các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Đầu tiên là không nhấc đầu lên được. Sau đó không đứng hay ngồi dậy được. Nặng lên có biểu hiện liệt toàn thân, với trương lực cơ toàn thân giảm, tắc ruột cơ năng. Giai đoạn cuối là khó thở, rối loạn nhịp thở, tử vong ở giai đoạn này từ 30-60% do suy hô hấp.
Theo thông tin từ BS. Đinh Thị Mai Hồng, ngộ độc Clostridium botulinum có triệu chứng tương tự với các tình trạng ngộ độc khác, do đó chẩn đoán thường khó và có thể bị nhầm lẫn. Bạn sẽ cần phải được thực hiện một vài xét nghiệm trong phòng thí nghiệm chuyên biệt trước khi đi đến kết luận.
Cách phòng ngừa ngộ độc
Có tính độc tố mạnh đến vậy, nhưng botulinum không chịu được nhiệt, nếu đun ở 100⁰C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đun đến 10 phút có thể bị phá hủy. Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi nhiệt độ xấp xỉ 100⁰C, nên đồ ăn tươi nấu chín về cơ bản là yên tâm. Nhưng cách tốt nhất để tiêu các bào tử của chúng việc xử lý nhiệt độ cao hơn cần được thực hiện như ở nhiệt độ 121°C đối với các bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Hồng Vũ trên báo VOV, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm việc “thực hành tốt” (good practice) trong chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong quá trình đun nóng/tiệt trùng và vệ sinh cần được thực hiện một cách nghiêm túc.
Phần lớn các trường hợp liên quan đến thực phẩm đóng hộp, đặc biệt là rau. Vì vậy, hãy cẩn thận trong việc chế biến và bảo quản thực phẩm.
Hãy cẩn thận khi cho trẻ ăn mật ong. Nhiều trường hợp ngộ độc đã xảy ra do trẻ em ăn mật ong bị ô nhiễm.
Giữ vết thương sạch sẽ, chăm sóc vết thương thích hợp và không sử dụng thuốc gây nghiện để giúp giảm nguy cơ ngộ độc liên quan đến vết thương.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp