Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Chính sách - Hạ tầng

16/08/2020 07:19

Trung bình mỗi phút có một người chết vì COVID-19, đó là tốc độ nghẹt thở khiến các nước phải chạy đua để sản xuất vaccine càng sớm càng tốt.

4 năm, theo CNN, đó là khoảng thời gian mà một loại vaccine nhanh nhất từng được phát triển. Trong khi đó theo thông thường, hầu hết đều phải mất từ 10 đến 15 năm.

Nhưng, hiện, các nhà khoa học đang chạy đua để tạo nên điều kỳ diệu với khoảng thời gian chưa đầy một năm.

Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang làm việc để phát triển loại vaccine phòng COVID-19 bằng cách kết hợp các kỹ thuật đã có và công nghệ mới. Số tiền tài trợ cho việc nghiên cứu vaccine cũng lớn hơn bao giờ hết, nó trị giá hàng tỷ USD và đến từ từ khắp nơi trên thế giới.

Mỹ, Trung Quốc và châu Âu được xem là đã đầu tư nhiều nhất.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Các nhà khoa học đang hy vọng sẽ tạo ra loại vaccine ngừa COVID-19 để ngăn chặn sự lây lan của loại virus chết người này vào đầu năm 2021. Và đó là lý do mà quá trình này đang được gia tăng tốc độ.

Để một loại vaccine được đưa vào sử dụng phải trả qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn nghiên cứu và phát triển ban đầu phải được diễn ra sau một loạt các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng (bao gồm ba giai đoạn). Thông thường mỗi bước có thể mất hai năm hoặc lâu hơn.

Thế nhưng, trong cuộc đua để ngăn chặn COVID-19, một số bước trong số đó đang được kết hợp hoặc bỏ qua hoàn toàn.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Hầu hết vaccine là “ứng cử viên” trong các thử nghiệm trên người đều có sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, Châu Âu hoặc Trung Quốc. Một số chuyên gia tin rằng các cơ quan quản lý ở một trong những quốc gia đó sẽ là người đầu tiên phê duyệt một loại vaccine an toàn và hiệu quả.

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ là công ty đầu tiên trên thế giới bắt đầu thử nghiệm trên người vào ngày 16/3, chỉ hai tháng sau khi các trình tự gen của SARS-CoV-2 được xác định.

Hiện có sáu vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người (giai đoạn 3) trước khi họ xin phê duyệt: 3 loại từ Trung Quốc, trong đó 2 loại do công ty nhà nước Sinopharm phát triển và một loại từ công ty tư nhân Sinovac Biotech.

1 loại từ Anh, được sản xuất với sự hợp tác giữa Đại học Oxford và AstraZeneca.

2 loại từ Mỹ, một của hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer, cùng với một “ứng cử viên” của Moderna.

Theo Giáo sư Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner tại Đại học Oxford, để đạt được giai đoạn cuối của thử nghiệm chỉ sau 6 tháng kể từ khi phát hiện ra gen của virus là rất nhanh, thông thường sẽ mất ít nhất 6 năm.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Trong một nỗ lực để có được vaccine càng sớm càng tốt, một số quốc gia đang đẩy mạnh các loại vaccine trước khi hiệu quả của chúng được chứng minh trong các thử nghiệm giai đoạn 3.

Trung Quốc đã làm điều đó. Chính phủ nước này đã phê duyệt một loại vaccine thử nghiệm dành cho quân đội sử dụng vào cuối tháng 6/2020.

Mới đây nhất, Nga đã chào hàng một loại vaccine mới bất chấp những lo ngại của phương Tây rằng các quy trình phát triển đã bị cắt giảm. 

Theo đó, vào ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố đăng ký loại vaccine mang tên Sputnik V, vaccine đầu tiên trên thế giới được phép sử dụng công khai. Tuy nhiên, Nga chưa công bố dữ liệu khoa học về quá trình thử nghiệm của mình, và vaccine đã được phê duyệt một ngày trước khi bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3, bước cuối cùng và quan trọng nhất trong quá trình này.

“Tôi hy vọng rằng người Nga đã thực sự chứng minh được rằng vaccine an toàn và hiệu quả. Tôi thực sự nghi ngờ về điều đó”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ chia sẻ trên ABC News.

Khi người Mỹ nghe thông báo từ các nước như Nga hay Trung Quốc về việc phát triển vaccine, Tiến sĩ Fauci nói rằng họ nên nhớ Mỹ có các tiêu chuẩn rất khác nhau. “Kiểu đẩy nhanh tiến độ” theo lời của ông Fauci, sẽ không xảy ra ở Mỹ hoặc châu Âu, nơi các cơ quan quản lý yêu cầu bổ sung đầy đủ các thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả.

AstraZeneca cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ một số nước, bao gồm Mỹ và Anh cùng các tổ chức khác để sản xuất ít nhất 2 tỷ liều vaccine, với những đợt giao hàng đầu tiên bắt đầu từ tháng 9.

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Tiên tiến Y sinh (BARDA), một chi nhánh của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, đang bơm hàng tỷ USD vào các công ty để tăng cường phát triển và sản xuất vaccine, bao gồm cả AstraZeneca. Cơ quan này cũng đã ký hợp đồng đặt hàng với Novavax, Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna và Sanofi,…

Tốc độ sản xuất quá nhanh cũng là một trong những lý do khiến nhiều người dân cảnh giác với việc tiêm chủng. Một cuộc thăm dò gần đây của CNN cho thấy chỉ 66% người Mỹ sẽ tiêm vaccine COVID-19 nếu một loại vaccine này được sản xuất thành công.

  Một người biểu tình cầm biển phản đối tiêm chủng tại California. Ảnh: Getty

Một người biểu tình cầm biển phản đối tiêm chủng tại California. Ảnh: Getty

Và, ngay cả khi tất cả mọi người đều tiêm vaccine, không chắc chắn nó sẽ có hiệu quả 100%.

Đã từng có nhiều loại vaccine thậm chí không đạt hiệu quả gần 100%. Ví dụ, vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới RTS, S hoặc Mosquirix, đã được tung ra khắp châu Phi vào năm ngoái, mặc dù chỉ cung cấp 39% khả năng bảo vệ khỏi bệnh sốt rét ở trẻ em từ 5-17 tháng tuổi. Loại vaccine này vẫn được coi là có giá trị ở các nước có tỷ lệ bệnh cao khi được sử dụng cùng với các biện pháp can thiệp khác.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho rằng, vaccine COVID-19 sẽ phải bảo vệ ít nhất 50% số người được tiêm chủng mới được coi là hiệu quả. Người ta cho rằng mức độ này có thể giúp ngăn chặn sự lây lan, đặc biệt là khi kết hợp với các biện pháp điều trị và phòng ngừa khác.

Một số chuyên gia tin rằng virus sẽ không bao giờ thực sự biến mất, và thay vào đó nó có thể trở thành một bệnh điển hình, tương tự như cúm. Heidi Tworek, một chuyên gia truyền thông sức khỏe tại Đại học British Columbia, cho biết: “Có một sự thật là, chúng ta chỉ loại trừ được một căn bệnh thông qua vaccine, đó là bệnh đậu mùa và phải mất hàng trăm năm mới làm được điều này”.

Những người khác cho rằng, vaccine COVID-19 vượt qua vạch đích đầu tiên có thể không nhất thiết là loại tốt nhất, và cuối cùng chúng ta có khả năng phải sử dụng nhiều loại vaccine để kiểm soát đại dịch.

Robin Robinson, Giám đốc sáng lập của BARDA, nói với CNN: “Không phải tất cả chúng đều sẽ xuất hiện trên thị trường cùng một lúc. Chúng sẽ ở những thời điểm khác nhau và số lượng khác nhau”.

Chưa kể, ngành tiêm chủng trên thế giới cũng đang bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng dược phẩm. Ví dụ, trên thế giới có không đủ lọ thủy tinh cho vaccine, các nhà máy chiết xuất và đóng gói vaccine cũng chưa chắc đủ năng lực kham nổi số lượng vaccine khủng mà thị trường đang cần.

Nhưng các quốc gia đã chi tiền không hề nhỏ để lấp đầy khoảng trống. Mỹ đã phân bổ hơn 1,5 tỷ USD cho sản xuất và phân phối trong nước, để đảm bảo vaccine có thể được sản xuất theo quy mô lớn.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Việc gấp rút đảm bảo nguồn cung cũng đang làm gia tăng các vấn đề địa chính trị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến khích các nước hợp tác để đảm bảo quyền tiếp cận vaccine trên toàn cầu được công bằng. Nhưng một số chuyên gia tin rằng, lợi ích quốc gia sẽ được đặt trên hết.

Robinson cho biết một tiền lệ đã được đặt ra trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, mà CDC ước tính đã giết chết khoảng 575.000 người trên toàn thế giới. Theo WHO và các chuyên gia y tế công cộng, khi có vaccine, các quốc gia giàu có hơn đã mua hết nguồn cung cấp, khiến các quốc gia nghèo hơn bị tụt lại phía sau .

Robinson giải thích: “Nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới xuất khẩu vaccine cho đến khi nhu cầu của họ được đáp ứng”.

May mắn thay, chủng H1N1 có tác động nhẹ hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia. Ngay cả người già cũng khả năng miễn dịch với nó khá tốt. Do đó, vaccine không đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch.

Nhưng COVID-19 lại là một “kẻ thù” rất khác lạ, và không có dấu hiệu suy giảm một cách tự nhiên.

Với hy vọng tránh lặp lại những gì đã xảy ra vào năm 2009, WHO đã ra mắt dự án đối tác toàn cầu mang tên “Access to COVID-19 Tools (ACT) Accelerator” vào ngày 24/4. Trong đó, các quốc gia đồng ý đảm bảo “tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận vào tất cả các công cụ để ngăn chặn, phát hiện, điều trị và đánh bại COVID-19”.

Thế nhưng Mỹ và Trung Quốc đã không ký nó. Chỉ hơn một tháng sau, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi WHO.

  Phát biểu từ Vườn hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với WHO. Ảnh: Getty

Phát biểu từ Vườn hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với WHO. Ảnh: Getty

Và trong một tín hiệu đáng lo ngại khác, vào cuối tháng 6, chính phủ liên bang Mỹ đã mua gần như tất cả nguồn cung cấp remdesivir trên toàn cầu cho đến tháng 9. Đây lf loại thuốc đầu tiên được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị các trường hợp nghiêm trọng của COVID-19.

Người ta lo ngại rằng kịch bản tương tự sẽ bị lặp lại trong việc phân phối các phương pháp điều trị và vaccine trong tương lai.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Chính phủ Mỹ đã áp dụng triệt để phương châm “nước Mỹ trên hết” để tìm kiếm vaccine. Chiến dịch Warp Speed là một nỗ lực lớn được đưa ra vào ngày 15/5 với mục đích cung cấp 300 triệu liều thuốc “an toàn, hiệu quả” vào tháng 1/2021 cho người dân nước này.

Chiến dịch đã chọn ra 8 “ứng cử viên” hứa hẹn nhất và tăng tốc cho chúng. Việc này được hỗ trợ bởi toàn bộ sức mạnh của bộ máy chính phủ Mỹ, từ sản xuất tại các cơ sở liên bang đến phân phối bởi Bộ Quốc phòng.

Hơn 12,3 tỷ USD đã được dành riêng cho các nỗ lực tạo ra vaccine, gồm 10,8 tỷ USD cho phát triển và mua sắm vaccine cùng 1,5 tỷ USD cho sản xuất và phân phối.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Như một phần của các hợp đồng này, Mỹ đã đồng ý đầu tư vào việc sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine để khi chúng được chấp thuận, nó sẽ được mở rộng phân phối và đảm bảo cho riêng thị trường Mỹ.

Mỹ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 với hơn 166.000 ca tử vong, gần bằng 1/4 số ca toàn cầu. Điều này khiến nỗ lực bảo đảm có được vaccine phải cấp bách hơn bao giờ hết.

Nhưng trong quá trình đảm bảo các thỏa thuận, Mỹ đã khuấy động căng thẳng chính trị ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu. Sanofi, gã khổng lồ dược phẩm của Pháp, nhận được 30 triệu USD tài trợ ban đầu từ BARDA. Giám đốc điều hành của hãng, cho biết Mỹ sẽ là nước đầu tiên mua được vaccine của họ.

Đề xuất đã gặp phải phản ứng dữ dội. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng vaccine COVID-19 phải “tốt cho thế giới và không nên tuân theo quy luật thị trường”. 

Sanofi sau đó đáp rằng các câu nói của CEO của họ đã bị “hiểu lầm”.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Ủy ban châu Âu đã bắt đầu các chương trình tài trợ rộng rãi cho nghiên cứu và phát triển vaccine vào đầu thời kỳ bùng phát dịch hồi tháng 1 và đã chi (hoặc cam kết chi) 350 triệu euro (412 triệu USD) cho đến nay.

Theo chương trình nghiên cứu và đổi mới, được gọi là “Horizon 2020” với sự giúp đỡ tài chính từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, các khoản vay cũng được thiết lập để hỗ trợ các dự án phát triển vaccine COVID-19.

Là một phần của khoản tài trợ đó, EU đã cho công ty công nghệ sinh học Curevac của Đức vay 75 triệu euro (88 triệu USD) và 100 triệu euro (117 triệu USD) cho BioNTech, một công ty khác của Đức. Cả hai đều có vaccine đang trong quá trình thử nghiệm trên người.

EU cũng đã bắt đầu nghĩ đến việc mua sắm vaccine trong tương lai. Khối này cam kết sử dụng một phần đáng kể trong quỹ khẩn cấp trị giá 2,7 tỷ euro (3,2 tỷ USD) để mua liều lượng lớn vaccine cho tất cả các thành viên EU và trợ cấp chi phí cho các nhà phát triển để đổi lấy liều lượng lớn.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Trên thực tế, Ủy ban châu Âu đang tham gia một canh bạc khi đặt hàng trước vaccine trong tương lai, thậm chí đồng ý trả trước chi phí sản xuất, để đổi lấy quyền mua với số lượng lớn và giá cụ thể khi nó được chấp thuận. Cách này không khác với cách tiếp cận của Mỹ.

Sanofi là một trong những ứng cử viên đầu tiên tham gia. Vào tháng 7, tập đoàn đa quốc gia của Pháp đã bắt đầu thảo luận về một hợp đồng với Ủy ban châu Âu. Hãng này sẽ cung cấp 300 triệu liều vaccine cho tất cả các nước thành viên EU.

Cho đến nay, EU đã ủng hộ việc mua ít nhất 6 loại vaccine ngừa COVID-19.

  Tổng thống Emmanuel Macron tới thăm đơn vị sản xuất vaccine của nhà sản xuất Sanofi Pasteur. Ảnh: AFP

Tổng thống Emmanuel Macron tới thăm đơn vị sản xuất vaccine của nhà sản xuất Sanofi Pasteur. Ảnh: AFP

Có lẽ là ví dụ điển hình nhất về thế giới hậu Brexit, Vương quốc Anh lại vắng mặt đáng kể trong các kế hoạch của EU. Nước này đã chọn không tham gia chương trình vaccine của EU vào tháng 7, với lý do lo ngại về sự chậm trễ chi phí.

Thay vào đó, chính phủ Anh đã tự mình đảm bảo an toàn bằng cách đặt cọc trước 380 triệu liều vaccine từ nhiều nhà phát triển, bao gồm Oxford-AstraZeneca, BioNTech-Pfizer, Valneva, Imperial và Sanofi-GSK .

Đầu tư của Anh vào nghiên cứu vaccine đã cho thấy các nỗ lực lớn của đảo quốc này. Vào tháng 5, Anh đã công bố 84 triệu bảng Anh (109 triệu USD) tiền tài trợ của chính phủ cho các nhóm nghiên cứu vaccine tại Đại học Oxford và Đại học Hoàng gia London. Phần lớn số tiền tài trợ, 65,5 triệu bảng Anh (85,5 triệu USD) sẽ dành cho nhóm Oxford.

Vaccine Oxford được xem là một trong những công trình nghiên cứu đáng được mong đợi nhất, cũng đã nhận được đầu tư từ EU và Mỹ. Nhưng chính phủ Anh đã bảo đảm quyền tiếp cận sớm khoảng 100 triệu liều vaccine bắt đầu từ tháng 9.

Liên minh Vaccine Toàn diện của Châu Âu (IVA), đứng đầu là Pháp, Đức, Ý và Hà Lan, đã đạt được thỏa thuận lên tới 400 triệu liều, giao hàng từ cuối năm 2020 cho các nước tham gia.

Hoa Kỳ đã thực hiện một thỏa thuận tương tự với AstraZeneca cho 300 triệu liều vaccine, giao hàng vào đầu tháng 10.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Nếu Mỹ và châu Âu chỉ đơn thuần ám chỉ rằng họ sẽ ưu tiên người của nước mình tiêm vaccine trước, thì Trung Quốc đã không giấu giếm kế hoạch thực hiện chính xác điều đó.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Đại hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO, vào tháng 5 rằng Bắc Kinh sẽ giúp cung cấp vaccine trên toàn cầu, nhưng chỉ sau khi nó được triển khai ở Trung Quốc.

Các quan chức y tế Mỹ cho biết Mỹ, G7, EU và ACT Accelerator đang hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển vaccine, nhưng không có mặt Trung Quốc. “Tôi tin rằng họ chỉ đang làm việc của riêng họ”, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar, nhận định.

Trung Quốc có lịch sử chuyên môn về vaccine ngắn hơn so với Mỹ và châu Âu, nhưng họ có quy mô sản xuất ngang bằng. Nước này là nhà sản xuất và tiêu thụ vaccine lớn nhất thế giới. Trung Quốc có thể cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine hàng năm từ 40 nhà sản xuất trên toàn quốc, theo Báo cáo ngành vaccine cho người giai đoạn 2018-2022.

  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá tiến độ nghiên cứu vaccine  và kháng thể trong chuyến thăm của ông tới Học viện Khoa học Quân y ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá tiến độ nghiên cứu vaccine  và kháng thể trong chuyến thăm của ông tới Học viện Khoa học Quân y ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua

Trong số 29 loại vaccine đang được thử nghiệm ở người trên toàn cầu, 9 loại đến từ Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. 3/6 vaccine đang trong các thử nghiệm giai đoạn cuối, được phát triển bởi công ty Sinovac và Sinopharm.

Chủ tịch của Sinopharm đã nói với truyền thông Trung Quốc rằng, họ có thể cho ra mắt một loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế phương Tây đã bày tỏ lo ngại về tính an toàn của vaccine phòng COVID-19 của Trung Quốc, do các vụ bê bối vaccine trong quá khứ. Nhưng Bắc Kinh quyết tâm bác bỏ điều này.

Một báo cáo của chính phủ vào tháng 6 cho biết, các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc đang hợp tác với các đối tác quốc tế, các tổ chức y tế và chuyên gia để đảm bảo tính minh bạch về các nỗ lực phát triển vaccine của họ. Phía Trung Quốc cũng khẳng định rằng, mặc dù việc nghiên cứu và phát triển vaccine đã được tăng tốc đáng kể, Bắc Kinh vẫn tuân thủ các nguyên tắc an toàn.

Vén màn cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ USD

Nhưng câu hỏi vẫn là: Liệu các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới có thể mua đủ vaccine cho người dân của họ hay không, khi các nghiên cứu trên thành công? Và liệu các quốc gia nghèo hơn có một lần nữa bị bỏ lại phía sau?

Chính mối quan tâm này đã thúc đẩy Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi, Liên minh vaccine, kêu gọi một hiệp định quốc tế để đảm bảo các nước nghèo hơn được tiếp cận với vaccine chống COVID-19.

Theo Berkley, cơ hội tốt nhất để có được vaccine là áp dụng phương pháp hợp tác đã được sử dụng trong cuộc chạy đua tìm vaccine Ebola. Đó là một quy trình bắt đầu trong phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Canada, được chuyển giao cho một công ty công nghệ sinh học của Mỹ, sau đó là một công ty đa quốc gia của Mỹ, và cuối cùng là một công ty sản xuất của Đức.

  Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm kiểm tra lọ thuốc thử, trước khi thực hiện các xét nghiệm vaccine tại phòng thí nghiệm của Sanofi ở Pháp. Ảnh: AFP

Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm kiểm tra lọ thuốc thử, trước khi thực hiện các xét nghiệm vaccine tại phòng thí nghiệm của Sanofi ở Pháp. Ảnh: AFP

Ông nói thêm: “Một phòng thí nghiệm ở một quốc gia hoặc tập hợp các nhà khoa học hoặc một số công ty nhất định, sẽ không cung cấp loại vaccine tốt nhất và chắc chắn nó sẽ không thể phân phối cho tất cả mọi người”.

Thế giới cũng đã ghi nhận một số dấu hiệu hợp tác quốc tế đầy hứa hẹn. Ngoài sáng kiến ACT Accelerator của WHO, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI), một tổ chức phi lợi nhuận do Quỹ Bill & Melinda Gates đồng sáng lập, nhằm tài trợ cho việc phát triển vaccine chống lại các bệnh mới nổi, đã rót vốn vào nhiều nghiên cứu vaccine với mục tiêu rõ ràng là đáp ứng “nhu cầu toàn cầu về vaccine càng nhanh càng tốt”.

Những nỗ lực đó, kết hợp với những nỗ lực từ các tổ chức như Gavi và Sáng kiến vaccine phòng chống AIDS quốc tế, sẽ có thể cung cấp vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả cho tất cả những ai cần có.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement