Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Về tay người Thái, vì sao cổ phiếu nhựa Bình Minh mất gần nửa thị giá?

Chứng khoán

19/06/2018 08:22

Cổ phiếu BMP của Công ty Nhựa Bình Minh được xem là cổ phiếu vua của ngành nhựa nhưng hiện tại, BMP đã mất nửa thị giá so với một năm trước.

Nắm quyền chi phối

Ngày hôm nay, 18/6 đến ngày 16/7/2018, tổ chức The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd sẽ mua thêm hơn 1,17 triệu cổ phiếu BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh. Đây là động thái mới nhất của người Thái trong việc thu gom cổ phiếu BMP.

Hiện tại, The Nawaplastic đang sở hữu hơn 43,35 triệu cổ phiếu BMP tương ứng 52,96% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Nhựa Bình Minh. Nếu giao dịch thành công The Nawaplastic nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BMP lên 54,39%. Như vậy, The Nawaplastic sẽ hoàn toàn nắm quyền chi phối công ty nhựa đầu ngành của Việt Nam và biến BMP trở thành công ty con của doanh nghiệp đến từ Thái Lan.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của BMP.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của BMP.

Trước đó, từ 14/5 đến ngày 12/6/2018 The Nawaplastic mua được gần 1,7 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 2,86 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó. Nguyên nhân không thực hiện được hết lượng cổ phiếu mong muốn do không phù hợp giá mục tiêu. 

The Nawaplastic Industries là một thành viên của Tập đoàn SCG, Thái Lan. The Nawaplastic cũng là đơn vị đã trúng thầu mua toàn bộ hơn 24,13 triệu cổ phiếu BMP do SCIC sở hữu. Trước khi tham gia chào bán cạnh tranh, Nawaplastic Industries là cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP tương ứng 20,4% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Nhựa Bình Minh. 

Để mua được 24,13 triệu cổ phiếu BMP, The Nawaplastic đã chi ra hơn 2.300 tỷ đồng. Ngoài Nhựa Bình Minh, SCG cũng là cổ đông chính của Lọc hóa dầu Long Sơn và nắm quyền kiểm soát công ty gạch Prime Group, Công ty Xi măng StarCemt, Bao bì Tín Thành...

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Nhựa Bình Minh diễn ra sáng ngày 20/4, người Thái đã bước chân vào Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh.

Theo đó, Nawa Plastic Industries đề cử 2 nhân sự là ông Sakchai Patiparnpreechavud (nguyên Giám đốc công ty SCG Plastic) và ông Sumphan Luveeraphan (Giám đốc NPI). Ngoài ra còn có ông Wisit Rechaipichitgool cũng là người liên quan đến NPI.

Ngay tại đại hội, cổ đông đã đòi hỏi thông điệp của người Thái đối với BMP? Đại diện The Nawaplastic cho biết, The Nawaplastic là đơn vị thuộc Tập đoàn SCG và không phải là nhà đầu tư tài chính. Nawa đầu tư để quản trị doanh nghiệp và sẽ tìm kiếm các giải pháp giúp các công ty sản xuất kinh doanh hiệu quả. Chắc chắn The Nawaplastic hỗ trợ đội ngũ hiện tại bằng các thế mạnh hiện có của Tập đoàn SCG.

Theo lãnh đạo Nhựa Bình Minh, tỷ trọng công ty con của The Nawaplastic đang cung ứng 50% nguyên liệu cho BMP, về giá cả đảm bảo rất cạnh tranh. Ngoài ra, BMP không còn giao dịch khác với Nawa. 

Thị giá của BMP liên tục đi xuống trong 1 năm nay.
Thị giá của BMP liên tục đi xuống trong 1 năm nay.

Hiện tại, lãnh đạo cao nhất của BMP là ông Sakchai Patiparnpreechavud với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, được bổ nhiệm ngày 24/4/2018. Ông Sakchai Patiparnpreechavud từng là Giám đốc điều hành Công ty MEHR Petrochemical, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SCG Plastics thuộc Tập đoàn SCG.

Ngoài ra, trong bộ máy lãnh đạo của Nhựa Bình Minh còn có 3 người Thái khác là ông Sumpham Luveeraphan (thành viên Hội đồng quản trị), ông Wisit Rechaipichitgool (thành viên Hội đồng quản trị) và ông Praween Wirotpan (thành viên Ban kiểm soát). Tổng giám đốc của Nhựa Bình Minh hiện tại là ông Nguyễn Hoàng Ngân. Hai Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Thanh Quan.  

Toan tính của người Thái

Cũng tại đại hội cổ đông 2017, BMP đã báo cáo cổ đông kết quả kinh doanh năm 2017 với doanh thu đạt 4.056 tỷ đồng, tăng 10% nhưng lợi nhuân trước thuế và lãi ròng giảm 25%, xuống lần lượt 583 tỷ đồng và 465 tỷ đồng do giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng tăng cao.

Kế hoạch năm 2018, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu doanh thu 4.300 tỷ đồng, tăng 6% so với 2017. Lợi nhuận trước thuế ước tăng 3%, đạt 600 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến tối thiểu 20% và ngân sách dành cho đầu tư khoảng 380 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của BMP trong quý I năm nay cũng không mấy khả quan. Cụ thể, quý I năm 2018, BMP chỉ đạt 663 tỷ đồng doanh thu, bằng 80% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng, bằng 85% so với quý I năm 2017. 

Theo Nhựa Bình Minh, nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của BMP sụt giảm là quý I có tháng Tết. Là sản phẩm ngành xây dựng nên doanh thu thấp là bình thường. Trong quý II, công ty sẽ nỗ lực để đạt kế hoạch cao, bù đắp cho phần sụt giảm của quý I. 

Cụ thể, doanh thu quý II cần tăng so với cùng kỳ 20%, đạt 1.210 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 8%, ước đạt 170 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, BMP kỳ vọng sẽ đạt được doanh thu 1.860 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 275 tỷ đồng, tương ứng 43% và 44% kế hoạch cả năm.

Nhiều nhà đầu tư băn khoăn, kể từ khi về tay người Thái, tại kết quả kinh doanh lẫn thị giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh lại sụt giảm thê thảm đến vậy. Doanh thu và lợi nhuận thì đã rõ, còn cổ phiếu BMP lại mất một nửa thị giá là câu chuyện rất đáng bàn.

Từ một cổ phiếu âm thầm đi lên chậm nhưng chắc trong suổt nhiều năm, cổ phiếu BMP đã bứt phá mạnh mẽ trong năm 2017 cùng với tin SCIC sẽ thoái vốn Nhà nước. Trên HOSE, mức giá kỷ lục mà BMP thiết lập là 109.840 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/3/2017. Một năm trước, vào ngày 13/6/2017, BMP đang có thị giá 103.400 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, kể từ khi người Thái chi tiền thâu tóm và biến Nhựa Bình Minh trở thành công ty con, thị giá cổ phiếu BMP liên tục lao dốc. Vào ngày 7/5/2018, thị giá của BMP đã mất đi hơn một nửa khi chỉ còn 49/240 đồng/cổ phiếu. Còn chốt phiên giao dịch ngày 18/6, BMP đang ở mức 61.800 đồng/cổ phiếu.

Câu hỏi đặt ra là, người Thái đang toan tính điều gì ở Nhựa Bình Minh? Chỉ có điều, đi liền với thị giá cổ phiếu BMP lao dốc, kết quả kinh doanh kém khả quan là liên tục những lần The Nawaplastic đang ký gom cổ phiếu của BMP.

Người Thái đã nắm quyền chi phối và đưa người vào lãnh đạo Nhựa Bình Minh.
Người Thái đã nắm quyền chi phối và đưa người vào lãnh đạo Nhựa Bình Minh.

Điều đáng nói thời gian gần đây, mỗi lần đăng ký The Nawaplastic mua đều không mua đủ số cổ phiếu mong muốn do giá không phù hợp mục tiêu. Ngay sau khi kết thúc mỗi đợt The Nawaplastic lại tiếp tục đăng ký mua tiếp đợt sau.

Cụ thể, từ ngày 18/6 đến ngày 16/7/2018, The Nawaplastic sẽ mua thêm hơn 1,17 triệu cổ phiếu BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh là động thái mới nhất. Còn trước đó, vào ngày 14/5/2018, The Nawaplastic đăng ký mua 2,86 triệu cổ phiếu BMP nhưng chỉ mua được hơn 2,1 triệu cổ phiếu. Vào ngày 4/4/2018, The Nawaplastic đăng ký mua 818.609 cổ phiếu BMP thì chỉ mua được 185.970 cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, phải chăng The Nawaplastic của người Thái đang cố tình kinh doanh bết bát, đẩy thị giá cổ phiếu BMP xuống thấp rồi gom cổ phần. Khi đã toàn quyền điều hành Nhựa Bình Minh, The Nawaplastic sẽ đẩy thị giá BMP lên cao.

Tiền thân của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh được thành lập năm 1977. Khi đó, Công ty Ống nhựa Hóa học Việt Nam và Công ty Nhựa Kiều Tinh được sáp nhập lấy tên là Nhà máy Công tư Hợp doanh Nhựa Bình Minh, trực thuộc Tổng công ty Công nghệ phẩm của Bộ Công nghiệp nhẹ.

Sản phẩm chủ yếu trong giai đoạn này là các sản phẩm gia dụng kế thừa từ đơn vị cũ. Ngày 2/1/2004, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh chính thức hoạt động với tên giao dịch là Bình Minh Plastics Joint-Stock Company, viết tắt là BMPLASCO.

Ngày 11/7/2006 chính thức giao dịch trên Thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán BMP. Ngày 19/3/2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã bán 24.139.923 cổ phiếu BMP cho The Nawaplastic. Kể từ đây, Nhựa Bình Minh chính thức thuộc về tay người Thái.

Câu hỏi được đặt ra, cách người Thái đang điều hành Nhựa Bình Minh liệu có giống như CocaCola, Cholimex, Bông Bạch Tuyết, nước ngọt Chương Dương… làm cho thua lỗ, định giá công ty rẻ mạt rồi thâu tóm?

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement