22/07/2020 13:46
Vay online: Tiền thật, hồ sơ "dỏm" và khách hàng chết đứng
Liên tục nhận được cuộc gọi thông báo nợ tiền Công ty tài chính cùng những tờ giấy đòi nợ dán trước cửa nhà, thậm chí cả lời đe dọa "xử lý" nếu không trả tiền, một số khách hàng bất đắc dĩ mới tá hỏa ra rằng giấy tờ tùy thân và thông tin cá nhân của mình đã bị kẻ gian lợi dụng để vay tiền online bất hợp pháp.
Nợ từ trên trời rơi xuống
Bắt đầu từ tháng 10/2019, những cuộc gọi liên tục thông báo nợ từ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC - Thương hiệu FE CREDIT) đã gây phiền toái cho anh HH (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng như người thân trong gia đình.
"Tôi khẳng định chưa ký bất kỳ hợp đồng vay vốn nào tại Công ty này, nhưng nhân viên thu hồi nợ nói đó là một hợp đồng online, vay qua app (ứng dụng di động) nên không cần chữ ký", anh HH kể lại.
Theo bản hợp đồng online, anh HH vay 35 triệu đồng từ FE CREDIT. Trong hợp đồng còn có ảnh chụp 2 mặt chứng minh nhân dân (CMND) và cả ảnh chân dung của anh HH.
Nghi có kẻ gian lợi dụng giấy tờ và thông tin cá nhân của mình để vay vốn, anh HH lập tức phản ánh vụ việc đến FE CREDIT và được nhân viên Công ty hướng dẫn các bước xin xác nhận và tra soát từ ngân hàng thụ hưởng để chứng minh tài khoản nhận tiền giải ngân không phải của anh.
Mặc dù đã làm theo hướng dẫn và cung cấp đầy đủ giấy tờ xác minh, nhưng bất ngờ đến tháng 2/2020, anh HH và gia đình lại nhận được tờ giấy đòi nợ dán trước cửa nhà. Không biết sự việc còn tiếp diễn như thế nào, anh tiếp tục khiếu nại và nhiều lần làm việc trực tiếp với đại diện FE CREDIT để làm sáng tỏ sự việc.
"Ngày 4/5, nhân viên phòng an ninh Công ty tới nhà làm việc. Anh nhân viên này xác nhận tôi bị lấy cắp thông tin, hứa hẹn sẽ xóa nợ xấu và không làm phiền tới gia đình nữa", anh HH cho hay.
Giấy đòi nợ dán trước cửa nhà anh HH. Ảnh: TTXVN. |
Những tưởng mọi việc dừng lại tại đó, nhưng đến ngày 7/7, anh HH lại bất ngờ nhận được cuộc gọi từ nhân viên FE CREDIT thông báo rằng kết quả điều tra bên phòng an ninh cho thấy anh vẫn phải trả số nợ 35 triệu đồng.
Chỉ tới giữa tháng 7/2020, khi vợ anh do quá lo sợ về việc bị đòi nợ liên tục và khả năng phải sinh non, nhập viện cấp cứu, FE CREDIT mới đề nghị anh HH lên làm việc và ký biên bản hủy khoản nợ trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra; đồng thời cam kết anh HH và người thân không bị nhân viên thu hồi nợ làm phiền nữa.
Kém may mắn hơn anh HH, chị NA (quận Đống Đa, Hà Nội) đã ròng rã khiếu nại gần một năm rưỡi qua về khoản nợ từ trên trời rơi xuống, nhưng đến nay nợ xấu vẫn treo lơ lửng khiến chị không thể vay vốn tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào.
Cụ thể, tháng 2/2019, chị NA đã làm đơn khiếu nại lên FE CREDIT về việc bị giả mạo giấy tờ để vay 40 triệu đồng từ Công ty này. Đơn khiếu nại của chị nêu rõ, tôi chưa bao giờ làm việc hay ký bất kỳ một giấy tờ gì để vay vốn, thậm chí còn chưa từng nghĩ đến việc vay vốn tại FE CREDIT.
Tuy nhiên, Công ty này lại cung cấp bằng chứng là bản hợp đồng vay vốn với thông tin đầy đủ về tên tuổi, địa chỉ theo CMND. Có lẽ chẳng có gì vô lý nếu như trong bản hợp đồng đó, ngoài những thông tin nêu trên thì toàn bộ ảnh, chữ ký và các thông tin khác đều không phải của chị NA.
"Sự việc được khiếu nại nhiều lần, nhưng không đạt được kết quả gì do FE CREDIT dựa vào một số thông tin cơ bản trong hợp đồng khớp với CMND của tôi. Thậm chí tôi đã đưa ra cơ quan Công an quận Đống Đa, song không được thụ lý", chị NA chia sẻ.
Mặc dù chị NA hiện không còn bị làm phiền bởi những cuộc gọi đòi nợ, nhưng khoản nợ xấu kia vẫn tồn tại và gây nhiều phiền toái cho vị khách hàng bất đắc dĩ này.
Hồ sơ "rởm" vẫn được giải ngân
Trong vụ việc của anh HH, điểm mấu chốt nằm ở chính số CMND trên bản hợp đồng online. Theo đó, hợp đồng được ký vào tháng 10/2019 với các thông tin theo CMND của anh HH được cấp năm 2006.
Nhưng đây cũng chính là CMND đã bị cắt góc từ tháng 7/2019 và có xác nhận của cơ quan Công an do thời điểm đó anh HH đi làm mới thẻ Căn cước công dân (CCCD).
Trao đổi với anh HH, biết được tháng 4/2019, anh đặt mua sim 4G cho công ty tại Cellphone S (Hệ thống bán lẻ điện thoại di động và các thiết bị điện tử). Khi giao hàng, nhân viên Cellphone S xin chụp lại gương mặt và CMND để đăng ký sim. Và bức ảnh chụp vội đó cũng chính là bức ảnh nằm trong hợp đồng online vay 35 triệu đồng của FE CREDIT.
"Sau khi nhìn thấy hình ảnh trong hợp đồng, tôi đã nhận ra đó chính là bức ảnh được nhân viên Cellphone S chụp khi giao sim 4G nhờ vào chiếc áo đồng phục và tấm biển hiệu cửa hàng phía sau lưng", anh HH khẳng định.
Thêm nữa, tài khoản nhận thụ hưởng số tiền 35 triệu đồng kia cũng được đăng ký bằng chính CMND cũ của anh HH. Tài khoản này được một công ty tại Hà Nội đăng ký ở ngân hàng V. dưới danh nghĩa là tài khoản nhận lương của nhân viên công ty. Đối chiếu chữ ký chủ thẻ trong hồ sơ ngân hàng không phải là chữ ký của anh HH.
Vấn đề đặt ra lúc này là thông tin cá nhân của anh HH bị rò rỉ từ đâu. Quy trình thẩm định hồ sơ vay vốn tại FE CREDIT được thực hiện ra sao mà những bộ hồ sơ "rởm" như vậy lại có thể bị lọt và giải ngân. Ngân hàng có vai trò ra sao trong các vụ việc này khi kẻ gian dễ dàng đăng ký mở tài khoản với giấy tờ tùy thân không chính chủ?
Tìm hiểu về app cho vay online của FE CREDIT, nhân viên tổng đài Công ty cho biết, thay vì phải đi đến tận nhà khách hàng để thẩm định hồ sơ vay vốn như trước kia thì nay vay tiền online qua app, người vay chỉ cần chụp đầy đủ 2 mặt CMND/CCCD hoặc hộ chiếu cùng với ảnh chân dung là đủ hồ sơ để xét duyệt. Hồ sơ này cũng sẽ được app duyệt rất nhanh và giải ngân sau một thời gian ngắn nếu đủ điều kiện vay vốn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc thẩm định hồ sơ vay vốn lỏng lẻo có nguy cơ làm gia tăng nợ xấu, khó thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, thậm chí mất cả vốn lẫn lãi. Hơn nữa, khi vay vốn tại các định chế tổ chức không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chính thức hoạt động tín dụng, người đi vay dễ bị áp dụng các điều khoản bất lợi như lãi suất cao và đối mặt với sức ép bị thu hồi nợ, rò rỉ dữ liệu cá nhân sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw cho biết: "Trong khi những ứng dụng hay website cho vay online, môi giới tín dụng... đang nở rộ, hoạt động như nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng thì chúng ta chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về chức năng, hoạt động của chúng nên rất khó cho cơ quan chức năng khi xử lý"
Do đó, ông Hà đề xuất sớm ban hành quy định liên quan đến hoạt động của các công ty tài chính công nghệ (Fintech), gồm cả các mô hình app cho vay online để mô hình này hoạt động đúng pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi tiếp cận các kênh cho vay online bởi dù điều kiện cho vay khá dễ dàng, nhưng nếu chậm trả nợ, nhiều biện pháp thu hồi nợ theo kiểu "luật rừng" sẽ được thực hiện như gọi điện cho người thân, quấy rối, bôi nhọ trên mạng xã hội... Đặc biệt, người đi vay cần lưu ý mức lãi suất để tránh rơi vào bẫy tín dụng đen với lãi cao cắt cổ. TTXVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
(Nguồn: TTXVN)
Chủ đề liên quan
Advertisement