22/07/2020 18:18
Vàng lên đỉnh 53 triệu đồng/lượng, nếu mua từ đầu năm mỗi lượng sẽ lời bao nhiêu?
Nếu mua vàng vào đầu năm với mức giá hơn 42 triệu đồng/lượng, bán ra vào hôm nay (22/7), người mua đã chốt lời chục triệu đồng sau chưa đầy 7 tháng.
Sau khi chính thức chạm mốc 53 triệu đồng/lượng trưa nay (22/7), chốt ngày, giá vàng miếng SJC trong nước vẫn đang neo ở mức gần 53,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Với mức giá này, vàng trong nước đang thiết lập vùng giá cao nhất mọi thời đại, xô ngã các kỷ lục thời gian qua.
Vàng tăng chục triệu đồng mỗi lượng từ đầu năm đến nay
Từ đầu năm đến nay, đây không phải là lần đầu tiên giá vàng trong nước “lên đồng”.
Đầu năm, giá vàng miếng SJC trong nước giao dịch ở vùng 42 triệu đồng/lượng. Đến cuối tháng 2, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và bắt đầu bùng phát tại một số nước trên thế giới khiến giá kim loại quý tại thị trường quốc tế tăng nhanh, kéo theo giá vàng trong nước bốc đầu tăng vọt.
Giá vàng lên đỉnh 53 triệu, mua đầu năm đến nay lời cả chục triệu đồng mỗi lượng. Ảnh: Nguyên Phương. |
Hôm 24/2, giá vàng miếng SJC tăng 3 triệu đồng chỉ sau một đêm, đưa giá bán ra cuối ngày chạm mốc 49 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mốc đỉnh này không giữ được lâu, vàng nhanh chóng rớt xuống quanh vùng 45-46 triệu đồng/lượng.
Giữa tháng 5, tình hình COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát, xu hướng ngày càng phức tạp hơn tại Mỹ và các nước châu Âu đã lần nữa kéo giá vàng trong nước quay lại vùng lịch sử 49 triệu đồng/lượng và chạm mốc bán ra 49,45 triệu đồng/lượng.
Mất gần 2 tháng giao dịch dưới mức giá này, chốt phiên giao dịch ngày 6/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chính thức điều chỉnh tăng thêm giá bán ra, đưa vàng miếng SJC lần đầu tiên vượt mốc 50 triệu đồng/lượng, cụ thể là 50,02 triệu đồng/lượng.
Mốc 50 triệu đồng/lượng là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay của giá vàng trong nước, bởi kỷ lục từng đạt được trước đó là năm 2011, khi giá vàng lên 49,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, hôm nay (22/7), một lần nữa, giá vàng tiếp tục xô ngã kỷ lục mốc 50 triệu đồng vừa thiết lập chỉ cách đây nửa tháng.
Chốt phiên giao dịch, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn còn giữ ở mốc hơn 53 triệu đồng mỗi lượng. Cụ thể, giá bán ra là 53,05 triệu đồng/lượng, mua vào 52,1 triệu/lượng, chênh lệch mua bán giãn rộng gần cả triệu đồng.
So với giá chốt phiên giao dịch chiều qua, mỗi lượng vàng miếng bán ra tại doanh nghiệp này tăng đến 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu so với giá đầu ngày, mỗi lượng vàng tăng tới hơn 2 triệu chỉ sau hơn 24h, tương đương tăng tới 4%. So với PNJ, Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn cũng là doanh nghiệp đang niêm yết giá bán trên 53 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC trong nước hiện cao hơn thời điểm đầu năm cả chục triệu đồng mỗi lượng, tương đương mức tăng gần 24%. Nếu mua vàng vào đầu năm với giá hơn 42 triệu đồng/lượng, bán ra vào hôm nay, người mua đã chốt lời được tròn 10 triệu đồng sau chưa đầy 7 tháng.
Thị trường vàng đang ra sao?
Giá vàng đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay, chạm mốc 53 triệu đồng/lượng tuy nhiên, thị trường vẫn không mấy sôi động như đợt lên “cơn sốt” hồi tháng 2.
Tranh thủ giá vàng lên đỉnh, nhiều người bán chốt lời. Ảnh: Nguyên Phương. |
Ghi nhận cho thấy, thời điểm này, người dân có xu hướng bán vàng để chốt lời nhiều hơn mua. Tuy nhiên, các giao dịch chỉ diễn ra nhất định tại một số khu vực hoặc thương hiệu, cửa hàng, đại lí lớn.
Đơn cử, tại quận Bình Thạnh (TP HCM), từ chiều qua, 21/7 đến hôm nay, nhiều người đã đến tiệm vàng Mi Hồng nằm cạnh chợ Bà Chiểu để bán vàng chốt lời. Bên trong tiệm vàng này, số lượng người mua hầu như rất ít, đa số chỉ bán vàng.
“Tôi mua vàng hồi tháng 3, lúc đó, giá vàng vừa hạ xuống 46 triệu từ mức 49 triệu đồng/lượng. Trưa nay, tham khảo giá, thấy bán ra cũng được 52 triệu đồng/lượng, tức lời gần 6 triệu đồng. Tính ra mới hơn 3 tháng nhưng lời gần 6 triệu đồng, mức lãi này là rất cao rồi nên tôi bán luôn, không thôi lại rớt giá”, bà Thảo (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết.
Tuy nhiên, những tiệm vàng trong bán kính 1-2 km xung Mi Hồng đều rất vắng lặng, mặc các bảng điện tử vẫn đang niêm yết giá mua vào - bán ra cao chót vót.
Tương tự, hôm nay, tại trung tâm của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (quận 1, TP HCM) lượng người đến bán vàng sôi động hơn so với thường khi. Tuy nhiên, các giao dịch diễn ra nhanh chóng, không xảy ra cảnh xếp hàng dài chờ bốc số.
Ngược lại, các cửa hàng khác của PNJ và Doji khu vực quận 1, quận Bình Thạnh cũng không sôi động.
“Mua vàng ở thời điểm này thì chắc chắn tôi sẽ không mua, mức giá đang rất cao. Thông thường, sau khi lên đỉnh, giá vàng sẽ khó trụ được lâu, nhiều khi chỉ ngày mai là giảm mạnh ngay. Tôi đang phân vân có nên bán hay không, bởi nếu chốt lời, muốn mua tiếp để chờ giá lên trong tình hình này cũng khá nguy hiểm”, bà Tân (ngụ quận 3) nói.
Bà cho biết đang có gần chục lượng vàng và khá băn khoăn nên quyết định chia nhỏ, bán một nửa để chốt lời rồi tính tiếp.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cho biết sức bán nhỉnh hơn so với mua. Tuy nhiên, người dân vẫn đang có tâm lý thận trọng, số lượng vàng bán chốt lời không nhiều như dự đoán. Vị này cho rằng, người dân vẫn tiếp tục có tâm lý chờ đợi trong tình hình hiện nay.
Giá vàng có tiếp tục tăng?
Giá vàng trong nước tăng mạnh theo diễn biến của giá vàng thế giới. Hôm nay, giá vàng giao ngay trên thế giới lúc đỉnh chạm 1.865 USD/ounce, mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện giá vàng giao ngay trên sàn Kitco giảm về 1.855 USD/ounce, đây cũng mức giá rất cao của kim loại quý.
So với phiên liền trước, giá hiện tại tăng gần 40 USD/ounce và là mức tăng mạnh nhất trong một phiên kể từ đầu năm.
Nhiều chuyên gia dự báo, vàng năm nay có thể lên 2.000 USD/ounce. Ảnh: Nguyên Phương. |
COVID-19 là nguyên nhân khiến giá vàng liên tục “lên đồng” từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, số người nhiễm tại Mỹ tăng mạnh, vượt hơn 4 triệu ca và số người tử vong lên gần 145.000. Toàn cầu, số ca nhiễm mới lên 15,084 triệu người và số tử vong tăng lên 618.477 người.
Số ca nhiễm mới và tử vong ngày càng tăng, tình hình tại nhiều nước vẫn phức tạp, chưa có vaccines điều trị và lệnh phong tỏa kéo dài càng đẩy tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư lên cao. Họ dự báo tình hình phục hồi kinh tế của Mỹ, châu Âu và một số nước lớn khác sẽ khó khăn và chậm hơn dự tính. Tâm lý lo ngại, trong khi vàng là kênh đầu tư an toàn nên các nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý.
Thực tế ngay từ đầu năm nay, khi COVID-19 xuất hiện, nhiều tổ chức, ngân hàng thế giới đã dự báo giá vàng năm nay có thể lên 1.800-1.900 USD/ounce và không loại trừ việc chính thức chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Trước tình hình bất định do COVID-19, nhiều nền kinh tế lớn chưa thể phục hồi, chính trị nhiều biến động… các chuyên gia cho rằng giá vàng thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng, kéo theo mức tăng của giá vàng trong nước.
Thực tế, thời gian qua, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới sau khi quy đổi, cao hơn từ vài trăm nghìn đồng/lượng, thậm chí nhiều thời điểm lên đến cả triệu đồng. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng trong nước có thể sẽ tiếp tục biến động, đầu cơ hoặc đầu tư giai đoạn này cần phải hết sức thận trọng.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement