02/04/2024 07:00
Vàng giả, lừa đảo đầu tư gia tăng khắp nơi ở Trung Quốc
Hoạt động mua vàng đã tăng vọt ở Trung Quốc trong những năm gần đây, khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy yếu và khủng hoảng tài sản đang diễn ra. Tuy nhiên, một số vụ lừa đảo liên quan đến vàng đã được báo cáo, bao gồm các sản phẩm có chứa bạc và rheni.
Thị trường chứng khoán yếu kém của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra đã xóa sạch sự giàu có của tầng lớp trung lưu chủ chốt, đồng thời với số vụ lừa đảo liên quan đến vàng ngày càng tăng trong bối cảnh người dân quan tâm mạnh mẽ đến kim loại quý này như một khoản đầu tư thay thế.
Hoạt động mua vàng đã tăng vọt ở Trung Quốc trong những năm gần đây trong bối cảnh kinh tế nói chung đang suy thoái, cùng với lãi suất thấp từ các sản phẩm quản lý tài sản và khả năng tiếp cận đầu tư nước ngoài bị hạn chế.
"Vàng chắc chắn đã đắt, nhưng nó có thể tiếp tục tăng hoặc ít nhất là giữ được giá trị, trong khi chúng ta đã mất tiền đáng kể vào nhà cửa, cổ phiếu cũng như hầu hết các sản phẩm tài chính của mình và có thể tiếp tục giảm giá". Nhân viên bán hàng có trụ sở tại Quảng Châu, Wendy Liu, đã nói với một khách hàng vào tuần trước.
Theo National Business Daily, cuối tháng 3, chi nhánh một thương hiệu vàng nổi tiếng ở Bắc Kinh đã bị kiện vì nghi ngờ lừa đảo hơn 70 nhà đầu tư tổng cộng 60 kg vàng. Vụ án đang được tiếp tục điều tra.
Một số nạn nhân cho biết họ đã đầu tư vào những thỏi vàng có giá khoảng 350 nhân dân tệ/gram (1,2 triệu đồng) từ năm 2016 và cam kết trong tương lai sẽ mua lại số vàng này hoặc nhà đầu tư có thể rút vàng khi đến hạn.
Giá bán lẻ của trang sức vàng ở Trung Quốc đã lên tới hơn 700 nhân dân tệ/gram (2,4 triệu đồng). Tuy nhiên, cửa hàng ở trung tâm Bắc Kinh đã đóng cửa, khiến các nhà đầu tư không thể lấy lại những thỏi vàng của mình.
Ở các tỉnh khác, nhiều nạn nhân cũng khiếu nại với chính quyền địa phương rằng đồ trang sức bằng vàng họ mua dù trực tiếp hay qua cửa hàng trực tuyến đều chứa một lượng lớn bạc và rheni.
Trong vụ việc khác xảy ra ở thành phố Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc), một người đã mua 45 gram vàng, nhưng thực tế chỉ chứa 10 gram vàng nguyên chất, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
Trái ngược với các nhà đầu tư ở châu Âu và Mỹ đang bán vàng thì việc mua vào đang diễn ra ở các nước đang phát triển, điển hình là Trung Quốc với chính sách hỗ trợ giá vàng.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, lượng tiêu thụ trang sức vàng nội địa của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 282 tỷ nhân dân tệ (hơn 967.000 tỷ đồng) vào năm 2023, dự kiến nhu cầu sẽ vẫn mạnh mẽ trong năm 2024.
Theo Sách trắng về tầng lớp trung lưu mới do hãng tin Wu Xiaobo, công ty truyền thông tài chính độc lập có liên hệ với nhà báo kinh tế và tài chính nổi tiếng, khoảng 11,7% các gia đình trung lưu Trung Quốc coi vàng là sản phẩm tài chính chủ chốt của họ vào năm ngoái.
Báo cáo "Thị trường bán lẻ trang sức Trung Quốc năm 2023" của Hội đồng Vàng Thế giới chỉ ra rằng, các sản phẩm nhẹ hơn 10 gram hoặc có giá trị dưới 2.000 nhân dân tệ đóng góp nhiều nhất vào doanh số bán lẻ, với thế hệ trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng mua vàng để bảo toàn giá trị.
Bên cạnh đó, 58,52% thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1996 đến 2010) ở Trung Quốc cũng có kế hoạch mua vàng vì tin rằng vàng không bị mất giá.
Fred Qiu, giám đốc phát triển của một thương hiệu trang sức tập trung vào thị trường phía đông Trung Quốc, cho biết các cửa hàng vàng mới mọc lên ở các trung tâm mua sắm và phố thương mại ở các thành phố hạng nhất cho đến cấp thấp hơn, cũng như ở các quận kém giàu có hơn.
"Giá bán lẻ của trang sức vàng trên thị trường Trung Quốc đã tăng vọt trong năm qua, nhưng tâm lý người tiêu dùng hiện nay vẫn mua vào nhiều hơn vì trong suy nghĩ của họ, rủi ro khi mua vàng thấp hơn so với bất động sản trong nước và thị trường chứng khoán", ông nói.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement