Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vẫn tìm cách bán SIM rác

Tình trạng kinh doanh SIM rác tuy có giảm nhiều so với trước đây nhưng một số cửa hàng vẫn tìm cách bán SIM qua mạng và giao hàng tận nhà. Việc sử dụng SIM để gửi tin nhắn rác vẫn tràn lan và một số dịch vụ nhắn tin rác vẫn săn lùng các loại SIM đã kích hoạt, không cần đăng ký thông tin thuê bao.

Siết chặt quản lý thuê bao trả trước

Ngày 24-4-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được ra đời nhằm siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng kinh doanh SIM rác, thuê bao ảo.

Theo quy định mới, việc kinh doanh SIM di động chỉ được cung cấp cho cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các điểm kinh doanh này phải tiến hành kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, lưu giữ các loại giấy tờ của khách hàng tới mua SIM, đăng ký thuê bao. Nghị định này cũng yêu cầu chủ thuê bao có thông tin thuê bao chưa chính xác phải đăng ký lại thông tin. Các cá nhân đăng ký thuê bao trả trước từ thuê bao thứ tư trở lên phải ký hợp đồng theo mẫu với nhà mạng; các thuê bao có thông tin không đúng quy định sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều.

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP cũng đưa ra mức phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi bán SIM di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền; hoặc kinh doanh các loại SIM đã nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.

Xuất phát từ quy định mới này, các nhà mạng tăng cường rà soát các thuê bao trả trước có thông tin thuê bao (số CMND, địa chỉ…) không chính xác để loại bỏ thuê bao đang sử dụng SIM rác. Vừa qua, một số thuê bao di động đã bị cắt một chiều gọi đi do chưa kịp khai báo lại thông tin.

Theo bà Mai Châu, nhà ở quận 1, TPHCM, số điện thoại trả trước VinaPhone của bà bỗng dưng không thể gọi đi, khi kiểm tra lại với tổng đài mới biết rằng do tên đường Yersin trong hợp đồng thiếu chữ BS (bác sĩ Yersin trong CMND) và hình ảnh trong bản sao CMND là ảnh trắng đen. Sau đó, bà Châu phải mang CMND gốc lên đăng ký lại thì số điện thoại mới được phục hồi.

Còn ông Nguyễn Dũng, một thuê bao trả trước MobiFone ở quận 2, cho biết ông đăng ký nhiều SIM trả trước khác nhau, trong đó có một số điện thoại bị yêu cầu phải đăng ký thông tin thuê bao trở lại. Các yêu cầu này thường gửi qua tin nhắn và nếu như ông không đọc được tin nhắn này thì nhà mạng khóa hai chiều, sau 30 ngày thì thu hồi số. “Điều này rất bất tiện vì đâu phải lúc nào tôi cũng đọc tin nhắn từ các nhà mạng, thường là tin nhắn quảng cáo dịch vụ”, ông Dũng nói.

Trước đó, theo thông tin từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thì các SIM thuộc diện nghi ngờ (thuê bao ảo, SIM rác…) sẽ được xác định thông qua quá trình quét trên hệ thống của nhà mạng và phát hiện các dấu hiệu bất thường. Sau khi hệ thống nhắn tin kiểm tra thông tin thuê bao, nếu chủ thuê bao không phản hồi hoặc không đi khai báo lại thông tin sẽ bị xếp vào danh sách thuê bao phải khóa SIM và hướng tới thu hồi.

SIM kích hoạt sẵn vẫn còn bán

Theo trang web của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới đầu tháng 3-2017 thì tổng cộng số lượng SIM kích hoạt sẵn của 5 nhà mạng đã lên tới 19 triệu chiếc, đợt thu hồi SIM mới nhất có số lượng gần 2 triệu chiếc (chưa sàng lọc). Ở đợt đầu năm nay, Viettel có số lượng SIM bị khóa nhiều nhất, sau đó tới MobiFone và VinaPhone.

Tuy nhiên, SIM kích hoạt sẵn vẫn được bán ở một số cửa hàng điện thoại, kinh doanh SIM, thẻ cào… với giá cao hơn so với trước. Thay vì bán SIM kích hoạt sẵn công khai, các cửa hàng bắt đầu chuyển qua hình thức bán SIM trả trước qua mạng, họ quảng cáo các loại SIM đã kích hoạt trước thông qua các diễn đàn, mạng xã hội.

Ngoài ra, một số cửa hàng kinh doanh thẻ cào cho biết đang bán hai loại SIM di động, gồm SIM buộc phải đăng ký (phải đưa CMND) và SIM không cần đăng ký (kích hoạt sẵn). Hầu hết SIM không có tiền trong tài khoản như trước đây; tài khoản chính là 0 đồng. Người mua sẽ phải đưa CMND để người bán chụp hình, đăng ký thông tin thuê bao; nếu chỉ cung cấp số CMND và họ tên thì các cửa hàng cũng không đồng ý bán SIM điện thoại.

Tình trạng kinh doanh SIM rác, SIM kích hoạt sẵn tuy có giảm nhưng thực sự việc bán SIM đã kích hoạt vẫn còn diễn ra. Nhiều người vẫn mua loại SIM dùng vài lần rồi bỏ, vì thế các cửa hàng kinh doanh thẻ cào, SIM số lại tiếp tục kinh doanh SIM rác.

Kiểm tra thuê bao trả trước

Đối với các số điện thoại di động có thông tin thuê bao không chính xác (thuộc diện nghi ngờ), các nhà mạng sẽ phải thông báo liên tục cho khách hàng trong vòng ít nhất là 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu khách hàng ký lại hợp đồng theo mẫu. Nếu như khách hàng không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, sau đó tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu vẫn không thực hiện.

CHÍ THỊNH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement