22/03/2021 18:51
Vấn nạn karaoke tại Việt Nam lên báo nước ngoài
Tờ WAtoday đưa tin, TP.HCM, thành phố lớn nhất Việt Nam, đưa ra các đề xuất để giải quyết vấn nạn "đau khổ vì karaoke", giảm nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn.
Ông Nguyễn Văn Ba sống gần Bùi Viện, con đường chính sầm uất của khu Tây ba lô ở TP.HCM. “Họ chơi nhạc rất lớn. Nó bắt đầu ồn ào từ 8 giờ tối hoặc 9 giờ tối cho đến sáng sớm”, người đàn ông 73 tuổi nói với The Sydney Morning Herald và The Age.
“Thật là tốt khi tôi sống trong một con hẻm sâu nên tôi chỉ nghe thấy tiếng ồn khi đi ra ngoài. Nhưng nhiều người sống trên con phố này đã quá phiền vì tiếng ồn, nên họ đã quyết định bán nhà và bỏ đi”, ông Ba nói.
Phạt 100.000 - 300.000 đồng cho hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn
Việc ngăn chặn COVID-19 là mục tiêu hàng đầu của các quan chức y tế ở TP.HCM. Và tiếng ồn cũng được xem là một vấn nạn không nhỏ. Chính quyền thành phố TP.HCM đã lên kế hoạch giảm đáng kể ô nhiễm tiếng ồn trên toàn thành phố 9 triệu dân.
Là một trong những con phố ồn ào nhất cả nước, Bùi Viện đương nhiên sẽ lọt vào tầm ngắm của các quan chức thành phố. Ngoài ra, việc ô nhiễm tiếng ồn ở vùng ngoại ô cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Karaoke là một thú tiêu khiển được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, những lời phàn nàn về việc người đam mê karaoke hò hét trong nhà với micrô không dây và loa di động trên đường phố, ngày càng gia tăng.
Tháng 2/2021, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phải lên tiếng về vấn nạn này. Ông cho rằng, người dân làm việc vất vả cả ngày thì “không thể chấp nhận được việc họ về nhà chỉ để bị hành hạ bởi tiếng ồn như vậy”.
Đối với những người thường bị "tra tấn" bởi tiếng ồn, âm thanh của những bữa tiệc với những ca sĩ nghiệp dư khiến phần còn lại của khu phố phải lắng nghe giọng hát của họ, không phải là trò đùa. Nó cũng có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Ví dụ điển hình cho điều này là một sự việc xảy ra vào tháng 11 ở thủ đô Hà Nội. Một người dân cảm thấy quá bức xúc khi người hàng xóm liên tục phớt lờ lời nhắc nhở của mình về tiếng hát giữa đêm muộn. Sau đó, anh đã ném nhiều quả bom xăng vào sân nhà của người hàng xóm.
Một sự việc khác xảy ra vào năm 2019 tại Đồng Nai, một "ca sĩ" hát karaoke đã bị đâm chết khi ẩu đả nổ ra, vì anh ấy bị cho là hát quá to.
Bên cạnh đó, các quan chức thành phố cũng đang xem xét đến vấn đề tiếng còi xe máy ở khắp mọi nơi. Họ đã hứa sẽ tăng tiền phạt do gây tiếng ồn quá mức từ ngày 30/6, sau thời gian cảnh báo ban đầu kéo dài ba tháng.
Các quan chức đã chia “những người gây tiếng ồn” thành 4 nhóm: tiệm karaoke và các tụ điểm giải trí quy mô lớn; quán bar, quán nhậu bằng loa di động trong không gian thoáng đãng; nhà có loa đài, dàn karaoke và máy chiếu phim; và bất kỳ hình thức giải trí và quảng cáo chơi nhạc trong không gian mở.
Mức phạt hiện tại từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (tương đương 5,63 USD đến 16,88 USD) cho tiếng ồn được coi là gây rối trật tự công cộng.
Tụ điểm karaoke lao đao về đề xuất mới
Một người thợ sửa đồng hồ ở phố Bùi Viện cho biết: “Những tiếng ồn này đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng tôi. Chúng tôi không thể làm việc, không thể ngủ, không thể tập trung. Con tôi thường bị tỉnh giấc vào giữa đêm và bật khóc vì tiếng ồn quá lớn".
“Tôi nhớ có một lần, ở đây có sự kiện bia Heineken, họ bắt đầu hát và tập từ sáng cho đến chiều. Tôi hoàn toàn không thể chịu đựng được. Tiếng động làm rung chuyển cả con phố”, anh kể.
Đứng trên góc nhìn khác, chủ một tụ điểm karaoke ở đường Sư Vạn Hạnh, TP.HCM hy vọng những phương án mới sẽ không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình.
Ông Tuấn, người điều hành tụ điểm karaoke For You ở Quận 10, TP.HCM, nói: "Theo tôi được biết, phương án đề xuất này chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân hát karaoke hoặc mang loa ngoài đường. Chúng tôi có giấy phép hợp lệ, có nghĩa là khi chúng tôi xây dựng nơi này, chúng tôi đã phải tuân thủ các quy định về cách âm từ chính quyền địa phương”.
Ông nói thêm, mối quan tâm cấp bách hơn đối với chủ sở hữu của nhiều địa điểm karaoke ở Việt Nam là những hạn chế được đặt ra đối với họ trong thời kỳ đại dịch.
Cũng như những quốc gia khác ở Đông Nam Á, Việt Nam đã phải chịu đựng những tác động tồi tệ nhất của COVID-19. Theo đánh giá kết quả hoạt động của gần 100 quốc gia trong việc xử lý COVID-19, Việt Nam xếp thứ hai trên thế giới, hơn Úc sáu bậc và chỉ đứng sau New Zealand.
Với các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, kiểm tra có mục tiêu và một chương trình kiểm dịch lớn do nhà nước điều hành, Việt Nam chỉ có 2.571 trường hợp nhiễm COVID-19 và 35 trường hợp tử vong. Thành công trong việc quản lý đại dịch đã giúp Việt Nam trở thành một trong số ít nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng tích cực vào năm ngoái. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế báo cáo rằng, Việt Nam đã tăng trưởng 2,9% vào năm 2020.
Tuy nhiên, đợt bùng phát COVID-19 ở Hải Dương vào tháng Giêng đã khiến chính phủ phải đóng cửa các dịch vụ thiết yếu trong 6 tuần, khoảng thời gian bao gồm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán". Các quán karaoke chỉ mới được mở cửa trở lại mới đây, vào ngày 19/3.
“Sau khi COVID-19 bùng phát, chúng tôi buộc phải đóng cửa đến tháng 6/2020. Và năm nay, chúng tôi đã đóng cửa từ Tết Nguyên đán đến nay. Vì vậy, tổng cộng, kể từ khi bắt đầu đại dịch, chúng tôi đã ngừng hoạt động được năm tháng rồi", ông Tuấn nói.
Theo anh Nguyễn Quốc Hùng, nhân viên bảo vệ một tiệm thuốc tây trên đường Sư Vạn Hạnh, TP.HCM, khi các quán bar và nhà hàng buộc phải đóng cửa, khu phố trở nên yên ắng hơn nhiều. “Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đề xuất xử lý tiếng ồn. Những doanh nghiệp này, họ không quan tâm đến bất kỳ ai sống quanh đây cả", anh Hùng nói.
Advertisement
Advertisement