01/12/2018 22:05
"Ván cược" CEO Nadella đưa Microsoft vượt mặt Apple về giá trị vốn hóa thị trường
Phiên giao dịch ngày 30/11, cổ phiếu của Microsoft đã tăng 0,64% lên 110,89 USD/cổ phiếu, qua đó đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty này lên 851,2 tỷ USD và cao hơn gần 4 tỷ USD so với Apple.
Trong khi đó, cổ phiếu Apple lại để mất 0,5% xuống 178,58 USD/cổ phiếu, đưa giá trị vốn hóa của công ty này xuống mức 847,4 tỷ USD.
Chỉ vài năm trước đây, triển vọng của “người khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất phần mềm tỏ ra ảm đạm khi nguồn thu từ bán bản quyền hệ thống Windows do Microsoft phát triển tuột dốc cùng lúc với sự sụt giảm mạnh trong doanh số bán máy tính cá nhân (PC).
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành (CEO) Satya Nadella, Microsoft đã tìm lại được sự ổn định bằng cách tập trung vào phát triển phần mềm và dịch vụ qua internet, điện toán đám mây, cũng như các hợp đồng kinh doanh dài hạn.
Có thể nói “đại gia” máy tính của giai đoạn những năm 1990 này hiện đang có một thời kỳ “phục hưng” khi Microsoft đang tỏ ra “sáng giá” hơn hẳn những công ty công nghệ từng “làm mưa làm gió” suốt một thập niên qua như Facebook, Google, Amazon.
Microsoft đã cao hơn gần 4 tỷ USD so với Apple. |
Đứng lên từ suy thoái
Microsoft đã mất đi sức ảnh hưởng khi người tiêu dùng lần lượt từ bỏ PC để chuyển sang điện thoại thông minh. Hồi năm 2013, doanh số bán PC đã giảm 10% xuống còn khoảng 315 triệu chiếc, mức giảm tồi tệ nhất từ trước đến nay theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường Gartner và IDC. Tồi tệ hơn là nỗ lực của Microsoft trong việc đưa hệ điều hành của họ lên điện thoại với dòng Windows phone 8 đã hoàn toàn thất bại.
Nhưng bước ngoặt đã xảy ra khi Microsoft bổ nhiệm ông Nadella vào chức vụ CEO trong năm 2014 thay CEO trước đó là ông Steve Ballmer, người ban đầu đã chế giễu ý tưởng rằng mọi người sẽ sẵn sàng trả 500 USD trở lên cho iPhone của Apple.
“Ván cược” đó đã tỏ ra thành công. Windows bây giờ là chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Microsoft. Trong khi công ty vẫn điều hành các dịch vụ tập trung vào người tiêu dùng đại chúng như dịch vụ tìm kiếm Bing và hệ thống máy chơi điện tử Xbox, Microsoft đã ưu tiên nhắm tới nhóm khách hàng doanh nghiệp hơn với các sản phẩm như dịch vụ email văn phòng cùng những phần mềm làm việc khác, bên cạnh các dịch vụ mới như LinkedIn và Skype.
Nhưng Microsoft ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong lĩnh vực điện toán đám mây, đặc biệt là nền tảng đám mây Azure do chính công ty phát triển. Điện toán đám mây hiện chiếm hơn 25% doanh thu của Microsoft. Nhà phân tích Dan Ives của công ty đầu tư và dịch vụ tài chính tư nhân Wedbush cho biết Azure vẫn còn trong những ngày đầu phát triển, đồng nghĩa là dịch vụ này còn nhiều dư địa cho tăng trưởng nhất khà khi Microsoft có một lượng khách hàng lớn và ổn định đang sử dụng dịch vụ Office cùng các sản phẩm khác của họ.
Bước ngoặt đã xảy ra khi Microsoft bổ nhiệm ông Nadella vào chức vụ CEO trong năm 2014 thay CEO trước đó là ông Steve Ballmer. Ảnh: CNBC |
Khác biệt để tồn tại
Theo các chuyên gia, việc ít phụ thuộc hơn vào nhu cầu tiêu dùng cũng đã giúp bảo vệ Microsoft trước sự biến động trong mùa mua sắm, bên cạnh những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang ảnh hưởng mạnh đến Apple và các công ty công nghệ khác.
Giới quan sát cho rằng cái tên Microsoft được thị trường chú ý một lần nữa phần lớn vì cổ phiếu của Apple đã giảm gần 20% trong tháng 11, trong khi Microsoft đã không có bất kỳ “màn trình diễn” nào tồi tệ hơn so với mặt bằng chung của thị trường chứng khoán. Thực tế, điều này phản ánh sự ổn định của Microsoft khi họ tập trung chủ yếu vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp trong những năm gần đây.
Ông Daniel Morgan, quản lý danh mục đầu tư cao cấp cho công ty tài chính tư nhân Synovus Trust, nhận định Microsoft đang tỏ ra vượt trội so với các đối thủ công nghệ của mình một phần vì bản chất của công ty khác với các đối thủ. Microsoft không phải đối mặt với nhiều quy định giám sát như Google và Facebook – những công ty luôn phải tìm kiếm thêm nhiều quảng cáo để đảm bảo doanh thu nhưng cũng đang "thu hút" dư luận phản đối về hoạt động thu thập dữ liệu người dùng của họ.
Microsoft cũng không giống như Netflix khi họ không phải tìm kiếm và mở rộng số lượng người đăng ký dịch vụ trên thị trường quốc tế (vốn đang có xu hướng đi xuống). Và trong khi Amazon cũng sở hữu một dịch vụ điện toán đám mây khá mạnh, “đại gia” này vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động bán lẻ trực tuyến.
Trong khi đó, Apple đã chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý hồi đầu tháng 11 không lạc quan như kỳ vọng. Trong khi đó, thị trường lo ngại ngành công nghệ sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa như tiến trình tăng lãi suất, thắt chặt các quy định của chính phủ, cùng với cuộc chiến thương mại vẫn chưa “hạ nhiệt” giữa Mỹ với Trung Quốc.
Apple cũng đã khiến các nhà đầu tư bất an với quyết định ngừng thông báo số lượng iPhone bán ra mỗi quý. Động thái đó đã được nhận định như một dấu hiệu cho thấy Apple dự báo doanh số bán của iPhone sẽ tiếp tục giảm trong tương lai và đang cố gắng che giấu điều đó.
Một điều không thể phủ nhận là dù smartphone đã dẫn đến làn sóng thoái trào của PC những năm trước đây, song doanh số bán của chính smartphone cũng đã bị trì trệ. Điều này được cho là do các mẫu điện thoại sau này có ít cải tiến hơn và vòng đời của chúng cũng dài hơn.
Có thể nói, với thành tích cổ phiếu Microsoft đã tăng giá gấp 3 lần trong bốn năm dưới sự lãnh đạo của CEO Satya Nadella, vượt qua Alphabet (công ty mẹ của Google) về giá trị vốn hóa và giờ là Apple, những chuyển đổi chiến lược kinh doanh của “người khổng lồ” công nghệ Mỹ đã tỏ ra đúng đắn. Giờ là lúc họ có thể tự tin với thành quả từ “ván cược” này.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp