Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vaccine Moderna khác Pfizer như thế nào?

Kinh tế thế giới

17/11/2020 11:53

Vaccine COVID-19 của Moderna và Pfizer đều điều chế bằng công nghệ RNA, song khác nhau về giá bán, độ hiệu quả sơ bộ và nhiệt độ bảo quản.

Chỉ trong hai tuần, hai hãng dược lớn của Mỹ là Moderna và Pfizer cùng công bố vaccine COVID-19 đang thử nghiệm có hiệu quả hơn 90%, vượt xa so với mong đợi của công chúng và giới chuyên môn. Kết quả này mang lại niềm hy vọng chấm dứt đại dịch sớm, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn cao cho các vaccine đối thủ như AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Độ hiệu quả của hai vaccine

Ngày 16/11, Moderna thông báo vaccine mRNA-1273 đạt hiệu quả 94,5%, cao hơn so với con số 90% mà Pfizer đưa ra hồi tuần trước. Dữ liệu sơ bộ của hãng cho thấy các tác dụng phụ sau tiêm chủng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, không có lo ngại về an toàn.

Vaccine do hãng dược Moderna và Viện Y tế Quốc gia Mỹ phát triển. Ảnh: AP
Vaccine do hãng dược Moderna và Viện Y tế Quốc gia Mỹ phát triển. Ảnh: AP

Thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine Moderna tiến hành trên 30.000 người, ít hơn khoảng 10.000 người so với thử nghiệm của Pfizer. Tình nguyện viên của hai hãng đều được chia thành hai nhóm, tiêm giả dược và sử dụng vaccine.

Đến nay, 95 người tham gia thử nghiệm vaccine Moderna đã nhiễm nCoV. Trong đó chỉ có 5 trường hợp tiêm vaccine, còn lại dùng giả dược.

Pfizer ghi nhận 94 trong số gần 44.000 tình nguyện viên mắc COVID-19. Song hãng chưa công bố cụ thể số lượng người dùng vaccine và giả dược.

Thử nghiệm của hai hãng đều thực hiện theo phương pháp "mù đôi", có nghĩa các tình nguyện viên và cả nhân viên y tế đều không biết mình đã tiêm, phát vaccine hay giả dược. Đây là tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu khoa học.

Điểm chung của hai loại vaccine

Vaccine của Moderna và Pfizer đều được điều chế dựa trên phương pháp RNA. Đây là công nghệ mới, chưa từng được sử dụng trong quá khứ.

nCoV, giống như nhiều virus corona khác, đặc trưng bởi các gai trên bề mặt. Bề mặt đó có ba loại protein: vỏ, màng và gai, bao bọc một sợi RNA. Phân tử RNA nắm giữ vai trò chỉ dẫn di truyền để tạo nên virus. Virus sẽ xâm nhập vào tế bào và tiếp tục nhân lên.

Về cơ bản, vaccine là chế phẩm tinh khiết của một hoặc nhiều thành phần virus (trong đó có protein) được tiêm vào cơ thể, cung cấp thông tin về "bản mẫu" của virus mà không gây bệnh. Bản mẫu này cho phép hệ miễn dịch làm quen với mầm bệnh và tiêu diệt virus sau này. Tuy nhiên, việc tạo ra protein của nCoV mất nhiều năm.

Kỹ thuật viên của Pfizer đang kiểm tra vaccine tại phòng thí nghiệm ở St. Louis, Mỹ. Ảnh: Reuters
Kỹ thuật viên của Pfizer đang kiểm tra vaccine tại phòng thí nghiệm ở St. Louis, Mỹ. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học tại Moderna và Pfizer đã sử dụng phương pháp thay thế để điều chế vaccine COVID-19 nhanh chưa từng thấy. Thay vì dùng protein của chính virus, các liều tiêm chỉ mang thông tin di truyền (mRNA) vào cơ thể. Vật chủ sau đó tự sản xuất protein và đào tạo hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh.

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là không cần nuôi protein virus tinh khiết, giúp tiết kiệm hàng tháng, hàng năm chuẩn hóa và đẩy mạnh sản xuất. Vaccine đặc biệt phù hợp trong tình hình dịch bệnh leo thang nhanh chóng.

Điểm khác biệt của hai vaccine

Moderna là một phần trong Chiến dịch Thần tốc của chính phủ Mỹ, được đầu tư 955 triệu USD để phát triển sản phẩm. Trong khi đó, Pfizer cho biết không nhận được bất kỳ khoản tài trợ liên bang nào. Song đối tác BioNTech được chính phủ Đức cung cấp 375 triệu euro (444 triệu USD) cho dự án vaccine.

Không đổ tiền cho giai đoạn nghiên cứu, chính phủ Mỹ vẫn ký hợp đồng mua vào số vaccine trị giá gần 2 tỷ USD của Pfizer. Nước này cũng thỏa thuận mua vaccine Moderna với giá 1,53 tỷ USD.

Sau khi được chấp thuận, quá trình phân phối vaccine của hai hãng gặp phải những rào cản khác nhau. Việc lưu trữ rất phức tạp. Vaccine Pfizer phải được bảo quản cực lạnh ở nhiệt độ -70 độ C trước khi sử dụng. Vaccine của Moderna có thể lưu trữ ở mức nhiệt 2-8 độ C (nhiệt độ tủ lạnh) trong vòng 30 ngày. Sản phẩm không cần các thiết bị cấp đông đặc biệt như Pfizer.

Giá bán của hai loại vaccine

Dù thuận lợi trong khâu vận chuyển, giá bán của vaccine Moderna khiến nhiều chuyên gia e ngại. Hồi tháng 7, hãng công bố giá dự kiến cho mỗi liều tiêm hai mũi là 50-60 USD, tức khoảng 25-30 USD một mũi. Giá này sẽ được áp dụng đối với Mỹ và một số quốc gia thu nhập cao mà công ty dự định ưu tiên cung cấp. Mức giá này cao hơn nhiều so với vaccine của Pfizer. Hãng này cam kết bán 19,5 USD một liều vaccine.

Vaccine của Moderna cũng đắt hơn so với hầu hết các đối thủ trên thị trường. Trước đó, hãng dược phẩm và sinh học AstraZeneca, trụ sở Anh, dự kiến mỗi liều vaccine COVID-19 chỉ khoảng 3-4 USD.

"Ứng viên" của hãng cũng đã tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá thuốc hoặc vaccine, bao gồm thời gian điều chế, năng lực sản xuất, quá trình đệ đơn phê duyệt, nhu cầu y tế, sự hiệu quả và sức cạnh tranh. Moderna cho biết, giá vaccine cao đột biến là do quy mô và thời gian của các đơn hàng.

Việc so sánh giá của các loại vaccine COVID-19 hiện khá khó khăn, nhất là khi chúng vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa có bất cứ sự chấp thuận nào từ các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vào tháng 7, cả Moderna và Pfizer đều tỏ rõ lập trường, rằng họ có ý định kiếm lời từ vaccine.

THỤC LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement