25/07/2021 13:51
Ưu tiên hỗ trợ các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 25/7, nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 gắn với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, bảo đảm sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần duy trì, phát triển nền kinh tế - xã hội.
Cân nhắc khi áp dụng cơ chế hậu kiểm với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
Cho ý kiến đối với bốn nhóm vấn đề, trong đó có vấn đề về môi trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh về hậu quả thiên tai, bão lũ và những mất mát không thể tính được bằng vật chất, đó là tính mạng của người dân, về những ảnh hưởng tới môi trường mà hàng trăm năm sau cũng chưa dễ gì khắc phục. Tại kỳ họp này, Chính phủ cũng trình kế hoạch đối với những ngành kinh tế quan trọng, trong đó có thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng; cùng hơn 4.400 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đại biểu cho rằng, đó là điều hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên cũng lưu ý tất cả những kế hoạch, chương trình này ở mức độ khác nhau đều có tác động ít nhiều đến môi trường.
Để giảm thiểu tất cả những tác động tiêu cực, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tất cả những tác động môi trường; đề cao tính thực chất của báo cáo đánh giá tác động môi trường, tránh hời hợt, hình thức; đồng thời cần có cơ chế xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là trong trường hợp để xảy ra thiệt hại, tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên.
Liên quan đến chính sách huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho phát triển đất nước, đại biểu Lưu Mai khẳng định đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn, đã được thể hiện ở nhiều nghị quyết của Đảng và trong tất cả các kế hoạch về trung hạn tại kỳ họp này. Tuy nhiên, theo đại biểu, "từ kế hoạch đến cuộc sống là cả một chặng đường gian nan", nếu như không có những phương án huy động cụ thể và giải pháp mang tính đột phá, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ khó có thể đi vào cuộc sống.
Để gỡ nút thắt cho vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất cần đánh giá lại tính hợp lý của mục tiêu huy động. Theo Báo cáo số 19 của Chính phủ, tới đây dự kiến tổng mức đầu tư vốn ngoài ngân sách khoảng 14 triệu tỷ đồng. Chỉ tính riêng đề án cao tốc với 3.811 km đường bộ, tổng nguồn lực ngoài ngân sách khoảng 69.000 tỷ đồng. Theo đại biểu, đây là những con số rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, do đó cần có một mục tiêu hợp lý, phù hợp với tình hình. Nhìn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận định còn thiếu vắng những giải pháp mang tính đột phá, đồng thời nhấn mạnh cần rà soát để đưa ra những giải pháp, bước đi mới mang tính thuyết phục hơn.
Đề cập tới vấn đề về các gói hỗ trợ trong đại dịch COVID-19 đang rất được cử tri và nhân dân quan tâm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra sự chưa kịp thời trong việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, với kết quả giải ngân thấp trên tổng mức dự kiến. Đối với gói hỗ trợ thứ hai là 26.000 tỷ đồng, đại biểu đánh giá gói này được xây dựng, triển khai “trên tinh thần hết sức thông thoáng”. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý: “Đổi mới là điều hết sức trân trọng nhưng nếu không thận trọng thì chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức” và nêu kiến nghị về việc cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói hỗ trợ.
Theo đại biểu, hiện nay trên thực tế đối với một số lĩnh vực như thuế, hải quan có áp dụng cơ chế hậu kiểm, trong trường hợp kê khai không đúng sẽ truy thu, xuất toán, nhưng đối với gói cứu trợ thì hoàn toàn khác, cần cân nhắc tính hợp lý.
“Bởi khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ và việc xác nhận tính đúng đắn là trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ. Khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên công nhận tính đúng đắn. Mặt khác, chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh của Chính phủ đưa bàn tay để cùng người dân đi qua khó khăn. Do vậy, việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn”, đại biểu nêu ý kiến.
Tại phiên họp chiều 24/7, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp. Đại biểu đồng tình với tính đúng đắn của những nội dung đã được Chính phủ trình Quốc hội, nhất là trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, mặc dù có những điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia như về thẩm quyền điều chỉnh dự toán, về chuyển nguồn, về mua sắm hàng hóa...
Tuy nhiên, theo đại biểu, cần có những biện pháp để đảm bảo tính linh hoạt trong việc thực hiện, với 3 điểm cần phải xác định cụ thể: Phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; khống chế thời hạn nhất định; xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt phải có biện pháp để không xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, trục lợi gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Nhấn mạnh cử tri và nhân dân đang chờ đợi những quyết sách của Chính phủ để đất nước sớm vượt qua dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại ổn định, an toàn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng lưu ý về tầm quan trọng của khâu tổ chức thực hiện và yếu tố con người: “Chúng ta thực sự rất cần những người có phẩm chất, có năng lực trí tuệ để vận hành bộ máy và đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thực hiện thành công tất cả những kế hoạch.”
Đồng tình với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng sự nhất trí cao đối với đề xuất của Chính phủ đưa vào Nghị quyết kỳ họp lần này những nội dung quy định vượt khuôn khổ để tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, tăng cường các nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả để chống chọi dịch bệnh. “Đây có thể coi như một “thượng phương bảo kiếm” mà Quốc hội tin tưởng trao cho “vị tướng” ra trận, với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tin tưởng đất nước sẽ sớm chiến thắng trong cuộc chiến cam go này”, đại biểu bày tỏ.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm và những tác động tiêu cực to lớn của đại dịch COVID-19, cho rằng cần phải khống chế dịch bệnh “càng nhanh càng tốt “; có giải pháp để thúc đẩy, bảo vệ thành quả tăng trưởng nhanh, bền vững. Theo đại biểu, bối cảnh, tình hình dịch COVID-19 hiện nay đòi hỏi phải đẩy nhanh đồng thời cũng mở ra những cơ hội để thực hiện nhiệm vụ này. Mỗi doanh nghiệp phải chủ động thay đổi để thích ứng. Các chuỗi cung ứng cần được sắp xếp lại. Các ngành, lĩnh vực cũng cần được nghiên cứu điều chỉnh lĩnh vực, không gian. Nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy bởi dịch bệnh cũng cần được nắm bắt...
Nhân dịp này, đại biểu Trần Văn Lâm cũng bày tỏ tình cảm, sự biết ơn sâu sắc của cử tri, nhân dân Bắc Giang đối với những chia sẻ, giúp đỡ vô cùng quý báu của nhân dân cả nước cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch... đã giúp Bắc Giang vượt qua làn sóng dịch bệnh trở về trạng thái bình thường mới; đồng thời khẳng định sự chia sẻ, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng tương trợ của Bắc Giang đối với những địa phương đang gồng mình chống chọi với đại dịch.
Đẩy nhanh giải quyết thủ tục, sớm đưa các dự án vào sản xuất kinh doanh
Trong 6 tháng đầu năm 2021, cùng với quá trình chuyển giao bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chúng ta trải qua một giai đoạn gian nan bậc nhất của nền kinh tế suốt trong nhiều thập kỷ qua. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), quá trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức” này đã cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay của Quốc hội, sự nỗ lực của toàn dân, Chính phủ đã khá chủ động, linh hoạt, uyển chuyển trong việc đối phó với dịch COVID-19 để vừa bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch, duy trì được phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời ưu tiên chăm lo sinh mệnh cho dân, nỗ lực bảo vệ sinh kế cho dân. Đây là một mục tiêu kép hệ trọng và đã đạt được kết quả bước đầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục chăm lo củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách thể chế ngay trong bối cảnh khó khăn. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt nhịp độ 5,64 %, chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn là tỷ lệ rất cao so với quốc tế và khu vực. Điểm lại con số này, tuy nhiên đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng nêu thực tế “xấu hơn rất nhiều” về tình hình ở đầu Quý III/2021 và cho rằng đây là điều cần tính toán hết sức cẩn trọng trong kế hoạch phát triển những tháng cuối năm.
Theo đó, căn cứ số liệu của 6 tháng đầu năm cho thấy, có sự phân hóa rất lớn trong sự phát triển của các khu vực trong nền kinh tế. “Trong khi kinh tế đối ngoại phục hồi rất mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn 30% so với năm 2020 thì khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu”, đại biểu nhận định, đồng thời dẫn chứng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng của khu vực nông lâm, ngư nghiệp, trong khi khu vực nông lâm, ngư nghiệp trước nay luôn là khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và dịch vụ bao giờ cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. So với tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ cũng chỉ bằng khoảng một nửa. Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là những tín hiệu rất đáng lo ngại, cho thấy rõ ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19.
Việc tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội rất cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, song cũng khiến các doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó chịu tác động lớn nhất là các doanh nghiệp ở khu vực dịch vụ.
“Trong khu vực dịch vụ, ngoài khu vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các lĩnh vực dịch vụ khác thực sự là những tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần, chết mòn và có nhiều khả năng nhiều doanh nghiệp trong khu vực này không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như chúng ta không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này. Trong thời gian qua, đã có một số biện pháp nhưng thực sự chưa đưa đi vào cuộc sống bao nhiêu”, đại biểu Lộc nêu thực tế.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc chuẩn bị điều kiện, lộ trình để mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân là biện pháp căn cơ. Để vực dậy lĩnh vực dịch vụ, cùng với việc trợ giúp về vốn, tài chính, điều kiện quan trọng nhất là phải áp dụng hộ chiếu vaccine càng sớm càng tốt. “Ở đây không chỉ hiểu là hộ chiếu vaccine cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, mà là hộ chiếu vaccine cho toàn bộ dân Việt Nam. Khi chúng ta có được đủ tỷ lệ dân tiêm đủ hai mũi vaccine, điều đó sẽ là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay trở lại phục hồi”, đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với những định hướng lớn đã và đang được Chính phủ thực hiện, trước hết là đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là ưu tiên các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để có thể vừa bảo vệ được sinh mạng cho dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy các nguồn cung.
Đại biểu cũng đánh giá cao chủ trương đúng đắn của Chính phủ khi quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay và cắt giảm, thu hồi của các bộ, các địa phương làm chưa tốt để bổ sung cho các cơ quan Trung ương, địa phương có tốc độ giải ngân tốt. Đồng thời, trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa trong việc chống lạm phát trong tương lai, đại biểu ghi nhận động thái của Ngân hàng Nhà nước khi thống nhất, đồng thuận với các ngân hàng thương mại trong việc cố gắng giảm được lãi suất, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ được Chính phủ ban hành cũng được đánh giá khá tốt khi cắt giảm được các thủ tục hành chính và có khả năng đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Về các biện pháp cải cách thể chế, đại biểu Vũ Tiến Lộc hoan nghênh Chính phủ đã tập trung rà soát những bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị với Quốc hội và sửa đổi, cũng như đánh giá cao việc Chính phủ thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm thúc đẩy hỗ trợ triển khai các dự án. Đại biểu đề nghị áp dụng sự hỗ trợ này không chỉ với các dự án đầu tư công và các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà với cả những dự án của tư nhân hiện nay đang gặp những trở ngại về thủ tục: “Chúng ta phải hỗ trợ họ để đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục, đưa nhanh các dự án vào sản xuất kinh doanh là biện pháp rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới”, đại biểu đề xuất.
Advertisement
Advertisement