Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

USD và Fed đang “thể hiện mình”

Chứng khoán

24/04/2020 08:55

Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, kinh tế thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào USD và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang thể hiện mình không chỉ là ngân hàng trung ương của riêng nước Mỹ.

Tháng 3/2020, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo khi giới đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi các tài sản rủi ro và tìm nơi trú ẩn.

Trái phiếu chính phủ Mỹ là sự lựa chọn hàng đầu, nhưng trong ngắn hạn, nguồn cung trái phiếu thiếu hụt nên USD cũng trở thành tài sản được săn đón.

Mặt khác, USD đang chiếm tới 70% các giao dịch thương mại thế giới, 90% giao dịch ngoại tệ toàn cầu, hơn 60% tổng dự trữ ngoại tệ mà ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới nắm giữ và đây cũng là đồng tiền tiêu chuẩn trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Khi kinh tế thế giới xuất hiện vấn đề, hoạt động thương mại và thị trường tài chính toàn cầu đối mặt với tình trạng căng thẳng, USD lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Bởi lẽ, hoạt động thương mại và tài chính của một quốc gia có thể ngưng trệ nếu quốc gia đó không còn đủ USD để can thiệp và xoa dịu “cơn khát”.

Ngoài ra, dữ liệu thống kê cho thấy, tín dụng cấp bằng USD cho các tổ chức phi ngân hàng ngoài Mỹ đã tăng từ 9% GDP toàn cầu năm 2007 lên 14% vào năm 2018 và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, tín dụng quốc tế có mệnh giá bằng Euro và Yên Nhật đang dần được thay thế bằng USD. 

Tỷ lệ cấp tín dụng trên GDP toàn cầu cho các tổ chức phi ngân hàng ngoài Mỹ.
Tỷ lệ cấp tín dụng trên GDP toàn cầu cho các tổ chức phi ngân hàng ngoài Mỹ.

Như vậy, thị trường tài chính toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc hơn vào USD và khi sự căng thẳng xuất hiện trên thị trường, các ngân hàng trung ương có thể cần đến Fed với vai trò “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương”.

Nhiều quan điểm cho rằng, chức năng quan trọng nhất của một ngân hàng trung ương không phải là kiểm soát cung tiền, ổn định tỷ giá, hay in tiền, mà là vai trò người cho vay cuối cùng khi hệ thống gặp áp lực.

Một cuộc khủng hoảng có nhiều nguyên nhân cốt lõi, nhưng tình cảnh chung là khởi đầu bằng sự suy kiệt thanh khoản và rút vốn ồ ạt. Các ngân hàng trung ương bắt buộc phải can thiệp bằng cách bơm thanh khoản ra hệ thống.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, thanh khoản này không những đáp ứng bằng nội tệ, mà còn bằng cả USD. Nếu như bản thân ngân hàng trung ương không còn đủ USD để can thiệp ngay lập tức vào thị trường, thì hậu quả là sự đổ vỡ dây chuyền.

Thực tế, lượng USD mà các ngân hàng trung ương nắm giữ thường tương đối nhỏ so với quy mô nền kinh tế và thị trường tài chính của quốc gia đó. Chính vì thế, khi thanh khoản USD không quá nghiêm trọng, các ngân hàng trung ương có thể tự xử lý, nhưng nếu vấn đề là quá lớn, vượt ngoài tầm kiểm soát, họ sẽ phải tìm đến “người cho vay cuối cùng” là Fed.

Trong những giai đoạn khủng hoảng, chẳng hạn 2007 - 2008 hay 2011 - 2012, Fed đã phải mở rộng kênh Swap line (hoán đổi tiền tệ) với các ngân hàng trung ương lớn, số dư có lúc lên tới gần 600 tỷ USD.

Những thỏa thuận này đã làm giảm căng thẳng trên thị trường và làm giảm đáng kể tình trạng thiếu USD trên toàn cầu. Năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng trung ương lại phải tìm đến “cửa sổ” Swap lines của Fed.

Số dư hiện tại là gần 400 tỷ USD, đây là cơ sở thanh khoản đầu tiên và lớn nhất mà Fed sử dụng để đối phó với Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.

Những khoản Swap lines Fed đã mở với các ngân hàng trung ương để đối phó với COVID-19. 
Những khoản Swap lines Fed đã mở với các ngân hàng trung ương để đối phó với COVID-19. 

Lưu ý, với Swap lines, chỉ những ngân hàng trung ương lớn nằm trong danh sách “thân Mỹ” mới được tiếp cận. Vậy các quốc gia không có Swap lines với Fed (ví dụ Trung Quốc), nếu nguồn USD dự trữ không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước thì phải làm thế nào?

Ðể giải bài toán này, từ 6/4/2020, Fed đã cho ra đời một công cụ mới mang tên FIMA repo. Với công cụ này, Fed sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho những quốc gia cần sự trợ giúp nếu đáp ứng hai tiêu chí: có nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ và có tài khoản mở tại Fed.

FIMA repo cho phép các ngân hàng trung ương và các cơ quan tiền tệ quốc tế khác có tài khoản tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York ký kết các thỏa thuận mua lại với Fed.

Trong các giao dịch này, chủ tài khoản FIMA tạm thời trao đổi các chứng khoán kho bạc Mỹ với Fed để đổi lấy USD và chịu một mức lãi suất nhất định. Hết thời hạn, số trái phiếu được hoàn trả cho các ngân hàng trung ương.

Không khó để nhận ra nguyên lý hoạt động của công cụ này giống “cửa sổ chiết khấu” (discount window) mà ngân hàng trung ương cung cấp cho các ngân hàng thương mại khi gặp tình trạng căng thẳng thanh khoản tạm thời. Một công cụ đã quá quen thuộc với hoạt động ngân hàng trong và ngoài nước.

Swap lines và FIMA repo cho thấy tầm quan trọng của Fed đối với các ngân hàng trung ương toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào USD và Fed, rất có thể cơ quan này sẽ cho ra đời những công cụ cung cấp thanh khoản mới.

ĐẠI HẠ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement