06/04/2018 10:27
Ứng dụng gọi xe Việt có gì để "đấu" với Grab sau khi Uber ngã ngựa?
Các ứng dụng gọi xe như MaiLinh Taxi, Vato vừa ra đời được xem là làn gió mới cho thị trường nhưng dường như vẫn chưa đủ để cạnh tranh với Grab.
Lượng xe ít, gọi xe lâu
Đó là ghi nhận của người viết trong 2 ngày thử nghiệm ứng dụng gọi xe MaiLinh Taxi lẫn Vato của Phương Trang. Đáng chú ý, MaiLinh Taxi sau một thời gian ra mắt dịch vụ xe ôm Mbike thì đến nay lượng xe vẫn chưa đông như tuyên bố, trong khi Vato mới vừa gia nhập thị trường ghi nhận cũng khá ít xe.
Tại khu vực quận 10, TP.HCM, khi đặt xe qua Cách mạng Tháng 8, người viết nhận thấy khu vực hiện chỉ có khoảng 3 xe với MaiLinh Taxi, số lượng xe cũng tương tự cho loại hình xe ôm là Vato bike. Nếu chọn loại xe 4 chỗ thì cả ứng dụng Vato lẫn MaiLinh Taxi đều cho lượng xe khá, nhưng vẫn chưa nhiều so với Grab.
Nếu như khu vực quận 10 được cho là xa trung tâm, thì tình trạng xe ở ngoại thành của cả MaiLinh Taxi lẫn Vato đều rất ít, nếu không nói là không có xe.
Anh Đạt (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết khi dùng ứng dụng MaiLinh Taxi thì hơn 10 phút chưa có xe, dù là trên giao diện nhắn thông tin là đang liên hệ tài xế. Thử xem qua ứng dụng Vato, trong gần 30 phút, thông báo màn hình không có xe dù xung quanh đang thấy một xe lúc chưa đặt. Tuy nhiên, nếu dùng ứng dụng Grab cùng khu vực, lượng xe khá đông cho cả loại hình xe ôm là Grab Bike, lẫn Grab 4 chỗ hay Grab 7 chỗ.
Lượng xe của Vato hiện vẫn rất ít. |
Tương tự cho MBike khiến thời gian chờ lâu và đặt xe khó khăn. |
Thị trường TP.HCM dù chân đã chật nhưng nếu đi về các tỉnh, Grab tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với cả MaiLinh Taxi lẫn Vato. Anh Hòa (ngụ Long Thành, Đồng Nai) cho biết mở Grab vẫn thấy một vài xe khu vực này do gần Biên Hòa, trong khi Vato vắng bóng và MaiLinh Taxi thì chỉ hỗ trợ gọi qua tổng đài điện thoại dù giao diện màn hình đã hiện MLO Đồng Nai cho khu vực này.
Việc đặt xe khó khăn thông qua ứng dụng cũng phản ánh một thực tế hiện nay là Grab hầu như thao túng thị trường ứng dụng gọi xe khi lượng xe theo một tài xế cho biết đã gần con số 20.000 chiếc. So với con số vài ngàn chiếc của MaiLinh Taxi như tuyên bố trong ngày ra mắt Mbike hay Vato mới gia nhập cuộc chơi thì rõ ràng Grab hoàn toàn có lợi thế.
Ngoài ra, nhiều ứng dụng gọi xe Việt chỉ chủ yếu vào dịch vụ xe ôm và xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ, trong khi đó với Grab, hiện dịch vụ giao hàng cũng đã rất thịnh hành tại nhiều tỉnh thành ngoài TP.HCM, Hà Nội còn có cả Huế, Buôn Mê Thuột…
Vato có nhiều điểm mới
Một điều buồn cho ứng dụng gọi xe Việt là khá na ná giống với Grab, nhất là MaiLinh Taxi khi cùng tông màu xanh, trong khi Vato nhìn có vẻ cải tiến hơn, nhưng chung quy vẫn chưa tiện ích khi không cho khách hàng trả bằng thẻ qua internet mà chỉ dùng tiền mặt là chủ yếu.
Trên giao diện Grab, ngoài phần gọi xe và loại hình vận chuyển (chở khách hay giao hàng), các khung bên trái bao gồm tiện ích thanh toán thẻ, chương trình đổi điểm, lịch sử chuyển đi và các thông báo.
Ứng dụng Mailinh Taxi hay Vato cần nhiều hoàn chỉnh hơn bên cạnh lượng xe dồi dào để có thể đấu tại Grab. |
Với MaiLinh Taxi, khung giao diện rất giống Grab, cũng chung mã khuyến mãi bên dưới, khung ghi chú tài xế và địa điểm đón/đến. Phần giao diện bên trái chỉ chứa thông tin tài khoản, lịch sử chuyến đi.
Với Vato, ứng dụng gọi xe náy có cải tiến chút ít so với Grab. Theo đó, tại giao diện chính, người dùng có thể dùng tính năng gọi xe nhanh để đi mà không cần nhập địa điểm đến, thay cho Grab buộc phải nhập vào. Tính năng này có thể giúp người dùng dễ dàng hơn khi đi, mà khiến Grab bị nhiều khách hàng phản ánh là tài xế dễ dàng từ chối cho chuyến “đò ngang” với lộ trình ngắn.
Khác với Grab phải nhập mã khuyến mãi cho mỗi cuốc đi, thì Vato lại cho khách hàng chọn trước mã khuyến mãi ưu đãi và được sử dụng khi đặt xe mà không cần nhập lại. Vato cũng tích hợp tính năng Ví điện tử để dùng thanh toán cho các cuốc xe.
Trên Vato, khách hàng có thể thêm mục tài xế riêng để chọn tài xế ưng ý sau những cuốc xe, đây là một điểm hay của ứng dụng này khi cho phép người quen chở khách quen khi dùng thường xuyên.
Sự chênh lệch cước
Cước phí MaiLinh Taxi và Vato theo phản ánh của nhiều khách hàng là hiện tại chưa tăng trong giờ cao điểm. Thử nghiệm đặt xe trong khu giờ sáng từ 8h-9h tại khu vực quận 1, TP.HCM theo anh Đạt, Grab hiển thị giá tăng do nhu cầu, trong khi MaiLinh Taxi và Vato vẫn chỉ một mức giá thông thường.
Grab cho giá thấp hơn khi đi cự ly dài so với Mailinh Taxi. |
Với loại hình xe ôm, Mbike và Vato Bike dường như không dao động nhiều so với Grab cho cùng cự ly di chuyển đi với mức cước tối thiểu từ 10.000 đồng -13.000 đồng cho cự ly 4km.
Riêng với loại hình đặt xe 4 chỗ, trải nghiệm Vato Car, MaiLinh Taxi và Grab trong cùng cự ly từ Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM đến Cách Mạng Tháng 8, quận 3, mức cước dao động từ 25.000 đồng – 35.000 đồng, nếu tính luôn giờ cao điểm, khả năng cước của Grab sẽ cao hơn so với MaiLinh Taxi và Vato.
Cước phí của Vato vẫn chưa rõ ràng. |
Tương tự với Mailinh Taxi. |
Ở cự ly dài, Mailinh Taxi cho cước cao so với Grab. Cụ thể, khi đặt từ Long Thành về Biên Hòa (Đồng Nai), cự ly 36 km, giá MaiLinh Taxi là 435.000 đồng, khoảng 12.000 đồng/km, thì cước của Grabcar 4 chỗ là 373.000 đồng.
Đáng lưu ý, trong chiều 5/4, khi vào trang web của cả MaiLinh Taxi và Vato, người viết khó tìm chi tiết cước phí về giá của các dịch vụ. Trong khi đó, cước Grab quy định cho Grabcar 4 chỗ là 25.000 đồng/2km đầu, giá mỗi km tiếp theo là 9.000 đồng và 300 đồng/phút.
Riêng Grab 7 chỗ là 30.000 đồng/2km đầu, 11.000 đồng/km tiếp theo và 300 đồng/phút. Với loại hình Grabbike, giá cước phí 12.000 đồng/2km đầu, mỗi km tiếp theo 3.800 đồng. Grabbike cũng thu thêm phụ phí 10.000 đồng cho khu giờ 0h-5h hàng ngày.
Ngoài ra, cũng theo Grab, cước phí sẽ có thể thay đổi và hệ thống sẽ tự tính và hiển thị cước phí trên ứng dụng cho người dùng trước mỗi chuyến đi.
Grab mạnh tay với tài xế giả mạo Ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc bộ phận GrabBike cho biết doanh nghiệp này sẽ mời công an vào cuộc điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike tại các khu vực đông khách như bến xe Mỹ Đình, bến xe Gia Lâm (Hà Nội), bến xe Miền Đông, bến xe miền Tây, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Theo đó, các tài xế Grab giả ngoài việc tìm cách mời, chèo kéo khách hàng đi xe không qua ứng dụng, một số đối tượng còn tìm cách "chặt chém” khách hàng, thậm chí có hành vi ngăn cản, thậm chí tấn công các đối tác tài xế GrabBike đón/trả khách thông qua ứng dụng tại những địa điểm này. Để giải quyết tình trạng này, cuối tháng 3/2018 vừa qua, Grab đã gửi văn bản đề nghị hỗ trợ điều tra các đối tượng mạo danh tài xế GrabBike và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đến Phòng An ninh kinh tế - Công an TP.HCM. Về phía khách hàng, Grab cho biết những chuyến xe không được thực hiện thông qua ứng dụng Grab sẽ không được xem là đang sử dụng dịch vụ của Grab. Do đó, phía Grab không thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý nếu xảy ra sự cố. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp