10/11/2020 08:27
Tỷ phú 'khác người' Richard Branson sắp phóng tàu có người lái vào vũ trụ
Tỷ phú Richard Branson đã thành lập Virgin Galactic với lời hứa sẽ giúp hàng trăm người có thể trở thành phi hành gia mà không cần NASA đào tạo.
Biến du hành vũ trụ thành hoạt động du lịch
Richard Branson, tỷ phú người Anh thích tìm kiếm cảm giác mạnh, đã thành lập Virgin Galactic vào năm 2004, để thỏa mãn giấc mơ du hành vũ trụ cho nhiều người. Branson tuyên bố, nếu chuyến đi 2.500 dặm/giờ đến rìa không gian nghe có vẻ đáng sợ, ông sẽ tự mình thực hiện hành trình, trước khi để khách hàng trả tiền lên tàu.
Vì điều này mà Branson được gọi là nam tước vũ trụ. Ông thuộc nhóm các tỷ phú yêu thích không gian, bao gồm Elon Musk và Jeff Bezos. Chính tỷ phú Jeff Bezos là người cam kết sẽ đi du ngoạn trong tương lai gần trên con tàu vũ trụ mà ông đã thuê tài chính.
Công ty của Bezos, Blue Origin, đang nghiên cứu một tên lửa du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo cạnh tranh. Tuy nhiên, SpaceX của Musk tập trung vào việc vận chuyển các phi hành gia, và có lẽ một ngày nào đó là khách du lịch.
Richard Branson đã thành lập Virgin Galactic để thỏa mãn giấc mơ du hành vũ trụ của nhiều người. Ảnh: Virgin |
Trong thập kỷ qua, Branson đã liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để quảng cáo về các thời hạn khác nhau cho chuyến du hành ngoài trái đất của mình. Lý do cho điều này là vì xây dựng tàu vũ trụ luôn mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Đồng thời, quá trình phát triển SpaceShipTwo bị cản trở bởi hai vụ tai nạn thảm khốc, và gần đây nhất là một đại dịch. Hầu như hàng năm kể từ năm 2004, công ty đều tuyên bố sẽ có khách hàng bay trong một năm hoặc lâu hơn.
Tuy nhiên, vào ngày 5/11, Virgin Galactic đã đặt ra một thời hạn khác cho chuyến bay của Branson, là khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2021.
Đáng chú ý, tuyên bố đó không đến từ Branson. Lần này, nó đến từ Michael Colglazier, CEO mới được bổ nhiệm gần đây của Virgin Galactic, với mục tiêu hướng công ty phát triển từ một dự án kỹ thuật ở sa mạc California thành một doanh nghiệp du lịch vũ trụ trị giá hàng tỷ đô la.
Colglazier không trả lời các phóng viên, mà là với các nhà đầu tư Virgin Galactic, những người đã tin vào sự phát triển của Branson sau khi công ty ra mắt thị trường chứng khoán vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, so với 16 năm trước, Branson có ít cổ phần tài chính hơn trong thành công của Virgin Galactic. Ông đã bán bớt khoảng 1/4 cổ phiếu của mình trong bối cảnh tranh cãi, và các vấn đề tài chính liên quan đến COVID-19 tại hãng hàng không Virgin Atlantic của mình.
Nhưng thông điệp của Colglazier vào hôm 5/11 đã nói rõ rằng, mặc dù Branson đã bước sang tuổi 70 nhưng ông vẫn đang lên kế hoạch thực hiện điều đã hứa. Lời hứa về Virgin Galactic sẽ giúp mọi người thực hiện chuyến du hành vũ trụ một cách an toàn.
Du lịch vũ trụ liệu có nguy hiểm?
Chuyến bay vũ trụ của con người đã được thương mại hóa từ lâu. Và những người ủng hộ điều này cho rằng, nguy hiểm hay thậm chí là thảm kịch, không thể dập tắt mong muốn du hành vào vũ trụ của loài người.
Virgin Galactic đã trải qua thảm kịch đầu tiên vào năm 2007, khi ba người thiệt mạng và một số người khác bị thương nặng trong cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa, do các nhân viên của Scaled Composites, đối tác kỹ thuật và sản xuất của Virgin Galactic, thực hiện.
Vụ việc này đã nhận chỉ trích mạnh mẽ từ các chuyên gia an toàn hàng không vũ trụ, và dẫn đến một cuộc điều tra từ các cơ quan liên bang, nhưng Virgin Galactic vẫn tiếp tục.
Branson nói với Wall Street Journal năm 2013: "Đáng buồn thay, tôi nghĩ vì chương trình không gian được điều hành bởi các chính phủ, nên việc đưa công chúng lên vũ trụ ít được quan tâm, nhất là sau thảm họa tàu con thoi Challenger của NASA vào năm 1986".
Viễn cảnh du lịch vũ trụ đã đến gần. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, một năm sau, bi kịch lại ập đến với Virgin Galactic. Chiếc máy bay không gian nguyên mẫu của công ty đã vỡ nát trong một chuyến bay thử nghiệm trên sa mạc California, khiến phi công phụ 39 tuổi Michael Alsbury thiệt mạng. Sau đó, Brason phải đối mặt với những cáo buộc, rằng Virgin Galactic đã phớt lờ các cảnh báo an toàn.
Branson nói với BBC vào thời điểm đó: "Nếu bất kỳ kỹ sư tên lửa nào của chúng tôi cảnh báo điều gì đó không an toàn, chúng tôi sẽ dừng chuyến đi. Chúng tôi rất, rất cẩn thận về an toàn".
Cuối cùng, người ta đã xác định được lỗi của phi công trong vụ tai nạn. Sau đó, Virgin Galactic chia tay với Scaled Composites, và tổ chức lại hoạt động kinh doanh sản xuất của mình. Trong vòng hai năm, công ty đã có một chiếc SpaceShipTwo mới, được lắp ráp hoàn chỉnh với các tính năng an toàn bổ sung.
Chiếc SpaceShipTwo này được đặt tên là VSS Unity, và nó đã thực hiện nhiệm vụ thử nghiệm an toàn năm 2018. Một chuyến bay thử nghiệm thành công khác vào năm 2019 đã chở hành khách đầu tiên, nhưng hành khách này không phải là Branson. Chính giám đốc đào tạo an toàn của Virgin Galactic, Beth Moses, là người thử nghiệm. Cô mô tả trải nghiệm này là "dữ dội" nhưng không "quá kịch tính".
Ít nhất 8 nhân viên của Virgin Galactic sẽ bay trên SpaceShipTwo trước chuyến bay của Branson. Công ty cho biết họ có kế hoạch bay thử nghiệm khác với chỉ hai phi công vào mùa thu này, và một chuyến đi khác với 2 phi công và 4 hành khách thử nghiệm sẽ cất cánh vào đầu năm 2021. Tất cả những điều này nhằm mục đích có được con dấu chấp thuận của Cục Hàng không Liên bang, chứng nhận SpaceShipTwo cho hoạt động thương mại.
Và Branson sẽ đi chuyến bay tiếp theo sau đó.
Vẫn chưa rõ liệu mô hình kinh doanh của Virgin Galactic hay bất kỳ doanh nghiệp du lịch vũ trụ nào, có thể trở thành một doanh nghiệp kiếm tiền thành công và bền vững hay không. Nhưng các CEO của Virgin Galactic trong nhiều năm đã thừa nhận rằng, sự thành công hay thất bại của nó sẽ phụ thuộc vào việc công ty có thuyết phục được công chúng, rằng chuyến đi không chỉ an toàn mà còn đáng giá cho mỗi chỗ ngồi hay không.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp