02/10/2021 10:50
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thay đổi ra sao 10 năm qua
ACB, Techcombank, Vietcombank là ba ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống tính đến cuối tháng 6/2021.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng - tỷ lệ nợ xấu trên tổng cho vay khách hàng của các ngân hàng cải thiện sau 10 năm. Phần lớn các ngân hàng đều có tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%, ngoại trừ VPBank - đơn vị sở hữu công ty tài chính FE Credit.
Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, theo sau là ACB và Vietcombank. Sacombank giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ trên 8% vào năm 2015 xuống dưới 2%.
Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đề cập năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%, năm 2017 giảm xuống còn 1,99%, năm 2018 còn 1,91%, năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn, năm 2016 tỷ lệ nợ xấu là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%.
Đến nay, có hơn 20 ngân hàng tất toán xong trái phiếu và xóa nợ xấu đã bán cho VAMC có thể điểm tới như VietinBank, BIDV, MSB, HDBank, Viet Capital Bank, LienVietPostBank, Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank, Eximbank...
Ông Kim Anh cho biết nợ xấu, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi Covid-19 đến trong năm 2020 và năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
NHNN dự kiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp