23/12/2020 16:51
Tuyệt chiêu dạy trẻ tăng động cha mẹ nên biết
Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi và cảm xúc, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và khả năng học tập. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để giúp con kiểm soát chứng bệnh này.
Dưới đây là một số cách giúp cha mẹ quản lý – giáo dục trẻ tăng động giảm chú ý và tăng cường khả năng nhận thức cùng sự tập trung ở trẻ:
Hướng dẫn trẻ chơi trò chơi đòi hỏi sự tập trung cao
Trẻ ADHD sẽ cảm thấy hứng thú hơn với việc học tập thông qua các trò chơi. Các chuyên gia khuyên cha mẹ hãy cố gắng khuyến khích trẻ chơi những trò chơi đòi hỏi sự tập trung từ trung bình – cao, chẳng hạn:
- Trò chơi xếp hình, lego, rubik, truy tìm kho báu...
Trẻ tăng động chơi xếp hình sẽ cải thiện sự tập trung và khả năng ghi nhớ. |
- Trò chơi có tính kết nối cao: Cha mẹ có thể yêu cầu trẻ sắp xếp tất cả đồ dùng học tập, đồ chơi… theo bảng chữ cái, hoặc kích thước lớn nhỏ khác nhau để giúp trẻ có tư duy logic.
- Trò chơi “thách trẻ ngồi yên”: Bạn có thể thử thách trẻ chủ động ngồi yên trên ghế, không cử động chân tay trong khoảng 5 phút. Sau đó tăng dần thời gian lên mức tối đa mà trẻ có thể chịu được.
Tạo không gian yên tĩnh
Trẻ ADHD khá nhạy cảm với âm thanh, chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng khiến trẻ mất tập trung. Không gian học tập thoáng mát, yên tĩnh, tránh xa mọi thiết bị điện tử (điện thoại, ipad, tivi, máy tính…) và đầy đủ dụng cụ học tập để trẻ không cần phải đứng lên tìm kiếm bất cứ thứ gì... sẽ là nơi hoàn hảo để giúp trẻ tập trung.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Thực phẩm chứa nhiều đường không tốt cho trẻ tăng động
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng của trẻ mắc ADHD, bao gồm khả năng tập trung, chú ý. Chế độ ăn uống tổng quát được khuyến nghị phải có hoa quả và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein (hạnh nhân, trứng, thịt…). Tuy nhiên, cha mẹ có thể xin tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống cụ thể hơn dành riêng cho trẻ tăng động; Hạn chế hoặc tránh cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều đường…
Lên kế hoạch chi tiết công việc
Trẻ ADHD sẽ học được cách quản lý thời gian, tổ chức và sắp xếp công việc tốt hơn nếu chúng được lên kế hoạch chi tiết. Cha mẹ cần tạo cho con thời gian biểu cụ thể với những công việc, học tập hằng ngày. Ví dụ: Thức dậy lúc 6 giờ 30, đi học lúc 7 giờ, ăn tối lúc 19 giờ, đi ngủ lúc 21 giờ…
Chia nhỏ các nhiệm vụ lớn
Trẻ ADHD thường khó thực hiện một nhiệm vụ hoặc một chương trình dài tại một thời điểm. Vì vậy, cha mẹ nên chia nhỏ công việc để trẻ dễ dàng hoàn thành và thúc giục trẻ tiếp tục thực hiện những công việc tiếp theo.
Ví dụ: Nếu bạn muốn con mình dọn dẹp giá sách, bạn có thể yêu cầu trẻ sắp xếp tầng một của giá sách. Sau khi trẻ hoàn thành, bạn nên khen trẻ và tiếp tục hỏi: “Còn tầng 2, con muốn sắp xếp lại như thế nào?”
Phần thưởng cho trẻ
Mỗi khi trẻ làm tốt công việc, bạn nên khen ngợi, động viên, khuyến khích trẻ bằng những phần thưởng nhỏ như đồ chơi, món ăn yêu thích… hoặc chỉ cần một lời khen “Con đã làm rất tốt”, “Bố mẹ rất tự hào về con”… Những điều này sẽ giúp trẻ nhận thức đúng đắn và điều chỉnh các hành vi một cách tích cực hơn.
Hiểu phương pháp dạy con
Trẻ em có nhiều cách học khác nhau, một số trẻ sẽ xử lý thông tin dễ dàng hơn khi nhìn trực diện, một số trẻ cần được nghe nhưng một số trẻ cần kiến thức thực tế về các công việc và nhiệm vụ nào đó. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu con phù hợp với phương pháp nào, từ đó tạo điều kiện tốt nhất để con học tập.
Học qua hình ảnh
Thường thì những đứa trẻ này sẽ thích đọc thông tin và ghi chép lại nhiều lần để ghi nhớ. Cha mẹ có thể ghi chú các khái niệm, nhiệm vụ vào những tấm thẻ nhỏ, đặt ở nơi dễ nhìn, từ đó giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn. Cha mẹ cũng có thể yêu cầu trẻ vẽ ra những gì trẻ đang học, vì điều này sẽ giúp trẻ hình dung bài học và nhớ lâu hơn.
Học qua âm thanh
Một số trẻ ghi nhớ tốt hơn khi đọc to hoặc nghe người khác đọc. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy đọc các bài học cho con. Hoặc, cho trẻ nghe nhạc không lời, êm dịu khi học bài giúp trẻ tập trung tốt hơn.
Học qua trải nghiệm thực tế
Một số trẻ xử lý thông tin tốt hơn nếu chúng có thể quan sát, sờ thấy... Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con có trải nghiệm thực tế. Ví dụ: Con đang học về các loài động vật, bạn có thể cho con đến vườn bách thú để tận mắt nhìn thấy các con vật đó.
Đặt mục tiêu trong khoảng thời gian ngắn
Cha mẹ nên đặt ra giới hạn về thời gian để con hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, thời gian trung bình để người lớn hoàn toàn tập trung là 42 phút, do đó thời gian chú ý của trẻ sẽ ít hơn nhiều, đặc biệt là đối với trẻ tăng động. Thông thường, thời gian tập trung tốt nhất ở trẻ là 15-20 phút.
Dành thời gian cho trẻ nghỉ ngơi
Bên cạnh thời gian yêu cầu trẻ tập trung, bạn cũng nên dành cho trẻ một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, đào thải bớt năng lượng dư thừa trong cơ thể và chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho những công việc tiếp theo: Ví dụ sau khi trẻ giải xong một bài toán, bạn có thể cho trẻ chạy quanh nhà trong 1-2 phút.
Phạm Quỳnh H (Theo Vuhes)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp