11/12/2020 18:25
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử vào ngày mai
Từ 12/12, toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử trong 20 ngày. Gần 700 lao động đã được chuẩn bị cho công tác này.
Theo dự kiến, toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành từ 5h - 23h hàng ngày. Có 9 đoàn tàu hoạt động trong giờ cao điểm, theo hai hướng từ đầu đến cuối tuyến, các khoảng thời gian còn lại sẽ có 6 đoàn tàu hoạt động.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết trên VTC News, các đoàn tàu chạy với tần suất đến ga 6 - 7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2 - 3 phút/chuyến. Để hành khách lên xuống, ở mỗi ga, đoàn tàu dừng lại khoảng 30 giây.
Bắt đầu chạy thử 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông từ 12/12, quá trình vận hành thử nghiệm kéo dài 20 ngày. Ảnh: Tạp Chí Tài Chính. |
Trước đó, toàn bộ gần 700 lao động vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được Công ty Metro Hà Nội cho thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến. Cần ít nhất 20 ngày vận hành liên tục để đánh giá độ an toàn và phục vụ công tác nghiệm thu cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bắt đầu từ 12/12/2020.
Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa). Tốc độ chạy tàu trung bình 35 km/h (thiết kế 80 km/h), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chứa hơn 900 người.
Trước khi vận hành thử hệ thống, tổng thầu dự án sẽ chạy thử đoàn tàu 8 ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt. Cụ thể, 3 ngày đầu dành kiểm tra hạng mục chạy tàu; giãn cách 2 - 3 phút/chuyến và kết hợp diễn tập xử lý các sự cố. Trong 5 ngày tiếp theo, 6 đoàn tàu được chạy thử từ 8h - 18h, từ đầu đến cuối ga ở cả hai hướng tuyến.
Đoàn tàu sẽ vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn Pháp đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc). Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và phải nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư, lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng). Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3 - 6 tháng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đưa vào khai thác. |
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp