09/09/2019 17:31
Tự tin dẫn đầu thị trường giao đồ ăn nhưng Go-Việt có thực sự đủ tầm?
6 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam là GrabFood, Foody-Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Trong dịp kỷ niệm 1 năm đặt chân vàothị trường Việt Nam, Go-Việt tuyên bố rằng mình đã "nhanh chóng trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn” với dịch vụ GoFood nhưng so sánh thị trường lại chỉ ra nhiều điểm thú vị với chiến thắng thuộc về những thương hiệu có truyền thống lâu năm hoặc có độ phủ của tài xế cao, đảm bảo đủ nhanh và có chất lượng phục vụ cho hành khách tốt nhất.
Tự tin dẫn đầu thị trường đồ ăn nhưng Go-Việt có thực sự đủ tầm? |
Trong một kết quả nghiên cứu mới được Công ty Nghiên cứu Thị trường GCOMM công bố, 6 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến được biết đến nhiều nhất ở thị trường Việt Nam gồm GrabFood, Foody-Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Với sự khốc liệt của thị trường, đầu năm 2019, Lala đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm vì đã nhìn thấy trước được không thể "đọ sức" với siêu ứng dụng Grab. Lala đã chuyển hướng sang cung cấp giải pháp quản lý bán hàng cho các nhà hàng. Ahamove cũng định vị là chuyên cung cấp giải pháp vận chuyển nhanh cho thương mại điện tử có thể hỗ trợ giao hàng nhanh nhất, dù chỉ là 1 đơn hàng lẻ cũng nhận giao.
Không đủ tài xế đua tốc độ, đừng mơ đứng đầu
Để khẳng định đâu là thương hiệu thực sự dẫn đầu không chỉ dựa trên phát ngôn tự thân của các doanh nghiệp mà phải căn cứ trên số liệu so sánh thực tế hoặc các khảo sát của bên thứ 3 với khách hàng mới khách quan và xác thực.
Mặc dù có nhiều tuyên bố khá mạnh miệng đối với thị trường xe công nghệ ngay từ ngày đặt chân vào thị trường, nhưng độ phủ của những bác tài công nghệ trong màu áo đỏ Go Việt vẫn còn khá thưa thớt trên đường phố.
Luôn tỏ ra đầy tự tin với trận chiến của mình, Go-Viet cũng đưa ra nhiều con số để xác định vị thế “dẫn đầu” của mình trong mảng giao nhận thức ăn với 6 triệu ly trà sữa được giao, số lượng nhà hàng và số lượng món ăn trên app hay số tăng trưởng đơn hang đều tăng mạnh sau 1 năm.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những con số trên đều không đủ để khẳng định vị trí dẫn đầu của bất cứ một doanh nghiệp nào, nhất là khi các đối thủ có bề dày thâm niên như Now, Foody… đã quá quen thuộc với người tiêu dùng cũng như độ phủ các “shipper” rộng khắp trên thị trường.
Trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn, các chuyên gia và người dùng đều cho rằng, tốc độ đóng vai trò quan trọng trong ngành dịch vụ giao nhận thức ăn trực tuyến. Có tốc độ, món ăn mới giữ trọn hương vị tròn vị nhất, mang lại những trải nghiệm ẩm thực đúng như mong đợi của người dùng, tường tự như được phục vụ tại nhà hàng.
Điều này đã được minh chứng bởi kết quả nghiên cứu gần đây nhất do Công ty Nghiên cứu Thị trường GCOMM thực hiện, 65% người tiêu dùng đồng ý tốc độ giao thức ăn là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn dịch vụ giao nhận thức ăn.
Nếu thực tế đúng như khảo sát, rằng ứng dụng nào có tốc độ nhanh hơn sẽ thắng thì trên thực tế, không khó để thấy Grab hoàn toàn có thể được coi là ứng dụng số 1 về giao hàng tốc độ. Tuy nhiên, trên thị trường, ứng dụng giao hàng tức thời Ahamove với đội ngũ tài xế khoảng hơn 60.000 người cũng luôn sẵn sàng kết nối với các ứng dụng chưa có nhiều người giao hàng.
Ahamove sẽ giúp các ứng dụng giao hàng giải quyết khó khăn về tốc độ vận chuyển đồ ăn, việc còn lại là các nhà hàng phải làm hài lòng khách hàng ở chất lượng đồ ăn.
Là nhân viên văn phòng thường xuyên đặt đồ ăn, nước uống qua app công nghệ chị Nguyễn Thị Hoa (32 tuổi ngụ, quận 3, TP.HCM) cho biết, có lẽ do thói quen và hài lòng với chất lượng phục vụ của tài xế nên mỗi lần đặt đồ ăn là tôi lựa chọn Grab hoặc Now bởi giá cước phù hợp với quảng đường cũng như chất lượng phục vụ của tài xế nhanh và chuyên nghiệp.
“Có lần nghe bạn bè giới thiệu Go-Food đang có chương trình khuyến mãi nên tôi sử dụng thử mới biết thời gian chờ đợi lâu và tài xế phải gọi điện liên tục hỏi địa chỉ mới giao được đơn hàng. Điều này sẽ rất bất tiện cho người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ”, chị Hoa nói.
Trong một khảo sát khác, được GCOMM thực hiện trên 600 khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội trong tháng 12/2018 vừa qua, Grab dẫn đầu thị trường giao đồ ăn về mức độ hài lòng về ứng dụng nói chung và tốc độ giao hàng nói riêng, Now đứng 2, GoFood đứng 3.
Phần mềm lỗi định vị, tài xế “ôm xô” đồ ăn
Nhiều dân mạng cũng cho rằng, không bàn về những số liệu, nếu nói về chất lượng phục vụ thì liệu dịch vụ của Go-Food chưa đủ nhanh và tốt cho các “thượng đế” khi Go-Viet chỉ là đơn vị đang được đánh giá "khá lặng thầm" và độ phủ tài xế ở mức trung bình.
Ngoài ra, với quy chế cho phép khách đặt nhiều đơn hàng cùng một lúc nên thường xuyên xảy ra những câu chuyện "dở khóc dở cười" khi khách đặt hàng 2 tài xế cùng 1 lúc "cho chắc".
Dù đã đưa vào hoạt động rầm rộ hơn 1 năm nay nhưng phần mềm ứng dụng của Go-Viet vẫn còn bị lỗi định vị . |
Đăng ký chạy Go-Viet từ những ngày đầu mới xâm nhập vào thị trường Việt Nam, anh Nguyễn Tấn T. (sinh năm 1986, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho biết, chính sách thời gian đầu áp dụng cho tài xế thoải mái hơn bây giờ, các chương trình khuyến mãi ngày càng bị cắt giảm và khó đạt được điểm thưởng nên anh, em tài xế cũng ngao ngán.
“Dù đã đưa vào hoạt động rầm rộ hơn 1 năm nay nhưng phần mềm ứng dụng của Go-Viet vẫn còn bị lỗi định vị rất nhiều, anh, em tài xế đã kiến nghị liên tục nhưng đến giờ vẫn không có tiến triển gì. Hơn nữa có nhiều trường hợp tài xế là người phải chấp nhận “ôm xô” đồ ăn hoặc nước uống bởi cùng lúc hành khách đặt Go-Food nhưng cả 2 tài xế đều nhận cuốc và mang tới cho một người, ai mang tới sau thì phải chấp nhận ôm xô”, tài xế T. nói.
Nhìn nhận ở góc độ khách quan, theo anh Tấn T. hiện nay trên thị trường nói đến giao đồ ăn thì Now của Foody là đứng đầu, còn về phục vụ đa tiện ích cho người dân thì có vẻ chiếm lợi thế hơn. Ngoài ra Go-Viet cùng lúc một phần mềm kết nối 3 ứng dụng (chở khách, giao hàng và đồ ăn) cũng gây bất tiện cho tài xế và chất lượng phục vụ chuyên môn không tốt bằng các hãng công nghệ khác chỉ chuyên phục vụ một loại dịch vụ.
Mới chuyển qua chạy Go-Viet được gần 2 tháng đang loay hoay gọi điện thoại hỏi địa chỉ để giao đồ ăn cho khách tài xế Phan Minh T. (sinh năm 1983, ngụ quận 7, TP.HCM) chia sẻ: “Việc phần mền của Go-Viet sai định vị 1-2km là chuyện bình thường, riết rồi các tài xế cũng quen và truyền tai nhau chia sẻ kinh nghiệm trước khi nhận cuốc của khách phải hỏi rõ địa chỉ rồi tự rò đường chứ chăm chăm nhìn theo định vị phần mềm là không đến đúng được địa chỉ khách đặt”.
Cuộc chiến giao nhận đồ ăn dường như đang ngày càng khốc liệt khi các ứng dụng đang đầy nỗ lực thả thêm tiền đầu tư vào thị trường nhằm gia tăng lợi thế về độ phủ để thoả mãn các thượng đế. Và để thực sự là người dẫn đầu dường, cần có nhiều hơn những chiến lược cụ thể, đủ để thuyết phục người dùng Việt.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp