Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Từ 24/11/2018, TP.HCM sẽ phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi thu gom

Chính sách - Hạ tầng

17/11/2018 09:07

Không ký hợp đồng, không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định số 44/2018 QĐ-UBND về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 24/11/2018.

Theo quy định, chất thải rắn phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định. Theo đó, chất thải rắn được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật).

Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

CT

Từ 24/11/2018, TP.HCM sẽ phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi thu gom.

Chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, chủ nguồn thải được lưu chứa trong các bao bì, thiết bị phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ. Sử dụng các loại túi có màu sắc khác để chứa chất thải còn lại.

UBND TP.HCM khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng thiết bị lưu chứa là các thùng rác chuyên dùng của các nhà sản xuất có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, thùng rác có màu xám để chứa chất thải còn lại.

Trên các đường phố chính, các khu thương mại, quảng trường, công viên, khu vui chơi giải trí, điểm tập trung dân cư, đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác có bố trí các thùng rác sinh hoạt có dán nhãn để người dân nhận biết, phân loại. Các thiết bị lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu trữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.

Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được xây dựng lộ trình và tổ chức thu gom, vận chuyển riêng đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung. Các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phân loại phải được phân biệt với các loại xe thu gom, vận chuyển chuyên dụng khác.

Theo quy định, thì chất thải hữu cơ sẽ được tổ chức thu gom thứ 2, 4, 6 và Chủ nhật trong tuần. Các loại chất thải còn lại tổ chức thu gom thứ 3, 5, 7 trong tuần. Tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng khu vực mà có thể điều chỉnh ngày thu gom tăng hoặc giảm đối với từng loại chất thải.

UBND TP.HCM cũng khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thân thiện với môi trường.

Cũng theo quy định của UBND TP.HCM, người dân được quyền giám sát phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất quy định.

Còn phía tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom được quyền từ chối chất thải của hộ gia đình, chủ nguồn thải khi thực hiện phân loại, chuyển giao chưa đúng theo quy định

Không ký hợp đồng, không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng.

LAN ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement