23/12/2022 20:41
Từ 1/1/2023, khách hàng có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm đã mua
Luật kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 1/1/2023 đưa ra quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm. Theo đó, khách hàng có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe sau khi đã mua (đối với bảo hiểm có thời hạn trên một năm).
Trước đó, ngày 16/6, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với 7 Chương, 157 Điều. Đây là văn bản pháp lý quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới cho thị trường bảo hiểm trong thời gian tới.
Trong đó, tại Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 có bổ sung quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.
Cụ thể, đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, từ 1/1/2023, khách hàng có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm sau khi đã mua (đối với bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm). Có thể thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, Luật Kinh doanh bảo hiểm còn có nhiều điểm mới được bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Đơn cử, Luật mới phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm.
Một trong những điểm mới đáng chú ý là Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định rõ, doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp luật định.
Việc "siết" đầu tư kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm thống nhất với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là quy định mới so với luật hiện hành, khi doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 10-20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ, theo Zing.
Về người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm, theo quy định của luật phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm hoặc chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp theo quy định của Bộ trưởng Tài chính.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 9 tháng năm 2022 ước đạt 127.511 tỉ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 9 tháng ước đạt 37.677 tỉ đồng, tăng 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 6.863 tỉ đồng, tiếp đến là Prudential với 6.678 tỉ đồng, Dai-ichi Life với 5.172 tỉ đồng…
Cũng theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả ước đạt 34.552 tỉ đồng, tăng 57,35% với cùng kỳ năm trước.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp