26/09/2020 12:55
TT Trump nói không rút lại quyết định cấm tải TikTok.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không rút lại kế hoạch cấm tải xuống ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok.
Ngày 25/9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi văn bản lên tòa án để thúc đẩy lệnh cấm các ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc trên các kho ứng dụng dành cho điện thoại thông minh của Apple và Google.
Văn bản gửi tòa án của Bộ Tư pháp yêu cầu Thẩm phán sơ thẩm Mỹ Laurel Beeler tại San Francisco dừng phán quyết sơ bộ đưa ra vào ngày 20/9 chặn lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ đối với ứng dụng tin nhắn WeChat của công ty công nghệ Tencent (Trung Quốc), chỉ vài giờ trước khi lệnh cấm có hiệu lực, theo TTXVN.
Chính quyền Trumpthúc đẩy việc cấm TikTok và WeChat tại Mỹ. Ảnh: CNBC. |
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 thông báo mọi động thái phân phối hoặc duy trì WeChat cũng như ứng dụng chia sẻ video TikTok (cũng của công ty Trung Quốc) trên các cửa hàng ứng dụng trực tuyến sẽ bị cấm từ ngày 20/9, viện dẫn lý do an ninh quốc gia. Theo đó, yêu cầu công ty Apple Inc và Google của Alphabet Inc xóa ứng dụng WeChat trên các cửa hàng ứng dụng của họ. Ngoài ra, việc lưu trữ hoặc chuyển lưu lượng truy cập Internet liên quan đến WeChat bị cấm từ 20/9. Lệnh cấm tương tự với ứng dụng TikTok sẽ có hiệu lực muộn hơn, kể từ ngày 12/11.
Trong phán quyết ngày 20/9, thẩm phán Laurel Beeler của tòa án thành phố San Francisco cho rằng những bằng chứng cụ thể về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia liên quan đến WeChat ở mức "vừa phải". Bà Beeler cho biết sẽ mở phiên tòa vào ngày 15/10 để đưa ra quyết định về yêu cầu của Bộ Tư pháp.
WeChat là một ứng dụng được người dùng ở Mỹ sử dụng chủ yếu để nhắn tin liên hệ với bạn bè, gia đình, khách hàng và trao đổi công việc với đối tác ở Trung Quốc. Công ty Tencent, chủ sở hữu của ứng dụng này, cho biết họ có hơn 1 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc, nơi ứng dụng này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, từ nhắn tin tới mạng xã hội, gọi xe taxi và thực hiện giao dịch thanh toán. Theo số liệu của công ty phân tích Apptopia, đầu tháng 8/2020, WeChat có trung bình 19 triệu người dùng hằng ngày ở Mỹ.
Cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không rút lại kế hoạch cấm tải xuống ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok, tạo ra một tình huống đối đầu với tòa án trước hạn chót vào Chủ Nhật.
Ảnh: Internet. |
Văn bản gửi tòa án của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này phản đối đơn kiến nghị của TikTok về lệnh ngăn chặn sắc lệnh của Tổng thống Trump, người đã gọi nền tảng xã hội của Trung Quốc là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Văn bản này được đưa ra một ngày sau khi thẩm phán Carl Nichols nói với các luật sư rằng ông sẽ cân nhắc dựa trên cơ sở giải quyết mà TikTok yêu cầu nhằm ngăn chặn sắc lệnh của Tổng thống Trump trước khi lệnh cấm trên có hiệu lực vào lúc 23h59 ngày 27/9 (3h59 GMT ngày 28/9).
"Các hành động ngày hôm nay chứng minh một lần nữa rằng Tổng thống Donald Trump sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của ông để bảo đảm an ninh quốc gia của chúng ta và bảo vệ người dân Mỹ khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc", trích tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Rosshôm 18/9, theo The Guardian.
TikTok là một ứng dụng điện thoại thông minh để tạo và chia sẻ các video ngắn, được sử dụng phổ biến trong giới thanh thiếu niên, với các bài đăng điển hình như hát nhép, nhảy hoặc video vui. TikTok cho biết ứng dụng này có 100 triệu người dùng ở Mỹ và hàng trăm triệu người dùng trên toàn cầu. Ứng dụng này có “văn hóa ảnh hưởng” (sử dụng những người có uy tín trên mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm) của riêng mình, cho phép người dùng kiếm tiền qua việc đăng tải các video, và bán dịch vụ quảng cáo cho các công ty lớn của Mỹ.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp