15/10/2019 15:43
Truy quét gần 16.000 chiếc đồng hồ Thụy Sỹ nhái
Tính đến cuối tháng 9 năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã tịch thu 15.535 chiếc đồng hồ “nhái” các nhãn hiệu nổi tiếng của Thụy Sỹ.
Theo thông tin từ Bộ Công thương , sau hàng loạt các đợt kiểm tra chuyên đề, tính đến cuối tháng 9/2019, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tổng kiểm tra 442 vụ vi phạm đối với mặt hàng đồng hồ Thuỵ Sỹ và thu giữ 15.535 chiếc đồng hồ nhái các nhãn hiệu nổi tiếng của Thuỵ Sỹ như Rolex, Tudor, Longines, Omega, Patek Philippe, Montblanc, Chanel, Burberry…
Trong số đó, lực lượng Quản lý thị trường đã trực tiếp xử lý 406 vụ, huyển cơ quan điều tra 2 vụ, phạt tiền trên 2,5 tỷ đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng thu giữ hơn 1.200 chiếc đồng hồ Thuỵ Sỹ giả mạo. |
Trong số đó, Khánh Hòa được xem là địa phương “nổ phát súng đầu tiên” trong việc triển khai chuyên đề với việc đồng loạt kiểm tra 10 điểm kinh doanh.
Cụ thể, tại TP. Nha Trang, thu giữ 2.103 chiếc đồng hồ giả thương hiệu Thụy sỹ các loại, chuyển 2 vụ sang cơ quan công an điều tra. Tiếp đó, Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã kiểm tra đồng loạt 6 vụ, thu giữ 1.288 chiếc. Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra 49 vụ, thu giữ 1.178 chiếc. Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra 19 vụ, thu giữ 1.102 chiếc. Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra 109 vụ, thu giữ 3.031 chiếc.
Trước tình hình hàng giả tràn lan trên thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường quyết tâm chỉ đạo trong việc tăng cường đẩy mạnh công tác đấu tranh chống hàng giả, trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường đã và đang triển khai có hiệu quả những yêu cầu đặt ra về việc kiểm tra, xử lý mặt hàng đồng hồ giả mạo nhãn hiệu Thuỵ Sỹ, đem lại các kết quả tích cực, góp phần đẩy lùi đáng kể tình trạng công khai bán hàng giả trên thị trường.
Đồng thời, vai trò chủ động, tích cực của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam đã góp phần rất lớn giúp cho lực lượng Quản lý thị trường bước đầu hoàn thành nhiệm vụ thông qua việc cung cấp thông tin chính xác, hiệu quả, sự phối hợp đồng bộ, nhất quán và có tính cam kết lâu dài tạo diện mạo mới cho bức tranh thực thi quyền sở hữu trí tuệ đạt được những kết quả khích lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại không ít khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đặc biệt phải kể đến đó là tâm lý chuộng "hàng hiệu giá rẻ" của người tiêu dùng. Nhận thức của người tiêu dùng về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả tại nhiều nơi còn nhiều hạn chế, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đi cùng với đó, nguồn lực kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực của lực lượng Quản lý thị trường phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả còn hạn chế, trong khi hiện nay, các đối tượng vi phạm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường nói riêng và lực lượng chức năng nói chung.
Cụ thể, không có địa điểm kinh doanh cụ thể, chỉ chốt đặt hàng từ khách hàng rồi mới giao hàng; bán hàng qua môi trường thương mại điện tử… gây khó khăn trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ vốn đã phức tạp và khó khăn thì những vi phạm trong thương mại điện tử còn “tinh vi” và phức tạp hơn rất nhiều.
Việc triển khai, phối hợp tại nhiều địa phương chưa được thực hiện đồng loạt dẫn đến việc kiểm tra, xử lý chưa đạt hiệu quả cao. Một số địa điểm, cơ sở kinh doanh đối phó bằng cách tạm đóng cửa không hoạt động kinh doanh hoặc sử dụng các phương thức kinh doanh trên thương mại điện tử để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Một số đại diện chủ thể quyền do bị giới hạn về nguồn lực nên gặp nhiều thách thức, khó khăn trong việc đồng hành, phối hợp cùng lực lượng chức năng trong công tác phòng chống hàng giả.
Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tập trung nguồn lực, tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, báo chí, hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường hợp tác với các chủ thể quyền trong việc cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện trong việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm và công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nội dung về phân biệt hàng thật hàng giả cho cán bộ, công chức thực thi.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp