10/03/2022 16:04
Trường học đóng cửa vì COVID-19 khiến thế hệ tương lai có thể mất 17.000 tỷ USD thu nhập suốt đời
Trầm ngâm trước Đền Taj Mahal, Ấn Độ, hướng dẫn viên du lịch Raju Usmani, 38 tuổi, lo ngại tương lai của con gái mình.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của Usmani (giảm từ 13 USD/ngày xuống còn 5 USD/ngày), khiến anh không có đủ tiền để cho con gái quay trở lại trường học sau gần hai năm phải ở nhà do dịch bệnh.
Areeba, 10 tuổi, là một trong số 1,6 tỷ trẻ em trên toàn cầu -tương đương hơn 90% tổng số học sinh- bị ảnh hưởng do trường học phải đóng cửa.
Việc đình trệ trong hoạt động học tập có thể làm gia tăng bất bình đẳng giàu - nghèo trong một nước và giữa các quốc gia.
Chuyên gia giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Robert Jenkins cảnh báo: “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất mát một thế hệ”. “Đó là hành động ngay bây giờ hoặc không bao giờ để xoay chuyển tình hình.”
Ông cũng nói rõ nếu không hành động khẩn cấp, nhiều quốc gia có thể mất đi công nhân lành nghề để phục vụ cho sự phát triển xã hội, kinh tế.
Không những vậy, ông cũng ngày càng lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội ở các quốc gia nơi lượng lớn thanh niên bị bỏ lại không có kỹ năng, việc làm hoặc tương lai.
UNICEF cho biết trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã chịu ảnh hưởng khi trường học bị đóng cửa trong thời gian dài và các em ít có khả năng tiếp cận với phương pháp học tập từ xa.
Không có số liệu toàn cầu về số người đã bỏ học. Nhưng bằng chứng từ Uganda - nơi các trường học mở cửa trở lại vào tháng Giêng sau khi đóng cửa kỷ lục 22 tháng - cho thấy có tới 30% trẻ em có thể không trở lại lớp học.
Các nhà hoạt động vì quyền của trẻ em cho rằng việc đóng cửa trường học gây ra nhiều hệ lụy như gia tăng lao động trẻ em, trẻ vị thành niên mang thai và tảo hôn.
Không chỉ vậy, nhiều bậc cha mẹ đã lâm vào cảnh túng quẫn vì bị phong tỏa và không còn khả năng cho con đi học.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), việc đóng cửa lớp học có thể khiến thế hệ trẻ em hiện nay sẽ mất 17.000 tỷ USD thu nhập suốt đời - tương đương 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ngày nay - do việc dừng giảng dạy làm mất đi cơ hội phát triển trong tương lai.
Thời điểm quan trọng
Các nhà giáo dục nói rằng thế giới đang ở ngã ba đường. Mở lại lớp học là không đủ - trường học phải đánh giá trẻ và điều chỉnh chương trình giảng dạy để giúp trẻ bắt kịp.
Bằng chứng từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ như trận động đất ở Pakistan năm 2005 cho thấy những mất mát trong học tập thậm chí có thể tăng lên sau khi trẻ em trở lại trường nếu việc giảng dạy không được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu học của các em.
Areeba cuối cùng cũng trở lại trường học vào tháng 1 vừa qua và em học lại lớp mà đáng nhẽ em học 2 năm trước.
Areeba hầu như không còn nhớ những kiến thức đã học. Trong khi đó, em trai của Areeba là Ayazuddin, 5 tuổi, cũng đi học mẫu giáo và phải vật lộn để nhớ bảng chữ cái tiếng Anh và tiếng Hindi.
Việc quên những kiến thức đã học là vấn đề chung mà rất nhiều trẻ trên thế giới gặp phải. Nhiều giáo viên cho rằng các em không chỉ quên những gì đã học mà quên cách học.
Anh Usmani lo ngại tương lai của con gái mình vì cuộc sống sau này của Areeba phụ thuộc vào những gì cô bé học bây giờ.
Areeba rất vui khi được trở lại trường học và vội vã trở về nhà sau giờ học để khoe cho cha mình xem các ngôi sao của giáo viên trong sách bài tập.
“Cô bé thực sự nhớ trường,” anh nói. “Đã qua rồi cái thời trẻ em sợ hãi đến trường. COVID chắc chắn đã thay đổi điều đó”.
Phương pháp tiếp cận toàn diện
Thống kê của WB cho biết giáo dục đã rơi vào khủng hoảng ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành, với 53% trẻ 10 tuổi ở các nước thu nhập thấp và trung bình không thể đọc một câu chuyện đơn giản, đồng thời cảnh báo tỷ lệ này có thể tăng lên 70% với những hậu quả tiềm ẩn kéo dài trong nhiều thập kỷ. Hậu quả không dừng ở đó.
trẻ em không được đến trường sẽ mất đi cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội, biết nhiều môn thể thao, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi hoặc lạm dụng.
Trong thời gian đại dịch, nhiều trẻ em bị bỏ rơi do cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc tử vong do COVID-19. Ước tính, có tới 5,2 triệu trẻ em trên thế giới không còn người thân.
Do vậy, ông Jenkins cho rằng trường học cần có cách tiếp cận toàn diện khi mở cửa đón trẻ trở lại trường, ngoài việc giảng dạy, các giáo viên cần chú trọng đến vấn đề sức khỏe tinh thần, tâm lý và thể chất của trẻ.
Ở nhiều quốc gia, trẻ em gái bị tác động không cân xứng. Họ thường ít tiếp cận với công nghệ hơn anh em của mình và có nhiều khả năng phải giúp việc nhà khi các lớp học đóng cửa.
Không chỉ vậy, các bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên cho bé trai trở lại trường học hơn là các bé gái trong trường hợp tình hình tài chính khó khăn.
Mang thai ở tuổi vị thành niên cũng là rào cản khiến các em gái không thể quay lại học tập.
Hồi năm 2020, tổ chức viện trợ Tầm nhìn Thế giới ước tính 1 triệu trẻ em gái ở phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi có thể bỏ học do mang thai.
Rwanda và Sierra Leone đã được khen ngợi về các biện pháp tái hòa nhập các bà mẹ trẻ trở lại trường học. Nhưng sự kỳ thị, nghèo đói và thiếu người chăm sóc trẻ em vẫn có thể khiến nhiều người không được đến lớp.
Tác động đến tương lai
Các chuyên gia giáo dục nhận định chính phủ các nước cần phải làm nhiều hơn nữa để đánh giá số học sinh bỏ học và nỗ lực tháo gỡ rào cản khiến các em không thể học tập trở lại. Nhiều trẻ em đã phải nghỉ học để kiếm tiền.
Thống kê của UNICEF cho thấy đến cuối năm 2022, trên thế giới có 9 triệu trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em do đại dịch.
Tại thủ đô Kampala của Uganda, Kareem Kato, một sinh viên khoa học hàng đầu với tham vọng trở thành kỹ sư, chuẩn bị bắt đầu học trung học thì đại dịch xảy ra.
Nhưng việc phong tỏa đã ảnh hưởng đến tài chính của cha mẹ, làm ảnh hưởng đến ước mơ của Kareem Kato. Năm 14 tuổi, Kareem Kato bắt đầu làm thợ mộc để giúp đỡ các anh chị em của mình.
Em gái sinh đôi của Kareem Kato, Sumaya, hy vọng trở thành một luật sư, nhưng cũng buộc phải bỏ học và hiện đang giúp mẹ ở quầy hàng ở chợ.
“Các bạn cùng trường đã đặt biệt danh cho tôi là 'omuyiribi' có nghĩa là người hối hả," Kareem nói, cố kìm nước mắt của mình. “Đôi khi tôi khóc khi nhìn các em đi học về vui vẻ, và tôi đổ mồ hôi trong xưởng”.
Các nhà phân tích cho biết, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Uganda vẫn thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao.
Ông Muhire Francis, nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Makerere, nhấn mạnh con người có thể không nhìn thấy tác động ngay bây giờ của việc trẻ em không được đi học, song sẽ sớm nhận thấy hệ trong tương lai và việc trường học đóng cửa sẽ ảnh hưởng về lâu dài.
(Nguồn: Reuters)